03:09 30/03/2012

Nơi gửi gắm “di sản” của các nhà khoa học

Thành lập từ năm 2008, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã và đang trở thành nơi lưu giữ những “báu vật tinh thần” của nhiều nhà khoa học đầu ngành trên nhiều lĩnh vực.

Thành lập từ năm 2008, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã và đang trở thành nơi lưu giữ những “báu vật tinh thần” của nhiều nhà khoa học đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Từ cuốn nhật kí của GS Nguyễn Tài Thu đến sổ học bạ thời phổ thông của GS Phạm Đồng Điện, tất cả đều kể cho hậu thế những câu chuyện đáng nhớ.

Di sản bị… bán đồng nát

Ý tưởng sơ khởi ban đầu về một trung tâm lưu trữ những di sản của các nhà khoa học xuất phát từ một nhóm các bác sĩ thuộc Công ty Công nghệ và Xét nghiệm y học. Lúc đầu, mục tiêu hướng đến là những nhà khoa học trong lĩnh vực y học. Về sau, mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau.

Giám đốc chuyên môn Trung tâm di sản các nhà khoa học, PGS. TS Nguyễn Văn Huy cho biết, giai đoạn đầu sưu tầm các tư liệu gặp rất nhiều khó khăn. “Làm sao để các nhà khoa học tin tưởng và thấy được những giá trị khoa học là điều chúng tôi trăn trở nhất. Nhiều tài liệu rất quý nhưng bản thân các nhà khoa học lại không nghĩ là có giá trị nên bỏ đi, bán như giấy vụn. Trong khi đó từ 70-80 năm nay ở các nước tiên tiến đã thấy được những giá trị (lịch sử và xã hội) của các tài liệu cá nhân này. Có thể chỉ là những bản thảo, những ghi chép cá nhân nhưng lại giúp cho người ta hiểu được lịch sử một cách cụ thể hơn là thông qua hệ thống báo chí hay tài liệu chính thống”.

PGS. TS.Nguyễn Văn Huy.

Hiện nay người ta đã chú ý nhiều đến lịch sử thông qua cá nhân nhà khoa học bởi mỗi nhà khoa học đều là một nhân chứng tham gia và đóng góp nên lịch sử. Khi nghiên cứu di sản của các nhà khoa học một cách hệ thống, chúng ta sẽ thấy được lịch sử các ngành khoa học Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau, đồng thời cũng có thể hiểu được các thế hệ trí thức ở các giai đoạn khác nhau đã được đào tạo, rèn luyện và cống hiến như thế nào. Từ cuộc đời của từng nhà khoa học là những sử liệu sống động sẽ ghép lại thành bức tranh toàn cảnh về lịch sử phát triển của khoa học Việt Nam nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung.

Một số hiện vật của cố GS Chu Văn Tường trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Khối tài liệu lớn đầu tiên mà trung tâm nhận được là của GS Nguyễn Văn Nhân, một chuyên gia về phẫu thuật xương. Bộ tài liệu GS Nhân trao cho trung tâm gồm khoảng 4.000 đầu tài liệu, và đến nay GS vẫn tiếp tục trao cho trung tâm thêm rất nhiều tài liệu khác nữa. Tổng số các nhà khoa học mà trung tâm tiếp cận được đã lên con số 250. “Lúc đầu các nhà khoa học đến tặng cho trung tâm những cuốn sách in của mình và nghĩ rằng đấy là di sản, tức là bắt nguồn từ những cái đơn giản nhất. Nhưng sau này chúng tôi dần làm cho họ hiểu di sản là tất cả những bút tích, ghi chép, bản thảo, thư từ, cuốn sổ…”, PGS Huy nói.

Trong quá trình sưu tầm và tìm hiểu các di sản, PGS. TS Nguyễn Văn Huy đã có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Ông kể về một kỉ niệm khiến ông thật sự bất ngờ và xúc động. Trong một lần xem cuốn học bạ của GS Phạm Đồng Điện (nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) năm 1937 khi ông đang theo học trường Bưởi, PGS Huy đã nhận ra một chữ kí quen quen. “Tôi bèn nhìn lại xem ông ấy học môn gì thì đó là chữ kí của giáo viên môn lịch sử. Rất tình cờ, đó là chữ kí của bố tôi (cố GS Nguyễn Văn Huyên). Bố tôi đã nhận xét: Đây là một học sinh thông minh và xuất sắc, khi cầm quyển học bạ ấy, tôi thật sự xúc động”, PGS Huy chia sẻ.

Ý tưởng về bảo tàng các nhà khoa học

Hiện nay, trung tâm di sản đang tập trung vào 21 nhà khoa học đầu tiên được Hồ Chủ tịch cử đi học ở Liên Xô năm 1951 ở các lĩnh vực khác nhau và các nhà khoa học kĩ thuật trong khối Bách khoa. Đặc biệt, trung tâm chú ý đến những người được đào tạo ở Bách khoa khóa I. Bởi từ Bách khoa khóa I, họ tỏa đi các trường Đại học Mỏ địa chất, Kiến trúc, Xây dựng, Học viện Kĩ thuật quân sự, các viện nghiên cứu… trở thành nòng cốt cho rất nhiều đơn vị trên cả nước.

PGS Nguyễn Văn Huy cho biết: “Vừa rồi chúng tôi đã tiếp cận 5 nhà địa chất hàng đầu. Tài liệu của các nhà khoa học này rất hay, từ những cuốn sổ ghi chép, những kí ức về cuộc khảo sát địa chất vào giai đoạn đầu những năm 50 khi chúng ta chưa có nền khoa học địa chất”. Theo ông Huy, mỗi di sản của nhà khoa học đều có dấu ấn cá nhân của họ cũng như dấu ấn đối với lịch sử đất nước. Ví dụ bộ sưu tập của GS Tôn Thất Tùng có 2 cuốn sổ tay khi ông đi khảo sát ở Trung Quốc và Triều Tiên năm 1951. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử đoàn công tác đi xem xét kinh nghiệm trong chiến tranh ở Triều Tiên như thế nào nên rất có ý nghĩa lịch sử.

Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam là trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thông qua tiểu sử, kí ức, tư liệu và hiện vật cá nhân của các nhà khoa học Việt Nam. Qua việc giới thiệu, trưng bày các hiện vật về cuộc sống các nhà khoa học nhằm tôn vinh các nhà khoa học đã cống hiến vì sự nghiệp khoa học Việt Nam. Trung tâm hoạt động theo mô hình xã hội hóa với sự bảo trợ của công ty công nghệ và xét nghiệm y học, địa chỉ tại số 66, phố Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội.

Một di sản khác cũng độc đáo không kém, đó là 10 cuốn nhật kí của GS Nguyễn Tài Thu, ông viết từ những năm 50 cho đến khi con trai ông không may bị tai nạn, qua đời. Trong đó ông viết về những công việc, sự phấn đấu, những suy nghĩ chia sẻ của mình để sau này con trai lớn lên hiểu về công việc của người cha. Đó là một tình cảm rất bao la gây xúc động cho nhiều người.

Muốn các nhà khoa học tin tưởng để giao phó những tài liệu quý giá của mình, cần phải để các nhà khoa học hiểu được ý nghĩa của những tài liệu ấy đối với quốc gia. “Nếu chúng ta bỏ bê, làm mất nó thì sau này giới trẻ sẽ không hiểu được vốn văn hóa của Việt Nam”, ông Huy cho biết. Trung tâm Di sản các nhà khoa học được xác định là trạm trung chuyển, hiện trung tâm đang tiến hành xây dựng một Bảo tàng “Di sản các nhà khoa học Việt Nam” tại Hòa Bình với quy mô 26 ha. Tương lai, đó sẽ là một bảo tàng quy mô về các nhà khoa học Việt Nam.

PGS Huy đề xuất: “Trên thế giới, những trung tâm lưu trữ ở Mỹ, Pháp, Nhật cơ bản là các trung tâm tư nhân. Ở nước ta cũng cần phải xã hội hóa để tư nhân tham gia đóng góp vào sự phát triển văn hóa, xã hội càng nhiều càng tốt chứ không chờ Nhà nước bao cấp”.

Nam Hoàng – Thu Trang