08:13 09/08/2012

Nỗi đau da cam - bao giờ hết?

Ngôi nhà của gia đình ông Trần Ngọc Nghê ở xóm 9, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư (Thái Bình)... trong ngôi nhà ấy, cả ba thế hệ ông, con ông và bây giờ là cháu ông đang từng ngày, từng giờ phải đối mặt với nỗi đau do di họa của chất độc da cam/điôxin.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau


Ngôi nhà của gia đình ông Trần Ngọc Nghê ở xóm 9, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư (Thái Bình) thoạt nhìn cũng giống như mọi ngôi nhà ở bất cứ miền quê nào trên đất nước Việt Nam rất đỗi yên bình. Ít ai biết, trong ngôi nhà ấy, cả ba thế hệ ông, con ông và bây giờ là cháu ông đang từng ngày, từng giờ phải đối mặt với nỗi đau do di họa của chất độc da cam/điôxin.


Nạn nhân chất độc da cam Đặng Minh Huê.


Không thể khóc, dường như bao nhiêu nước mắt đã chảy ngược vào trong, ông Trần Ngọc Nghê ngồi trên chiếc võng dù mắc bên cửa sổ, ôm chặt đứa cháu nội, kể cho chúng tôi câu chuyện cuộc đời bằng chất giọng trầm khàn, mờ đục.


Giống như những thanh niên khác, năm 1963 anh trai làng Trần Ngọc Nghê vào bộ đội cầm súng chiến đấu tại mặt trận Quảng Đà thuộc đơn vị D27- E927. Chẵn 19 năm phục vụ trong quân đội, tháng 12/1982 ông Trần Ngọc Nghê xuất ngũ trở về lại quê nhà. "Ngần ấy năm ở chiến trường ngày nào cũng phải hứng chịu hàng tấn bom mà tôi không hề bị thương, không phải hứng chịu một trận sốt rét nào... những tưởng đời mình như thế là may mắn lắm.


Về quê, làng xóm đến sờ nắn, xuýt xoa chia mừng. Còn hạnh phúc nào hơn thế! Vậy mà, không ngờ...". Điều ông Nghê và rất nhiều người lính trở về từ chiến trường như ông không ngờ tới lại ập đến, tuy không nhìn thấy ngay nhưng âm ỉ, dai dẳng trở thành một nỗi ám ảnh thì còn kinh khủng hơn nhiều.


Ông lấy vợ, một năm sau thì sinh con. Con gái, nhưng vừa rời khỏi bàn sinh, chỉ mới nhìn thấy đứa con, vợ ông Nghê đã òa lên khóc. Đứa trẻ tay ngắn, co rụt, cái đầu dài ngoẵng, hai chân bé tí. "Chắc có khiếm khuyết gì đó thôi!"- ông Nghê nghĩ thế và đặt tên cho con là Trần Ngọc Hoa rồi dẫn vợ, bồng con trở về nhà.


Trớ trêu thay, đầu bé Hoa ngày càng to ra một cách không bình thường gấp năm bảy lần trọng lượng cơ thể trong khi tay chân và cả thân hình vẫn bé tí như ngày mới sinh. Vợ ông buồn rầu nhìn đứa con không ọ oẹ khóc cười như những đứa trẻ khác mà suốt ngày chỉ nằm thoi thóp. Bao nhiêu thuốc thang không chữa được, nửa năm sau thì bé Hoa qua đời.


Gạt qua nỗi đau, ngày ngày ông vẫn cùng vợ ra đồng cày sâu cuốc bẫm lo toan từng miếng cơm manh áo. Cứ tưởng sau lần đó họ sẽ không thể có con được nữa, nhưng ba năm sau ngày bé Hoa mất người dân xóm 9 lại thấy nụ cười nở trên gương mặt họ, vợ ông lại có mang. Lần này ông Nghê nhất quyết không cho vợ ra đồng, chỉ ở nhà lo cơm nước và làm những việc vặt trong nhà để dưỡng thai.


Ngày đứa con thứ hai chào đời (con trai), vợ chồng ông vui mừng không sao tả xiết. Thằng bé không giống như chị, chỉ hơi xanh xao một chút. Ông đặt tên con là Trần Cao Nguyên để nhớ về thời gian cùng đồng đội chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên ác liệt.


Đứa con ra đời lành lặn, ông Nghê lao vào làm việc để có tiền chăm lo cho con, những mong đứa con sẽ lớn lên khoẻ mạnh và có một tương lai tươi sáng. Bà Lan, hàng xóm liền kề với gia đình ông Trần Ngọc Nghê cho biết: "Ông ấy tuy không nói ra nhưng hàng ngày qua lại bên nhà ông Nghê tôi biết, đây cũng chính là lúc chất độc da cam ngấm trong người ông ấy phát tác, bắt đầu trỗi dậy hành hạ ông. Những hôm trời nóng ông Nghê cởi trần, nhìn bụng và tay chân ông ấy thấy dộp lên từng lớp giống như vảy tê tê, có chỗ da mọng nước gây phù nề. Một thời gian những mảng da phù nề ấy vỡ ra, rỉ máu, tím bầm như máu đỉa...".


Nghe bà hàng xóm kể chuyện, ông Nghê không nói gì, chỉ gật đầu xác nhận. Sau này ông Nghê mới cho chúng tôi biết thêm cảm giác lúc đó toàn thân đau âm ỉ, khó thở, mặt tím tái; hơi nóng từ trong người bốc ra đường hô hấp, miệng có mùi hôi thối khó chịu. Tuy phải chịu những cơn đau hành hạ nhưng ông Nghê vẫn cắn răng chịu đựng, làm lụng quần quật suốt ngày đêm những mong con mình được hưởng một cuộc sống no đủ, được học hành đến nơi đến chốn như những đứa trẻ khác.


Nạn nhân chất độc da cam Đặng Minh Ngọc.


Nhưng, sự đời lại không được như mong muốn, "niềm vui ngắn chẳng tày gang". Năm lên 10 tuổi, cậu bé Cao Nguyên bắt đầu có những biểu hiện khác người bình thường: Sợ ánh sáng, vẻ mặt đần dại, hay la hét, thỉnh thoảng lại ngồi hát giữa đêm một mình.


Năm Trần Cao Nguyên tròn 22 tuổi, tuy có vẻ "không bình thường" nhưng vẫn lành lặn, khỏe mạnh nên vợ chồng ông Nghê quyết định cưới vợ cho con. "Từ ngày có vợ, tính tình thằng Nguyên "thuần" trở lại, vợ chồng tôi thấy mừng. Rồi vợ nó có mang, nhìn chúng nó ríu rít bên nhau mà ứa nước mắt..."- ông Nghê tâm sự.


Mặc dù vậy trong lòng ông vẫn trỗi lên một linh cảm gì đấy như là nỗi bất an. Không ngờ, linh cảm của một người lính như ông Nghê lại đúng! Hôm con dâu ông đến nhà hộ sinh, vợ chồng ông thấp thỏm đợi bên ngoài. Vừa nghe thấy thét lên một tiếng, chân tay ông như muốn khuỵu ngay xuống nhưng vẫn cố chạy vào. "Thằng bé giống hệt như bác nó, chỉ khác là sống được ba ngày thì mất...".


Rồi vợ Nguyên lại có mang, cũng ba năm sau (?), một bé trai lại ra đời. Chỉ vào đứa cháu đang bế trên tay, ông Nghê cho biết. Đầu bé thỉnh thoảng giật giật như lên cơn động kinh, suốt ngày khóc sụt sùi tưởng chừng như không bao giờ dứt. Nhìn đứa con như vậy, bệnh tình của Nguyên tái phát trở lại. Chúng tôi hỏi anh Nguyên (bố bé Linh), ông Nghê trầm ngâm: "Ba tháng sau ngày vợ sinh, nó không nói nửa lời, sau đó bỏ nhà đi biệt tăm. Vì không có điều kiện, con cháu lại ốm đau quặt quẹo thế này nên chẳng thể đi tìm. Không biết là nó còn sống hay đã chết?"...


Làm việc với chúng tôi, lãnh đạo xã Minh Quang cho biết trong kháng chiến chống Mỹ, toàn xã có 692 người tham gia quân ngũ nhưng 585 người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường miền Nam, Tây Nguyên, chỉ có hơn 100 người lính trở về. Trong số đó có đến 1/3 người lính, con và cháu các ông đang hàng ngày phải gánh chịu nỗi đau do chất độc da cam/điôxin.


Bao giờ hết nỗi đau da cam?


Cho đến tận bây giờ, dù đất nước đã hòa bình gần 40 năm, nhưng mỗi khi nhìn hai đứa con gái của mình trong hình hài nửa người, nửa... vượn, lòng anh Đặng Văn Minh (xóm 4, xã Phương Công, huyện Tiền Hải, Thái Bình) vẫn đau thắt.


Vừa tiếp chúng tôi, vừa phải canh chừng hai đứa con gái đã ngoài hai mươi tuổi đang chơi... nặn đất ngoài vườn, anh Minh cho biết thời gian quân ngũ đơn vị anh đóng ở Quảng Trị, A Lưới và đường 9 hơn 7 năm. Trong suốt hơn 7 năm trời ấy phải chứng kiến, thậm chí tự tay chôn cất bao đồng đội của mình, riêng anh không hề bị sứt một mẩu da nào bởi bom đạn. Thế nhưng ký ức về cái đêm 25/5/1970 trong anh mãi không bao giờ phai nhạt. "Tổ chúng tôi có 3 người do tôi làm tổ trưởng được giao nhiệm vụ chốt trên đồi Chư Pông.


Lúc ấy vào khoảng quá nửa đêm, máy bay địch ầm ì lượn đi lượn lại trên đầu mấy lần rồi im bặt. Ai cũng ngạc nhiên vì chúng chỉ bay lượn thế chứ không thả bom đạn gì cả! Nhưng chỉ ít phút sau cả ba thấy ngột ngạt, khó chịu, ứa nước mắt, cổ cay xè rồi ngất lịm. Hôm sau trung đội trưởng của chúng tôi lên chốt thấy cả ba nằm bất tỉnh lập tức gọi người lên cáng đi cấp cứu. Tỉnh dậy, anh em đồng đội đến thăm bảo: "Đêm qua máy bay Mỹ thả chất độc hóa học, các cậu xuýt chết, may mà trung đội trưởng phát hiện ra!".


Hòa bình, rời quân ngũ, anh Minh về quê làm ruộng, lấy vợ rồi sinh con. Thật không may, hai đứa con gái lần lượt ra đời đều mang một hình hài gớm ghiếc. Đặng Minh Ngọc năm nay đã 23 tuổi, cô em Đặng Minh Huê 21 tuổi, cái tuổi thanh xuân, và dù vẻ mặt như... bà già 70 nhưng trí não chưa được bằng một đứa trẻ lên ba. Cả Ngọc và Huê mắt đều bị lồi hẳn ra ngoài, da có vảy, đầu quá to và không có tóc, hai chân lại bé tí, ngắn ngủn, lưỡi lúc nào cũng thè cả ra ngoài.


Anh Minh thở dài: "Nuôi con mấy chục năm trời nhưng chưa bao giờ vợ chồng tôi được nghe con gọi "bố, mẹ ơi!" như những gia đình khác. Ngoài 20 mà chẳng biết làm gì cả, từ ăn uống đến vệ sinh đều một tay vợ chồng tôi lo..."...


Ở phường Phúc Khánh (TP Thái Bình) không một ai là không biết đến hoàn cảnh gia đình anh Mai Văn Hoạt. Anh Hoạt nguyên là Trung tá đơn vị 174- F316 chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên.


Cả ba lần đưa vợ đến nhà hộ sinh là cả ba lần anh nuốt vào lòng tiếng khóc khan uất nghẹn. Cái khát vọng được làm cha những đứa con lành lặn tưởng chừng như đơn giản nhưng sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực, do anh đã bị nhiễm chất độc da cam/điôxin.


Năm 1975 vợ anh có mang đứa con đầu tiên. Chín tháng mười ngày thấp thỏm đợi chờ trong niềm hạnh phúc sắp được làm cha, làm mẹ nhưng khi đứa trẻ chào đời vợ anh chỉ kịp thét lên một tiếng hãi hùng sau khi nhìn mặt con rồi ngất lịm. Đứa trẻ tròn như một cục thịt, khắp thân mình toàn lông lá, chỉ có đôi mắt là còn giống mắt người. Vậy nhưng nó cũng chẳng sống với anh chị được lâu, chỉ hơn một giờ sau khi chào đời là tắt thở.


Đứa con thứ hai chào đời năm 1977 cũng không khác gì số phận của chị nó: Thân hình dị dạng, mồm méo xệch, da xanh xám, môi trễ dài... Anh Hoạt đặt tên con là Mai Thị Duyên. Hàng xóm nhà anh Hoạt cho biết, càng lớn Duyên càng biến dị, tâm trí lơ mơ, liên tục bị những cơn đau hành hạ. Những lúc nhìn con vật vã, la hét, sùi cả bọt mép... anh Hoạt ôm con nuốt nước mắt vào trong.


Biết mình có thể đã bị nhiễm chất độc da cam nhưng khát vọng về những đứa - con- thực- sự- là- người vẫn còn len lỏi trong lòng nên mấy năm sau vợ anh lại sinh đứa thứ ba. Lần này không phải vợ anh mà chính là anh ôm đầu lảo đảo bước ra hành lang nhà hộ sinh, bất động sau khi nhìn thấy mặt con. Đứa trẻ là gái, bé chỉ bằng... cổ tay, da nhăn nhúm. Anh Hoạt trầm ngâm: "Vợ chồng tôi đặt tên cháu là Mai Thị Diệu. Nhưng Diệu cũng chỉ ở với bố mẹ được hơn chục năm, cháu mất hồi tháng 10/1995...".


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh Thái Bình cho biết: "Qua kê khai điều tra hai đợt, toàn tỉnh Thái Bình có 27.943 người nghi bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin và giám định đợt đầu cho hưởng trợ cấp theo Quyết định 26 của Chính phủ, năm 2000 được gần 7.400 người. Hiện nay, việc sửa đổi bổ sung các chính sách với những người đi kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/điôxin và con cháu họ còn phải tiếp tục hoàn thiện để xứng đáng với công lao hy sinh cống hiến của họ đối với đất nước...".



Bài và ảnh:Khánh Linh