08:22 12/08/2012

Nỗi buồn sử học

Điểm thi môn lịch sử trong kỳ thi Đại học - Cao đẳng vừa qua vẫn vô cùng thấp. Số lượng điểm 0 môn lịch sử vẫn tràn lan và dẫn đầu trong các môn thi khối C tại các trường ngành xã hội vừa công bố.

Điểm thi môn lịch sử trong kỳ thi Đại học - Cao đẳng vừa qua vẫn vô cùng thấp. Số lượng điểm 0 môn lịch sử vẫn tràn lan và dẫn đầu trong các môn thi khối C tại các trường ngành xã hội vừa công bố. Số lượng bài thi sử có điểm dưới trung bình chiếm từ 80 - 90%, cá biệt có trường điểm sử cao nhất chỉ là 5,25 điểm.

 

Những thông tin này khiến cho người đọc thấy nao lòng, còn đối với những người quan tâm đến ngành sử học, nền giáo dục nước nhà thì lại càng tràn trề thất vọng và lo lắng. Trong khi chúng ta kêu gọi đẩy mạnh giáo dục truyền thống, lịch sử dân tộc, nêu cao chủ nghĩa yêu nước thì kết quả vẫn là có khá nhiều học sinh thờ ơ với lịch sử. Song điều khiến dư luận băn khoăn là, tại sao có những thí sinh yếu kém về lịch sử như vậy mà vẫn vượt qua các kì thi tốt nghiệp để đăng kí dự thi đại học khối C? Phải chăng “bệnh thành tích” vẫn hoành hành, dẫn đến một nỗi buồn giáo dục và càng buồn hơn với ngành sử học?

 

Nhìn rộng ra, nguyên nhân của tình trạng trên một phần còn do ngành khoa học xã hội nhân văn chưa được xã hội coi trọng. Hằng năm, sau dịp hè, cử nhân ngành này ra trường với nhiều tấm bằng ưu mà thất nghiệp vẫn dài dài. Tính thực dụng của nghề nghiệp đã đẩy các môn nhân văn, trong đó có sử học, xuống thành môn thứ yếu, khiến ít học sinh quan tâm đầu tư theo học như các ngành kinh tế mới nổi khác.

 

Mặt khác, điểm sử thấp một phần còn do có nhiều trường hợp đăng kí thi khối C như một lựa chọn “chống cháy” nếu không may trượt khối A, vì ở Việt Nam chữ “danh” vẫn nặng lắm! Cứ nhất nhất phải tiến thân bằng đại học! Nên nhiều em chọn khối C hoàn toàn không do năng lực hay sở thích. Ngược lại, có em học tốt môn sử nhưng lại không chọn khối C, vì khó xin việc. Điều này cho thấy công tác hướng nghiệp của ta còn yếu. Và bên cạnh đó rõ ràng là có sự liên quan đến chất lượng dạy và học sử ở các cấp hiện nay. Dễ thấy môn học này thực sự chưa sống động, đơn điệu, khô cứng, ít trực quan sinh động, nặng lý thuyết, kém thực tiễn.

 

Hằng năm, trong các diễn đàn giáo dục, tại nhiều hội nghị, hội thảo, chúng ta vẫn thấy nhắc tới cụm từ “thay đổi tư duy” “thay đổi nhận thức” về dạy và học môn lịch sử. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “tiếng lòng” của một số nhà sử học, nhà giáo dục tâm huyết. Các kiến nghị cứ nêu, nhà quản lý đã nghe và hiểu, nhưng giải pháp còn rất chậm. Có lẽ với thực trạng lối sống đang thay đổi như hiện nay, cần phải đặt vai trò của sử học trong hệ thống giá trị định vị về đạo đức nhân văn cho con người. Và như vậy, không nên coi đó là một “môn phụ”, vì đã là phụ thì e rằng chuyện dốt sử, điểm 0 lịch sử sẽ còn là một nỗi buồn kéo dài của việc giáo dục lịch sử hiện nay.

 Ngô Đồng