11:08 17/11/2012

Nơi bắt đầu của dòng sông

Cuộc sống đôi khi cũng thật oái oăm, hoặc như một nghịch lí. Tháng 11, tháng kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam thì chúng tôi, những giáo viên trẻ lại tiễn thầy giáo của mình nghỉ hưu. Trong cảm xúc ngấn lệ, thầy kể về những năm tháng không thể nào quên của mình bằng những lời nghẹn ngào.

Cuộc sống đôi khi cũng thật oái oăm, hoặc như một nghịch lí. Tháng 11, tháng kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam thì chúng tôi, những giáo viên trẻ lại tiễn thầy giáo của mình nghỉ hưu. Trong cảm xúc ngấn lệ, thầy kể về những năm tháng không thể nào quên của mình bằng những lời nghẹn ngào.


Trong giây phút trùng xuống của cảm xúc ấy, chúng tôi, lũ học trò năm nào của thầy lại thêm một bài học - bài học vỡ lòng về tư cách một người thầy giáo. Khi lên lớp, tôi luôn xác định mình đang đứng trên bục giảng, bục giảng khiến người thầy “cao” hơn học sinh và như vậy, tất cả những ứng xử của người thầy được quy chiếu từ điểm nhìn đó, thầy nói.


Giờ học tại trường Dân tộc bán trú Pải Lủng, Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: Vũ Hội.


Trong những lời tâm sự của một người sắp chia tay mái trường sau 40 năm gắn bó, quá khứ mở ra cả trang buồn lẫn trang vui, cả nước mắt bình yên và tiếng cười đau đớn. Tôi hiểu, tình yêu nghề nghiệp và nhân cách cao thượng luôn là thành lũy kiên cố để bảo vệ con người trước những tác động của cuộc sống vật chất chứ không phải, không bao giờ là danh tiếng. Tôi hiểu, nếu nhân cách con người là sống lưng thì thế giới này có hai loại người, loại người đứng thẳng và loại người không bao giờ tự đứng vững. Tôi hiểu, thiếu lòng tự trọng thì mọi chiến thắng đều trở nên vô nghĩa… Cảm ơn thầy rất nhiều. Bởi bài học cuối cùng luôn là bài học thấm thía nhất.


Tôi chợt nhớ câu nói của một triết gia Hy Lạp cổ đại, Hêraclit - “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. “Dòng sông” của thầy đã trôi đi và không bao giờ trở lại, kí ức về nó, cả những vui buồn “nghề thầy giáo” chỉ còn thấy trong hoài niệm. Dòng sông lịch sử đã đi trọn những dư vang một thời của nó để rồi lặng lẽ về với đời thường, nó là cội nguồn cho những dòng sông trẻ - dòng sông của thế hệ chúng tôi và tương lai sau này tiến những bước dài ra biển lớn.


“Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”, tôi xin được “dịch mã” câu nói của Raxun Gamzatop, rằng Nếu anh trân trọng quá khứ thì tương lai sẽ mở cửa đón anh. Chúng tôi trân trọng quá khứ nhưng cũng biết rằng, trì hoãn đồng nghĩa với thất bại bởi không ai lấy được thời gian đã mất. Nghiêng mình ghi nhớ công ơn của một thế hệ cầm đuốc, giữ đuốc nhưng chúng tôi không đứng đợi ngày mai. Bởi thế nơi ngưng nghỉ của một dòng sông lại là nơi bắt đầu một dòng sông khác. Sự nghiệp là một cuộc hành trình dài vô tận và vĩ đại. Thầy ạ! Chúng em sẽ đi và không bao giờ dừng lại. Để rồi khi hết thiên chức của mình, lại thanh thản đứng nhìn những dòng sông khác chảy trôi và vô tận. Câu hỏi của thế hệ thầy, chúng tôi đã trả lời và rồi, thời đại chúng tôi những câu hỏi sẽ viết lên tương lai của thế hệ sau này.


Thời gian! Cảm thức lớn nhất của con người là thời gian. Cuộc vui nào rồi chẳng tàn. Sống, đôi khi ở một góc nhìn nào đó chỉ là ở trọ. Bên này mùa hạ, bên kia mùa thu, hôm nay học trò, mai đã sinh viên. Vừa ngày nào còn nghe thầy giảng, hôm nay đã chia tay thầy với tư cách đồng nghiệp. Buồn nhiều hơn vui. Cuộc đời như một khúc đồng dao - khúc đồng dao cho người lớn - có câu trả lời biến thành câu hỏi có niềm vui nho nhỏ và nỗi buồn mênh mông (1).


Ai đó đã ví von, Tình yêu như năm chiếc lá/Mà làm cả một cơn giông(2). Tôi ví, đời người cũng như những chiếc lá. Chúng tôi là những lá xanh. Chúng tôi phải viết lên một mùa xuân mới.


Tạm biệt một thế hệ lịch sử. Thế hệ đã mở đường. Chúng tôi xác định vị trí của mình trên con đường ấy và bước tiếp với niềm tin và lòng tự trọng. Chúng tôi đi, cả bước trồi bước sụt. Tiến về tương lai, hòa cùng biển lớn!



Vũ Đình Phùng

1) Ý thơ Nguyễn Trọng Tạo


2) Dạ Thảo Phương. Bài hát về năm chiếc lá
.