09:11 19/09/2011

Nô nức trẩy hội Lam Kinh, kỷ niệm 593 năm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Vào ngày 21, 22 tháng 8 Âm lịch hàng năm, hàng vạn lượt du khách lại về với lễ hội Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) để dâng hương, tưởng niệm, bảy tỏ lòng tôn kính, biết ơn với các vị anh hùng dân tộc tiền bối. Hôm nay, ngày 19/9 (tức ngày 22/8 âm lịch), Lam Kinh vào chính hội.

Cứ vào ngày 21-22 tháng 8 Âm lịch hàng năm, hàng vạn lượt du khách lại về với lễ hội Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) để dâng hương, tưởng niệm, bảy tỏ lòng tôn kính, biết ơn với các vị anh hùng dân tộc tiền bối. Hôm nay, ngày 19/9 (tức ngày 22/8 Âm lịch), Lam Kinh vào chính hội, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 593 năm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, 578 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và 583 năm ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang.


Quang cảnh lễ hội Lam Kinh. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN


Tại buổi lễ mít tinh, kỷ niệm, nghi thức dâng hương, tế lễ được đồng loạt thực hiện tại các đền thờ Lê Thái Tổ (xã Xuân Lam, Thọ Xuân), khu lăng mộ Lê Thái Tổ, các tòa miếu di tích lịch sử Lam Kinh, đề thờ Trung Túc Vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, Ngọc Lặc), thái miếu Nhà Lê, tượng đài Lê Lợi (TP.Thanh Hóa). Tiếp đó là lễ rước kiệu vua Lê Thái Tổ và Trung Túc Vương Lê Lai từ đền thờ Lê Thái Tổ về sân điện Lam Kinh. Ngoài phần lễ, phần hội cũng được tổ chức sôi nổi với các hoạt động hát múa dân gian truyền thống khắc ghi lại những công lao của Hoàng đế Lê Lợi và các vị anh hùng dân tộc. Bên cạnh đó, phần hội còn có các trò chơi, trò diễn dân gian với sự tham gia của các đơn vị, địa phương trong tỉnh; tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân tham gia lễ hội...

Trước đó, nhiều tổ chức, cá nhân và con cháu họ Lê ở khắp mọi miền đất nước đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng về lễ hội Lam Kinh. UBND tỉnh Lai Châu đã tặng tỉnh Thanh Hóa phiên bản bia Lê Lợi ở huyện Sìn Hồ. Đây là bút tích của Thái Tổ cao Hoàng đế Lê Lợi sau khi dẹp xong âm mưu phản loạn, nhằm răn đe ngoại bang không được xâm lấn bờ cõi nước Nam và những kẻ làm loạn nơi phên dậu của Tổ quốc, vừa khẳng định chủ quyền và thống nhất quốc gia Đại Việt tại vùng biên viễn. Hội đồng họ Lê Việt Nam phối hợp với Hội đồng họ Lê Thanh Hóa tổ chức dâng hương, bái yết các vị vua tại Lam Kinh, khu lăng mộ Lê Hoàn, vua Lê Dụ Tông, Trung Túc Vương Lê Lai, Thái miếu Nhà Lê... Chi nhánh Viettell (Tập đoàn Viễn thông quân đội) tại Thanh Hóa tặng Khu di tích lịch sử Lam Kinh 20 ghế đá đặt trong khuôn viên di tích...

Năm 1418, Lê Lợi cùng những anh hùng hào kiệt khắp bốn phương dựng cờ, mở cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Sau 10 năm trường kỳ kháng chiến, khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi vẻ vang, đất nước sạch bóng quân thù. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Thăng Long-Hà Nội, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ thịnh trị cho đất nước kéo dài gần 360 năm. Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu -1433, Đức Thái Tổ cao Hoàng đế Lê Lợi băng hà.

Để bày tỏ lòng tôn kính biết ơn với tổ tiên, Nhà Lê đã cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm có quy mô lớn trên đất Lam Kinh để thờ cúng tổ tiên và cũng là nơi cử hành những nghi lễ mỗi khi vua lễ bái yết sơn lăng. Lam Kinh được coi là "kinh đô thứ hai" của Đại Việt sau Thăng Long, Đông Đô. Đây là khu di tích mang nhiều ý nghĩa giá trị văn hóa thiêng liêng của cả dân tộc. Di tích lịch sử Lam Kinh đã được Nhà nước đầu tư trùng tu, tôn tạo. Hiện tại, nhiều hạng mục trong Khu di tích Lam Kinh đã và đang được trùng tu, tôn tạo. Tiêu biểu như: đã hoàn thành 5/9 tòa Thái Miếu; các khu lăng mộ; Cầu Bạch bắc qua sông Ngọc; giếng cổ... Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc nghiên cứu khai quật khảo cổ, làm rõ được hình hài của những di tích bị vùi lấp, thu thập bảo vệ những hiện vật có giá trị để từng bước khôi phục lại diện mạo Lam Kinh xưa.

Theo ước tính của Ban tổ chức, diễn ra trong 3 ngày 18-20/9, lễ hội Lam Kinh năm nay thu hút khoảng trên 2 vạn lượt người đến thăm quan, dâng hương tưởng niệm. Lễ hội Lam Kinh là dịp để thế hệ hôm nay ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, khắc ghi công lao to lớn của các vị anh hùng dân tộc, đặc biệt là Đức Thái Tổ cao Hoàng đế Lê Lợi. Đây cũng là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Nguyễn Mai Hương