04:06 09/04/2015

Nỗ lực giảm tỷ lệ bỏ học

Trong nhiều năm liền, tỷ lệ học sinh bỏ học ở đồng bằng sông Cửu Long luôn ở mức cao. Để giảm tình trạng này, trong những năm qua, ngành giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long đã có những giải pháp đồng bộ.

Trong nhiều năm liền, tỷ lệ học sinh bỏ học ở đồng bằng sông Cửu Long luôn ở mức cao. Để giảm tình trạng này, trong những năm qua, ngành giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long đã có những giải pháp đồng bộ.

Thay đổi nhận thức

Mặc dù quy mô chất lượng GD&ĐT đã được nâng lên nhưng tỷ lệ học sinh bỏ học của vùng ĐBSCL vẫn còn cao so với cả nước. Trong năm học 2013 -2014 toàn vùng có 1,21% học sinh bỏ học. Nguyên nhân của tình trạng này là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; năng lực tiếp thu của học sinh quá kém, không theo kịp; trường lớp quá xa nhà, thiếu phương tiện giao thông; một số phụ huynh không coi trọng việc học hành của con cái...

Theo ông Lý Thanh Tú, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, hiện nay tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp trong tỉnh An Giang có giảm nhưng vẫn còn khá cao. Hiện tỷ lệ bỏ học ở tiểu học chỉ 1%/năm nhưng vẫn còn cao so với các tỉnh phía Bắc. Riêng ở bậc học trung học cơ sở, có biểu hiện tăng nhẹ trở lại , trong năm qua tỷ lệ bỏ học đã lên tới 3,45%, gây trở ngại trong việc thực hiện mục tiêu phổ cập bền vững. Nguyên nhân chính là đời sống gia đình của một bộ phận học sinh còn khó khăn, nhiều em trong độ tuổi đi học phải tham gia lao động sớm và học kém nên chán học, nhất là bậc THCS và THPT.


Chương trình dạy song ngữ Việt - Khmer đã góp phần giảm tình trạng học sinh người dân tộc Khmer nghỉ học.


Chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết: hiện nay mặt bằng dân trí của tỉnh còn thấp, nhất là dân cư ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… dẫn đến việc huy động học sinh đến trường và ngăn chặn tình trạng bỏ học còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các địa bàn; chất lượng giáo dục ở vùng sâu vùng xa vẫn còn hạn chế dẫn đến tỷ lệ học sinh học yếu kém và bỏ học còn cao.

Mặc dù vậy, có thể thấy sau nhiều năm vận động tuyên truyền, hiện nhận thức của phụ huynh về công tác giáo dục đã được nâng lên, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường ngày càng chặt chẽ, nhiều gia đình quan tâm, đầu tư cho việc học của con em mình. Cô Kim Sen, chuyên viên tiểu học Phòng GD&ĐT huyện Tri Tôn (An Giang), chia sẻ: “Thế hệ cha mẹ tôi nghĩ rằng nữ không nên đi học nhiều, chỉ cần biết chữ là được rồi. Bởi học nhiều cũng chỉ ra đồng làm ruộng, nuôi tôm mà thôi. Bên cạnh đó, trường lớp ít, đi lại khó khăn nên phụ huynh cũng ngại không muốn đưa đón con em mình đi học. Tôi được đi học là nhờ trường học gần nhà, còn những bạn đồng trang lứa ở xa hầu như đều nghỉ học ở nhà. Tuy nhiên, những năm gần đây người dân đã dần nhận thức hơn về tầm quan trọng của việc học, nhiều gia đình sẵn sàng bán ruộng đất đầu tư cho việc học của con cái”.

Triển khai nhiều giải pháp

Để ngăn chặn học sinh bỏ học, ngành giáo dục các tỉnh ĐBSCL đã có những giải pháp kịp thời, như đẩy mạnh tuyên truyền để toàn xã hội quan tâm đến giáo dục; thực hiện xã hội hóa giáo dục nhằm tìm thêm nguồn đầu tư cho giáo dục và tìm kiếm nguồn học bổng cho học sinh nghèo; tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém; nâng cao ý thức và trình độ sư phạm cho đội ngũ giáo viên… Bên cạnh đó, các công tác khuyến học, khuyến tài tiếp tục được đẩy mạnh. Hoạt động tiếp bước đến trường đã góp phần đáng kể vào việc huy động học sinh ra lớp, tạo được nhiều niềm tin đối với nhiều gia đình nghèo hiếu học đồng thời hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

Tại huyện Tri Tôn (An Giang), ngành giáo dục huyện đã phối hợp với hội cựu giáo chức thực hiện một số biện pháp trọng tâm như: vận động học sinh bỏ học trở lại trường, dạy kèm học sinh yếu kém, gương mẫu xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học; phát động phong trào 3 đủ "đủ ăn, đủ sách vở, đủ quần áo" cho học sinh khó khăn… "Trường tiểu học Lương An Trà trước đây có tỷ lệ học sinh hộ nghèo cao nhưng trong những năm gần đây hầu như không có học sinh nào nghỉ học thường xuyên hay bỏ học giữa chừng. Các thầy cô giáo đã ngăn ngừa tình trạng học sinh bỏ học bằng cách vận động, thành lập các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình phụ huynh, đồng thời liên hệ với các Mạnh Thường Quân hỗ trợ", thầy Trần Văn Dồi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Trà An, chia sẻ.

Trong khi đó, ông Cao Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã xây dựng mô hình mỗi giáo viên nhận đỡ đầu cho một học sinh khó khăn. Theo đó, giáo viên đỡ đầu sẽ đưa các học sinh này về sống cùng trong gia đình, hỗ trợ các em từ dụng cụ học tập đến quần áo, chi phí sinh hoạt… nhằm giúp những học sinh này hoàn thành tốt việc học. Bên cạnh đó, học sinh còn được hỗ trợ tiền đò khi đến trường.

"Chúng ta đã có những giải pháp tích cực ngăn chặn tình trạng bỏ học của học sinh. Tuy nhiên, về lâu dài thì phải tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân. Bởi có việc làm ổn định, đời sống kinh tế phát triển hơn thì người dân sẽ chú ý đến việc của con em mình hơn", ông Lý Thanh Tú cho biết. Còn ông Võ Trọng Hữu, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng bên cạnh những giải pháp trên thì giải pháp căn cơ nhất vẫn là phải tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của học tập. Bởi hiện nay, với sự biến đổi của khí hậu, ĐBSCL không còn được thuận lợi về thiên nhiên như trước nữa, chỉ có con đường học thì mới có thể nuôi sống được bản thân.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống tình trạng học sinh bỏ học, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải thực hiện hệ thống giải pháp có tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với thực tiễn của địa phương; đồng thời cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị với vai trò nòng cốt là các trường học để học sinh có thể đến trường liên tục.

Bài và ảnh: đan Phương