08:02 11/08/2012

Nỗ lực giảm thiệt hại cho ngành chăn nuôi

Giá đầu ra giảm mạnh đang là nguyên nhân chính khiến sắc màu bức tranh ngành chăn nuôi Việt Nam trở nên u ám. Trong bối cảnh đó, những người trong cuộc, từ nhà quản lý, doanh nghiệp đến chính mỗi người chăn nuôi phải tìm mọi cách nhằm giảm thiệt hại về kinh tế.

Giá đầu ra giảm mạnh đang là nguyên nhân chính khiến sắc màu bức tranh ngành chăn nuôi Việt Nam trở nên u ám. Trong bối cảnh đó, những người trong cuộc, từ nhà quản lý, doanh nghiệp đến chính mỗi người chăn nuôi phải tìm mọi cách nhằm giảm thiệt hại về kinh tế.

 

Khó khăn chồng chất


Chưa bao giờ các chủ hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước... lại bi quan với tương lai kinh tế trang trại như thời gian này. Hiện giá thịt lợn đang ở mức giảm sâu nhất từ trước đến nay, chỉ từ 34.000 - 38.000 đồng/kg lợn hơi, giảm hơn 30% so với thời điểm đầu năm 2012 và thấp hơn giá thành từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Tình trạng trên cũng không khá hơn là mấy so với các loại gia cầm như gà, cút...

 

Trang trại nuôi lợn của anh Trần Văn Vạn ở ấp Lai Khê, Lai Hưng (Bến Cát, Bình Dương) phải giảm quy mô do đầu ra khó khăn.

 

Cụ thể, giá gà tam hoàng thu mua tại trại chỉ khoảng 24.000 - 28.000 đồng/kg, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ từ 30 - 35%. Riêng cút nuôi lấy trứng vốn được xem là vật nuôi đem lại sự ổn định nhất về đầu ra cũng đang cuốn vào vòng xoáy rớt giá khi giá trứng tiếp tục giảm thêm 50 đồng/quả, đẩy người chăn nuôi đã khó càng khó hơn.


Đầu ra suy giảm, người chăn nuôi, đại lý cạn nguồn vốn tái đàn lại vừa đầu tư vừa như “ngồi trên lửa” bởi ngân hàng từ chối cho vay. Theo “tỷ phú chim cút”, ông Trần Nguyễn Hồ ở xã Long An (Châu Thành, Tiền Giang), khó khăn lớn nhất của người chăn nuôi là không biết “đào” đâu ra tiền mua thức ăn để duy trì đàn, chứ chưa nói đến việc tái đàn.

 

Ông Allen Chang - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn ANT: Hiện nay, dù giá nguyên liệu đầu vào tăng ngất ngưỡng, chúng tôi vẫn phải chia sẻ với người chăn nuôi bằng việc tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ như: bán hàng trả chậm, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ con giống, tặng các trang thiết bị dụng cụ chăn nuôi cũng như phổ biến những kiến thức chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Trong chiến lược phát triển của mình, chúng tôi luôn duy trì vai trò giữ giá ở mức độ hợp lý, thậm chí rẻ hơn các công ty cùng đẳng cấp vì chúng tôi cảm nhận và thông cảm được người chăn nuôi mới là người chịu thiệt thòi nhất, đồng thời phải hứng chịu nhiều rủi ro nhất trong quá trình chăn nuôi, do dịch bệnh, rớt giá, cạnh tranh với hàng nhập khẩu... Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt chuẩn, quan điểm chúng tôi là phải tạo nên giá trị cao nhất với giá thành chăn nuôi thấp nhất. Chăn nuôi khó khăn, không chỉ người chăn nuôi bị thiệt hại mà những đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đang gặp không ít khó khăn do thị trường bị thu hẹp.

“Trung bình trại nuôi chim cút đẻ có quy mô từ 300.000 - 400.000 con phải cần 10 tấn thức ăn, tương đương khoảng 100 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, hầu hết tài sản đã được bà con thế chấp để vay vốn. Với các trang trại, hiện chỉ còn tài sản đáng giá nhất là tổng đàn gia súc, gia cầm, nhưng lại không được ngân hàng chấp nhận thế chấp để vay, do khó quản lý trong việc thu hồi nợ.”, ông Hồ than thở.


Vẫn chưa hết “choáng” vì những khó khăn trên, những ngày này người chăn nuôi lại đang đau đầu với thông tin tăng giá lần đầu tiên trong năm 2012 của thức ăn chăn nuôi. Từ ngày 4/8 - 6/8, nhiều thương hiệu thức ăn chăn nuôi như Anco Feed, Japa của Inđônêxia, Cargill của Mỹ... đã rục rịch tăng giá thêm 400 đồng/kg đối với loại thức ăn đậm đặc và 120 đồng/kg với loại thức ăn hỗn hợp.

 

Theo khẳng định của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, với những thương hiệu còn lại, việc tăng giá chỉ là nhanh hay chậm, tùy thuộc vào lượng nguyên liệu tồn kho mà thôi, khi đã sản xuất hết lượng tồn kho này thì giá sẽ điều chỉnh tăng ngay khi phải nhập lượng nguyên liệu mới vào kho. Nguyên nhân do Mỹ và Ấn Độ, 2 quốc gia cung ứng ngô, đậu nành sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn đang mất mùa đã đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng thêm 300 USD/tấn đối với đậu nành và 80 - 100 USD/tấn đối với ngô. Bên cạnh đó, hiện tất cả các chi phí đầu vào trong sản xuất và chăn nuôi như xăng dầu, điện thắp sáng, thuốc thú y... đều tăng thêm từ 10 - 20% đang dồn gánh nặng sang vai nhà nông và doanh nghiệp.

 

Đã chạm đáy?


Theo Cục Chăn nuôi, tổng sản lượng thịt hơi của các loại gia súc, gia cầm sản xuất trong nước từ đầu năm đến nay đạt khoảng 2,6 triệu tấn (tương đương 1,78 triệu tấn thịt xẻ), trong đó thịt lợn và gia cầm chiếm hơn 90%. Bắt đầu từ tháng 3, do dịch bệnh, giá giảm đã tác động không nhỏ đến sự suy giảm của lượng cung thực phẩm trên phạm vi cả nước. Cụ thể, thịt gia cầm giảm từ 20 - 25%, trứng gia cầm giảm mạnh khoảng 40%, thịt lợn giảm khoảng hơn 18%...


Ông Trần Nguyễn Hồ ở xã Long An (Châu Thành, Tiền Giang): Cùng với sức mua giảm do khó khăn về kinh tế, chính việc gia tăng lượng người nuôi cút lên thêm khoảng 30% so với cùng kỳ (chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang) đã góp phần làm ứ đọng đầu ra. Đến nay, trong hệ thống thu mua của chúng tôi có khoảng 40 - 50 hộ chuyên nuôi chim cút đẻ cung cấp ra thị trường giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Hiện doanh nghiệp tôi đang cố gắng giúp cho người chăn nuôi nhỏ lẻ bằng cách chia sẻ thêm lợi nhuận cho họ từ 10 - 15 đồng/trứng cút, giúp họ không bị thua lỗ, phá sản, trụ được sau “cơn bão” khó khăn này. Tuy nhiên, nhìn về tương lai xa hơn, chúng tôi đang hoàn tất những bước về kỹ thuật, thủ tục thử nghiệm xuất khẩu trứng cút sang thị trường Nhật Bản.

Khảo sát sơ bộ cho thấy, so với cùng thời điểm năm 2011, hiện cả nước chỉ còn hơn 7.000 trang trại chăn nuôi còn hoạt động, gần 10.000 trang trại đã “treo” chuồng hoặc hoạt động cầm chừng. “Tình hình chăn nuôi đang sắp chạm đáy, rất cần sự nhanh tay vực dậy của ngành chức năng. Nếu không được cải thiện, có thể chúng ta sẽ thiếu lượng thịt cho các tháng cuối năm, gây bất ổn cho thị trường”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi lo lắng.


Nguyên nhân chính khiến giá sản phẩm chăn nuôi sụt giảm mạnh là khó khăn về kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu đã làm suy giảm nhu cầu tiêu thụ. Trước đó, khi thị trường sốt giá hàng thực phẩm tươi sống, người dân tự phát đầu tư tăng đàn ồ ạt, cộng với tình trạng nhập khẩu số lượng lớn thịt gia súc, gia cầm đã góp phần gia tăng nguồn cung. Tiếp theo, những thông tin về an toàn vệ sinh thực phẩm của thịt lợn đã góp phần đẩy ngành chăn nuôi xuống dốc không phanh. Theo ông Sơn, thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của ta chưa có mà hầu hết chỉ tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, công tác thông tin, nghiên cứu, dự báo thị trường, quy hoạch của ngành chức năng còn yếu, thiếu tính chuyên nghiệp, chủ quan... đã là những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành.


Chung tay vượt khó


Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đã trình Chính phủ những đề xuất cụ thể nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi. Theo đó, Bộ sẽ triển khai ngay việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi để ổn định đàn gia súc, gia cầm ở một mức độ nhất định, hạn chế sự tăng đàn tự phát hoặc không theo quy hoạch. Nhờ sự hỗ trợ vốn của ngân hàng, về phía doanh nghiệp cũng sẽ tăng lượng thu mua đưa vào chế biến. Bộ cũng đang có biện pháp giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu chế biến nhằm giảm giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới cũng như chú trọng công tác điều tiết thị trường ở tầm vĩ mô, nhất là trong chính sách nhập khẩu thực phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm.


Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Bình Minh (Trảng Bom, Đồng Nai): Vai trò của Hiệp hội Chăn nuôi là rất quan trọng trong việc điều tiết thị trường, cũng như có những gợi mở, can thiệp giúp người chăn nuôi giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên ở Việt Nam, Hội Chăn nuôi vẫn chưa phát huy được vai trò và chỉ chủ yếu dừng lại ở những kiến nghị, giải pháp chung chung... và người chăn nuôi, doanh nghiệp tự bơi là chính. Cũng là ngành chăn nuôi, nhưng do đem ngoại tệ về cho đất nước phải nói thủy sản được quan tâm nhiều khi ngành chức năng đang có nhiều biện pháp cụ thể để giúp đỡ. Ngược lại, chăn nuôi gia súc, gia cầm... phục vụ nhu cầu nội địa lại ít nhận được sự giúp đỡ, mà lắm khi, Nhà nước còn đem ngoại tệ đi nhập ngược thịt về trong khi người chăn nuôi đang cần vốn ổn định sản xuất.

“Cục Chăn nuôi đang soạn thảo văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ có gói hỗ trợ khoảng 9.000 tỷ đồng dành cho khoảng 3.000 trang trại nhằm giúp họ đáo nợ, giãn nợ cho các khoản vay cũ, hỗ trợ lãi suất tiền vay, đầu tư cho chăn nuôi trong khoảng 1 năm cũng như hỗ trợ cho họ vay mới với lãi suất dưới 10% để tái đàn. Ở cấp địa phương, chúng tôi đề nghị các địa phương tùy thuộc vào tình hình thực tế, ngoài những giải pháp chung nhanh chóng có biện pháp ổn định đàn, nhất là bảo vệ đàn giống để phục vụ nhu cầu tái đàn”, ông Sơn nói thêm.


Tại cuộc họp bàn biện pháp giải cứu ngành chăn nuôi diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh, rất nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp trước mắt là phải giảm ngay nguồn cung, hỗ trợ vay tín dụng với lãi suất giảm 6%/năm (kỳ hạn 6 tháng) và có biện pháp khoanh nợ, hỗ trợ vốn giúp người chăn nuôi duy trì hoạt động hoặc bắt tay vào công việc tái đàn. Riêng Cục Chăn nuôi sẽ kiến nghị xem xét giảm một số phí kiểm dịch nhằm giảm chi phí đầu vào, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp kỹ thuật trong nỗ lực nâng cao được năng suất, sản lượng, quản lý chăn nuôi tốt, giảm giá thành sản phẩm...


“Ngay từ bây giờ, doanh nghiệp nên bắt tay cùng nông dân xây dựng chuỗi chăn nuôi bền vững góp phần làm tăng giá trị và ổn định thị trường cũng như dễ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý. Về lâu dài, cần có quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi theo vùng nhằm đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện về môi trường, hạ tầng, tránh tình trạng dịch bệnh kéo dài như hiện nay cũng như cân đối được cung cầu trên thị trường”, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết.

 

Lê Nghĩa