05:11 17/05/2011

Nợ của Chính phủ Mỹ chạm mức trần cho phép

Bộ Tài chính Mỹ đã buộc phải tiến hành các biện pháp cứng rắn để tránh nguy cơ vỡ nợ, kể cả việc tạm ngừng chi trả cho các quỹ hưu trí của công chức liên bang, sau khi nợ của chính phủ nước này đã chạm tới giới hạn cho phép là 14.294 tỷ USD vào ngày 16/5.

Bộ Tài chính Mỹ đã buộc phải tiến hành các biện pháp cứng rắn để tránh nguy cơ vỡ nợ, kể cả việc tạm ngừng chi trả cho các quỹ hưu trí của công chức liên bang, sau khi nợ của chính phủ nước này đã chạm tới giới hạn cho phép là 14.294 tỷ USD vào ngày 16/5.

Trong thư gửi Quốc hội thông báo mức nợ của chính phủ cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã yêu cầu cơ quan lập pháp nhanh chóng nâng mức trần nợ công. Ông một lần nữa nhấn mạnh cần thiết phải nhanh chóng nâng mức giới hạn nợ cho phép "để bảo vệ lòng tin vào nước Mỹ cũng như tránh các hậu quả kinh tế khó lường". Người đứng đầu ngành tài chính Mỹ cho biết với việc tạm ngừng chi trả cho các quỹ hưu trí và vay mượn từ nhiều ngân khoản khác, Bộ Tài chính có thể tiếp tục trả nợ công cho đến ngày 2/8 tới. Sau thời điểm này, chính phủ Mỹ sẽ không thể trả được nợ.

Đáp lại, Chủ tịch Hạ viện John Boehner thuộc đảng Cộng hòa tiếp tục yêu cầu chính quyền của Tổng thống Barack Obama tiến hành cải tổ ngân sách một cách nghiêm túc và nhấn mạnh việc nâng mức trần nợ công phải song hành với việc cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Dân chủ Harry Reid, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, kêu gọi hai chính đảng nên ngừng "trò chơi chính trị" vì hậu quả có thể sẽ một cuộc khủng hoảng và đưa đất nước tới thảm họa. Hai nghị sỹ trên cũng nêu rõ giới hạn về nợ là hạn định cho việc thanh toán những khoản mà nước Mỹ đã nợ chứ không phải là chương trình chi tiêu mới hay một loại thuế mới.

Cuộc tranh cãi về chi tiêu và nợ nần của chính phủ đã kéo dài nhiều tháng nay tại Oasinhtơn và ngày càng trở nên gay gắt. Các nghị sỹ Cộng hòa kiên quyết đòi chính quyền Obama phải cắt giảm chi tiêu thêm nữa trước khi họ đồng ý nâng mức trần nợ công. Trong khi đó, Tổng thống Obama và đảng Dân chủ ủng hộ chủ trương cắt giảm chi tiêu, song cho rằng hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để thực hiện chủ trương này. Nhà Trắng cảnh báo việc Hạ viện không chịu nâng mức trần nợ công sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng năm 2008-2009.

Theo kết quả một cuộc khảo sát do báo Politico và Đại học George Washington tiến hành, có khoảng 56% số cử tri Mỹ cho rằng sẽ là "một tai họa" đối với nền kinh tế Mỹ nếu Quốc hội không bỏ phiếu nâng mức trần nợ công.

Việc điều chỉnh giới hạn nợ của chính phủ phải được cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua trước khi Tổng thống ký ban hành thành luật. Kể từ năm 1962 đến nay, Quốc hội Mỹ đã 75 lần điều chỉnh ngưỡng an toàn đối với nợ công. Tần suất điều chỉnh tăng cao kể từ năm 2002 đến nay.

Mức trần nợ công hay giới hạn nợ của Chính phủ Mỹ được xác định lần đầu tiên vào năm 1917 ở mức 11,5 tỷ USD. Năm 1940, mức này tăng lên 43 tỷ USD. Đến năm 2011, mức nợ công đã tăng gấp khoảng 300 lần, đồng nghĩa với việc trong 1 USD Chính phủ Mỹ chi tiêu có đến 42 cent là tiền đi vay. Vì vậy, khi nợ công của Mỹ chạm đến mức trần 14.294 tỷ USD mà Quốc hội không thể nâng mức này lên, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bị vỡ nợ. Theo giới chuyên gia, việc chính phủ vỡ nợ sẽ châm ngòi cho sự hoảng loạn trong lĩnh vực tài chính và đẩy nền kinh tế Mỹ rơi trở lại suy thoái trong lúc tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao và tình hình thị trường nhà ở còn rất xấu. Tiếp theo sẽ là thị trường chứng khoán lao dốc, cướp đi khoảng 50% tài sản của các hộ gia đình hay cá nhân tại Mỹ hiện đang nắm giữ cổ phiếu.

Kim Yến ( P/v TTXVN tại Mỹ)