08:09 30/08/2011

Nợ công ở hai bờ Đại Tây Dương - Thách thức đối với châu Á

Tình hình tài chính công ở Mỹ và châu Âu thời gian qua đã khiến các nhà đầu tư trên các thị trường hoảng sợ. Vấn đề trần nợ công của Oasinhtơn cho thấy rõ sự chia rẽ trên chính trường Mỹ.

Tình hình tài chính công ở Mỹ và châu Âu thời gian qua đã khiến các nhà đầu tư trên các thị trường hoảng sợ. Vấn đề trần nợ công của Oasinhtơn cho thấy rõ sự chia rẽ trên chính trường Mỹ. Các cuộc bạo động, đầu tiên ở Hy Lạp và sau đó ở Anh, là hồi chuông cảnh báo các chính phủ châu Âu cần phải làm gì khi suy thoái vượt quá mức độ chịu đựng của người dân. Thậm chí, ngay cả khi trật tự được phục hồi, thì vẫn còn khả năng xảy ra suy thoái kinh tế đi kèm bất ổn chính trị ở Phương Tây. Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Xinhgapo Simon Taylor, trong bài viết cho tờ Jakarta Post của Inđônêxia số ra mới đây, đã cảnh báo châu Á không được "ngủ say" với những thành tựu kinh tế của mình mà quên đi việc phải chuẩn bị sẵn sàng cho những khả năng xấu, tương tự như những gì đã và đang diễn ra tại các khu vực khác hiện nay.

Theo ông Simon Taylor, trong nhiều năm qua, hầu hết các quốc gia châu Á đã duy trì được sự ổn định chính trị - xã hội và tiếp tục phát triển nhanh chóng, điều mà một số người nói đây là sự trỗi dậy của châu Á. Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu khiến xuất khẩu từ nhiều nhà máy tại châu Á vẫn phải tìm kiếm người tiêu dùng ở phương Tây. Các quốc gia như Philíppin và Ấn Độ cần và thu được lượng tiền lớn gửi về nước từ những người lao động làm việc ở nước ngoài. Một cuộc suy thoái kéo dài ở châu Âu và Mỹ sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, các ngành công nghiệp và việc làm trên toàn châu Á.

Các nền kinh tế châu Á được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, nhưng hiện có nhiều dấu hiệu của “người khổng lồ châu Á” này cần phải được theo dõi chặt chẽ: Tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát tăng cao và chi phí tiền lương ngày một tăng. Tăng trưởng nhanh chóng là chất bôi trơn cho những va chạm chính trị và xã hội ở Trung Quốc, nên đây không thuần túy chỉ là câu hỏi về vấn đề kinh tế. Chi phí nhân công tăng và việc làm ít hơn kể từ sau cuộc biểu tình mang tính bước ngoặt của công nhân hãng Foxconn vào giữa năm 2010 đã là một nỗi “ám ảnh” thường trực ở Trung Quốc. Những vấn đề trong nước của Trung Quốc hiện trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Nếu Bắc Kinh không thể duy trì được tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị, thì động lực kinh tế này của phương Tây sẽ bị tước đoạt, dẫn đến những tác động dây truyền trong khu vực và cho cả nhiều công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc ổn định về nội bộ thì các ảnh hưởng bên ngoài của nó là không phải lúc nào cũng “dễ chịu”.

Nhiều người hy vọng các nước phương Tây chỉ trải qua sự gián đoạn tạm thời và các nền kinh tế và các chính thể của họ sẽ sớm phục hồi. Vì thế rất ít người được chuẩn bị cho khả năng phương Tây sụt giảm mạnh kéo theo một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và đổ vỡ chính trị nhiều hơn nữa. Nếu các chính phủ không kiềm chế được lạm phát, thì mọi vấn đề có thể bùng phát một cách dễ dàng, không chỉ ở các đường phố của Bắc Kinh, mà cả ở Giacácta hay Cuala Lămpơ. Nếu không dành sự chú ý thích đáng đến những vấn đề dân túy, trợ cấp và kích thích chi tiêu thì các điều kiện kinh tế vĩ mô có thể thay đổi nhanh chóng trong một thế giới của khủng hoảng tài chính.

Ông Simon Taylor nhấn mạnh, châu Á nên xây dựng các chính sách đảm bảo về lương, mạng lưới an sinh xã hội cơ bản và chăm sóc sức khỏe tốt hơn, mở cửa và kết nối các nền kinh tế với nhau. Điều này không chỉ có lợi cho tự do thương mại và đầu tư, mà còn có thể giúp châu Á đối phó tốt hơn với các cú sốc toàn cầu.

Việt Tú (P/v TTXVN tại Inđônêxia)