08:02 24/08/2012

Nợ công của Mỹ nguy hiểm hơn châu Âu?

Cuộc khủng hoảng nợ công của Mỹ còn lớn và nguy hiểm đối với nền kinh tế thế giới hơn cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu bởi vì Liên minh châu Âu (EU) đang giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của họ, còn Mỹ dường như đang tê liệt.

Cuộc khủng hoảng nợ công của Mỹ còn lớn và nguy hiểm đối với nền kinh tế thế giới hơn cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu bởi vì Liên minh châu Âu (EU) đang giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của họ, còn Mỹ dường như đang tê liệt. Đó là nhận định trong bài viết đăng trên báo "Bưu điện Tài chính" (Financial Post) của Canađa ngày 22/8/2012.

 

Đồng hồ đếm nợ công của Mỹ. Ảnh: Internet

 

Theo tính toán của ông Larry Kotlikoff thuộc trường Đại học Boston, số nợ không có khả năng thanh toán của Mỹ lên tới 222.000 tỷ USD, mức cao nhất trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nếu tính cả nợ công, thâm hụt an sinh xã hội và nợ của khu vực y tế nhà nước. Như vậy, Mỹ đang gặp khó khăn nhất về tài chính trong số các nước phát triển.


Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cũng đang lâm vào khủng hoảng tài chính, nhưng họ đang nỗ lực hơn để giải quyết vấn đề nợ của mình. Câu trả lời cho tình trạng tiến thoái lưỡng nan tài chính không phải là việc tiếp tục kích thích tài chính, làm tăng gánh nợ công.


Thay vào đó, các nước nợ nần nhiều cần tiến hành những cải cách cơ cấu tại khu vực nhà nước, qua đó mang lại mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mà không đẩy các nền kinh tế vào suy thoái.


Châu Âu đang dần giải quyết những khó khăn của họ bằng việc thực hiện những cải cách lớn và đau đớn, trong đó có cắt giảm trợ cấp hưu trí, cấu trúc thuế và các chính sách thị trường lao động tốt hơn, và cắt giảm mạnh chi phí khu vực công. Ví dụ, Italia hiện đã cố cắt giảm chi tiêu và thâm hụt đến mức cân bằng được ngân sách, không giống như Mỹ.


Châu Âu đang xử lý vấn đề tài chính của họ, dù còn vụng về. Nhưng các chính trị gia và công luận Mỹ dường như không hiểu về khả năng phá sản tài chính của Mỹ. Mỹ có cấu trúc chính trị để tạo việc làm, nhưng dường như quá tê liệt để giải quyết một cuộc khủng hoảng tài chính có khả năng xảy ra. Các nhà kinh tế Mỹ đang quan ngại về "vực thẳm tài chính" năm 2013, sẽ dẫn đến việc cắt giảm đáng kể ngân sách quốc phòng, thu nhập và biên chế.


Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không thể giải quyết vấn đề nợ một cách hiệu quả. Đảng Cộng hòa sẽ không tăng thuế mặc dù sự trầm trọng của vấn đề tài chính đã lớn đến mức cần phải có những nguồn thu nhập mới. Đảng Dân chủ thì chỉ xem xét việc tăng thuế thu nhập mà không sửa chữa một hệ thống thuế phức tạp và bị bóp méo đang cản trở tăng trưởng. Ngay cả những đề xuất về chính sách y tế cũng không giải quyết được chi phí chăm sóc y tế, khoản nợ lớn nhất tại Mỹ.


Nước Mỹ đang cần những cải cách tài chính mạnh mẽ để tái cấu trúc khu vực công. Thuế nên được chuyển đổi chứ không chỉ tăng. Trên thực tế, lãi suất có thể hạ thấp và thu nhập tăng lên nếu các ưu đãi thuế bị dỡ bỏ. Mỹ cũng nên đánh thuế tiêu dùng liên bang; các chi phí khu vực công phải được cắt giảm.


Các chính sách tái cơ cấu do Ủy ban Bowles - Simpson đề xuất có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ, nhưng lại bị Tổng thống Barack Obama phớt lờ. Trong khi thế giới đang chú ý tới cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, nhưng tình trạng nợ nần của Mỹ lớn và nguy hiểm hơn đối với nền kinh tế thế giới.



Thanh Hoa