08:18 25/08/2012

Ninh Bình: Dân lao đao vì tôm nhiễm bệnh lạ chết hàng loạt

Hàng nghìn hộ nuôi tôm ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đang lao đao vì tôm nhiễm bệnh lạ chết hàng loạt. Trong khi chờ các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân gây bệnh, người dân nơi đây rất lo lắng trước vụ xuống giống mới.

Hàng nghìn hộ nuôi tôm ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đang lao đao vì tôm nhiễm bệnh lạ chết hàng loạt. Trong khi chờ các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân gây bệnh, người dân nơi đây rất lo lắng trước vụ xuống giống mới.


Các chủ đầm tôm tại xã Kim Đông, Kim Hải và Kim Trung cho biết: Sau khi thả giống được chừng một tháng, phát hiện tôm chết, nhiều hộ đã thu hoạch tôm non để bán, nhưng cũng chỉ thu hồi được 20% số vốn đầu tư ban đầu.

Ông Hoàng Văn Cường có 3 ha ao tại Khu nuôi tôm công nghiệp xã Kim Trung buồn rầu: Ban đầu, tôm chết rải rác, nhưng chỉ sau vài hôm thấy con giống chết rất nhanh nên gia đình đã thu hoạch tôm để bán. Tuy nhiên, tôm còn non nên giá thành quá thấp, khoảng 70-80 nghìn đồng/kg. Đầu tư gần 1 tỷ đồng song gia đình chỉ thu về được chừng 400 triệu đồng.

Nhiều chủ đầm có kinh nghiệm nuôi tôm cũng rất lo lắng bởi năm nay tôm bị chết không có những biểu hiện của các loại bệnh thường gặp.

Gắn bó với con tôm cả chục năm nhưng ông Đinh Nhật Thành, xóm 6 xã Kim Đông vẫn không thể lý giải được hiện tượng tôm chết hàng loạt. "Chúng tôi đã thực hiện đầy đủ quy trình vệ sinh ao đầm, kênh mương, dùng vôi bột để khử trùng, diệt tạp với liều lượng 400 đến 700 kg/ha tùy vào độ pH của từng ao, sau đó phơi đáy ao. Khi lấy nước vào tiếp tục tiến hành xử lý diệt tạp, điều chỉnh môi trường nước trong ao ổn định, phù hợp với yêu cầu sinh thái của con giống, tuy nhiên không hiểu sao mới chỉ trong thời gian ngắn tôm đã bị nhiễm bệnh", ông Thành băn khoăn.

Theo nhận định của Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kim Sơn Trần Văn Công, qua kiểm tra thực tế ở xác tôm chết cho thấy các phần phụ còn nguyên vẹn, vỏ không bị ăn mòn, khối gan tụy bình thường, đuôi không bị phồng.

Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương cũng đưa ra kết quả xét nghiệm đối với 5/5 mẫu bệnh phẩm đều âm tính với các bệnh thường gặp ở tôm là đốm trắng, đầu vàng và Taura. Bên cạnh việc tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh, ông Công yêu cầu các đơn vị giám sát chặt chẽ chất lượng con giống trên địa bàn, đồng thời khuyến cáo nhân dân tiến hành xử lý ao nuôi theo đúng quy định, chuẩn bị các điều kiện cho vụ tôm mới.

Kim Sơn có 900 ha nuôi tôm, chủ yếu là giống tôm thẻ chân trắng. Nhiều hộ đang gặp khó khăn về vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất. Bà con mong muốn được tỉnh và huyện có cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện cho vay vốn tiếp tục sản xuất, quan tâm đến vấn đề môi trường nhằm tránh ô nhiễm tại vùng nuôi.

Bên cạnh đó, các cơ sở ươm giống tôm chất lượng cũng cần được đầu tư xây dựng tại chỗ, giúp người dân tránh những rủi ro do chất lượng giống nhập khẩu không đảm bảo.


Vũ Văn Đạt