11:01 29/11/2010

Niềm vui ngập tràn trong những ngôi nhà mới

Những ngày này, bản Pá Cá, xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông khác hơn mọi ngày, nhiều người dân trong trang phục đặc trưng của người Mông có mặt tại gia đình anh Vàng A Dế từ rất sớm để chung vui lễ mừng nhà mới.


Những ngày này, bản Pá Cá, xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông khác hơn mọi ngày, nhiều người dân trong trang phục đặc trưng của người Mông có mặt tại gia đình anh Vàng A Dế từ rất sớm để chung vui lễ mừng nhà mới.

 Bên mâm rượu, họ nói với nhau bằng ngôn ngữ địa phương, chúng tôi không hiểu lắm, nhưng qua nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của thực khách và cả chủ nhà, phần nào đoán biết được là họ đang chúc mừng anh Dế có nhà mới ở. Mặc dù đã “chuếnh choáng” vì thứ men rượu chưng cất từ ngô thơm lừng, nhưng anh Dế vẫn nhớ tổng kinh phí làm nhà hết khoảng 30 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 8 triệu đồng thông qua Nghị quyết 30a (số tiền này được quy đổi bằng tấm lợp và tấm úp nóc); gia đình vay 8,4 triệu đồng của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện với lãi suất ưu đãi 0,25%/năm theo Quyết định 167/CP (5 năm đầu Nhà nước ân hạn, 5 năm tiếp theo mới phải trả gốc và lãi suất theo quy định); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ủng hộ 10 triệu đồng. Ngoài số tiền trên, số còn lại là vốn gia đình tích góp được sau nhiều năm làm ăn chăm chỉ.

Những ngôi nhà mới đang được mọc lên nhờ quyết tâm xóa nhà tạm của tỉnh và nghị quyết 30a và Quyết định 167/CP của Chính phủ. Ảnh: Trần Toại

Anh Dế tâm sự: “Nhiều năm qua, gia đình đã chuẩn bị nguyên liệu, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên chưa đủ để làm nhà. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí, bà con dân bản giúp đỡ ngày công san sửa, tôn cao nền nhà..., gia đình mới dựng được căn nhà đẹp như thế này”.

Những năm gần đây, cứ mỗi lần lên huyện Điện Biên Đông công tác, chúng tôi lại được cán bộ huyện dẫn xuống cơ sở uống rượu mừng nhà mới của bà con. Trong thâm tâm chúng tôi hiểu ý của lãnh đạo huyện là muốn để cánh nhà báo được “mục sở thị” những căn nhà trong mơ của hộ nghèo mà nếu không có Nhà nước, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân... giúp đỡ thì có thể còn nhiều và rất nhiều năm nữa họ vẫn phải ở trong những căn nhà tranh, tre, nứa lá xiêu vẹo và ẩm thấp.

Điện Biên - tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, do đó việc nhiều gia đình vẫn phải sống trong những căn nhà tạm là điều dễ hiểu. Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã cùng vào cuộc để huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả trong việc xóa nhà tạm, ổn định cuộc sống cho hộ nghèo. Kết quả thống kê cho thấy, chỉ trong 5 năm (2005 - 2010), tỉnh Điện Biên đã xóa được trên 23.000 ngôi nhà tạm, giúp các hộ nghèo có nhà để an cư, ổn định sản xuất.Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên cho biết: Với những hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm nhà, từ đây về sau (ít nhất là trong 10 năm tới), bà con không phải phấp phỏng lo âu vì nhà sập, mưa dột, nắng hắt mỗi khi trái gió, trở mùa.

Cú “hích” lớn nhất trong chương trình xóa nhà tạm của tỉnh là nhờ có Nghị quyết 30a và Quyết định 167/CP của Chính phủ giúp cho 4 huyện nghèo gồm Điện Biên Đông, Tủa Chà, Mường Nhé, Mường Ảng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn luôn “sát cánh” cùng chia sẻ khó khăn với hộ nghèo ở đây. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhận giúp đỡ 2 huyện nghèo là Mường Ảng và Tủa Chùa. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận hỗ trợ, giúp đỡ huyện Điện Biên Đông và Mường Nhé. Với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đến nay, ngoài huyện Mường Nhé, 3 huyện nói trên đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo.

Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến cuối năm nay, ở 4/4 huyện nghèo trong tỉnh không còn hộ nghèo nào phải sống trong những ngôi nhà tạm. 

Trần Toại