12:23 13/12/2011

Những vấn đề còn để ngỏ sau Hội nghị Thượng đỉnh EU

Không đạt được sự nhất trí chung theo đề xuất của Pháp và Đức liên quan đến việc sửa đổi Hiệp ước Lixbon, thỏa thuận đạt được ngày 9/12/2011 giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về việc soạn thảo một “Công ước tài chính” đã cho thấy nhiều vấn đề còn nan giải đối với tương lai của hiệp ước mới,

Không đạt được sự nhất trí chung theo đề xuất của Pháp và Đức liên quan đến việc sửa đổi Hiệp ước Lixbon, thỏa thuận đạt được ngày 9/12/2011 giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về việc soạn thảo một “Công ước tài chính” đã cho thấy nhiều vấn đề còn nan giải đối với tương lai của hiệp ước mới, cũng như việc tìm kiếm và sử dụng các công cụ tài chính cần thiết.

Tờ Les Echos (Pháp) ngày 12/12 đã nêu ra 4 vấn đề còn để ngỏ. Thứ nhất là làm thế nào để thông qua hiệp ước mới? Thủ tướng Đức Merkel muốn cải cách Hiệp ước Lixbon, song do sự từ chối của Anh, chỉ có một công ước liên chính phủ được ký kết là “Công ước tài chính”. Văn bản này sẽ phải được 17 nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và những nước muốn gia nhập công ước này thông qua. Tại Brúcxen, các luật gia đảm bảo rằng họ có thể đưa một công ước mới về ngân sách vào trong một hiệp ước tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 3/2012. Hiệp ước mới này sau đó sẽ được các nước thành viên phê chuẩn, song không nhất thiết phải đưa ra trưng cầu dân ý, nhằm tăng cường sự giám sát hiện có. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC), vốn được kêu gọi tăng cường vai trò, có thể bị gạt ra ngoài lề các hiệp ước này.

Vấn đề để ngỏ thứ hai đề cập đến tương lai “các nguyên tắc vàng” tại Pháp. Các chuyên gia các nước nói chung sẽ phải tôn trọng sự hài hòa và sẽ chịu sự giám sát của Tòa án Tư pháp châu Âu. Bên cạnh đó, “các nguyên tắc vàng” cũng sẽ phải được quy định trong các luật quốc gia. Tuy nhiên, theo Les Echos, “các nguyên tắc vàng” về ngân sách ở Pháp, dù chưa được thông qua, đã trở nên lỗi thời. Nó chỉ dự liệu trách nhiệm của chính phủ cam kết theo đuổi một lộ trình cắt giảm thâm hụt ngân sách. Chắc chắn “các nguyên tắc vàng” mới sẽ không được bỏ phiếu trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2012. Một điểm quan trọng tiếp theo là Pháp, cũng giống như các nước đang có mức thâm hụt ngân sách vượt ngưỡng cho phép, sẽ phải thực hiện một chương trình cải cách cơ cấu đặt dưới sự giám sát của Ủy ban và Hội đồng châu Âu.

Vấn đề thứ ba là liệu cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor (S&P) có từ bỏ ý định hạ mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng của các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu hay không? Giới phân tích tài chính trên các thị trường lo ngại các cơ quan xếp hạng tín nhiệm sẽ xem xét và có những phân tích đúng mức sau Hội nghị thượng đỉnh EU.

Các chuyên gia kinh tế, như Charles Wyplosz thuộc Học viện Kinh tế Cao cấp Geneve, cho rằng mức xếp hạng tín nhiệm của Pháp sẽ bị hạ. Chuyên gia của tập đoàn Aurel, Christian Parisot, cho rằng quyết định của S&P sẽ phụ thuộc phần lớn vào phản ứng của các nhà đầu tư, nghĩa là chính các nhà đầu tư sẽ cho biết họ có tin cậy hay không vào các biện pháp mới được đưa ra. Cuối tuần qua, nhiều thành viên trong chính phủ Pháp đã hoan nghênh các quyết định được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh EU nhằm giảm bớt sự lo lắng và nguy cơ bị hạ xếp hạng tín nhiệm của Pháp.

Vấn đề thứ tư là liệu các biện pháp đoàn kết có đủ sức trợ giúp hay không? Các nước đã quyết định đóng góp 1/3 nguồn tài chính cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để phục vụ các chương trình trợ giúp châu Âu. Con số đề nghị lên đến 200 tỷ euro, trong đó 150 tỷ cho 17 nước Eurozone và 50 tỷ cho 10 nước khác. Đề nghị này sẽ phải được xem xét và quyết định trước kỳ nghỉ lễ Nôen. Những khoản cho vay này không phải được chuyển qua hệ thống ngân hàng trung ương mà phải đến từ chính IMF, và cũng không phải là một quỹ “dành để hiến tặng châu Âu”. Ngân hàng Trung ương Đức đã sẵn sàng đóng góp cho IMF 45 tỷ euro. Tuy nhiên, khả năng Mỹ cho IMF vay là rất thấp.

Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)