05:17 19/05/2014

Những toan tính sai lệch của Trung Quốc

Chỉ bằng một hành động, Bắc Kinh đã làm gián đoạn quan hệ với nước láng giềng Việt Nam, gây xáo động truyền thông quốc tế, làm sống lại cái gọi là “Mối đe dọa Trung Quốc” ở Đông Nam Á. Vậy Trung Quốc toan tính điều gì?

Chỉ bằng một hành động, Bắc Kinh đã làm gián đoạn quan hệ với nước láng giềng Việt Nam, gây xáo động truyền thông quốc tế, làm sống lại cái gọi là “Mối đe dọa Trung Quốc” ở Đông Nam Á. Vậy Trung Quốc toan tính điều gì?

Vì dầu mỏ và khẳng định chủ quyền?

Việc giàn khoan Hải Dương-981 tìm thấy dầu mỏ là điều có thể, nhưng cơ hội đó là rất nhỏ. CNOOC muốn khảo sát địa chấn ở một vùng, nhưng đó lại là vùng lựa chọn mang tính địa chính trị thay vì yếu tố địa lý. Không có bất kì một mỏ dầu nào được phát hiện gần Hoàng Sa.

Theo công ty Năng lượng Platts (Singapore), CNOOC đang phải tốn tới 328.000 USD/ngày cho việc duy trì giàn khoan Hải Dương-981 tại địa điểm hạ đặt. Dù CNOOC không thiếu tiền, nhưng tập đoàn này sẽ không thể để mặc giàn khoan ở đó mà không làm gì. Cuối cùng, giàn khoan sẽ rút đi, và những bất ổn trong hơn 2 tuần qua sẽ chẳng mang lại lợi ích gì về kinh tế. Nếu như không phải là nguyên do kinh tế để CNOOC khoan thăm dò ở Hoàng Sa, thì đương nhiên sẽ phải có nhiều toan tính liên quan đến quyết định của Bắc Kinh. Xem xét tuần tự, có thể thấy rằng cuộc đối đầu hiện nay chẳng đem lại lợi ích gì cho Trung Quốc, thậm chí đó còn là hành động gây hại.

Giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc hạ đặt trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Reuters


Có thể Bắc Kinh nghĩ là giàn khoan đó là một cách củng cố rõ ràng hơn cho chủ quyền của Trung Quốc, thế nhưng những phản ứng quyết đoán của Việt Nam và nhiều nước khác cho thấy đây không phải là điều đơn giản. Nếu chạy theo các phán quyết pháp lý, đương nhiên Bắc Kinh cũng sẽ thua.

Chia rẽ ASEAN?

Hành động đó có thể là một nỗ lực gây chia rẽ ASEAN. Bắc Kinh có lẽ đã hy vọng vào một thành công tương tự như những gì từng diễn ra ở Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 7/2012 ở Phom Penh. Đó cũng là thời điểm mà Trung Quốc xâm lấn thành công bãi cạn Scarborough – thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tại các cuộc gặp này, mọi nỗ lực ngoại giao của Philippines đã không thành công khi Hội nghị không có bất kì một tuyên bố nào về sự vụ này.

Một Trung Quốc "trỗi dậy hòa bình" không nên hành xử theo cách này. Ảnh: TTXVN phát


Trung Quốc lặp lại kịch bản cũ, lần này nhằm vào Việt Nam, với việc hạ đặt giàn khoan diễn ra chỉ vài ngày trước Hội nghị thưởng đỉnh ASEAN. Nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc chắc mẩm sẽ cản được Campuchia và có thể là cả Myanmar, Thái Lan, Lào phủ quyết tuyên bố chung, để Việt Nam đơn độc còn ASEAN thì bị chia rẽ. Nhưng không, ASEAN đã ra tuyên bố đặc biệt chỉ trích hành động gần đây ở Biển Đông. Toan tính của Trung Quốc đã thất bại, ASEAN đã nổi lên từ cuộc khủng hoảng và ngày càng cảnh giác trước những toan tính của Trung Quốc.

Gây sức ép với ASEAN?

Theo một chiều hướng tương tự, những động thái mới nhất này cũng có thể hiểu là cách thức Trung Quốc gây sức ép, buộc Việt Nam và nhiều quốc gia thành viên khác trong ASEAN phải đồng ý về những chi tiết trong Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang trong tiến trình đàm phán, theo hướng có lợi cho Trung Quốc. ASEAN nhìn nhận COC sẽ giúp ngăn chặn tranh chấp trên biển, nhưng Bắc Kinh không tỏ ra hào hứng hoàn tất tiến trình này.

Các cuộc đàm phán đã dậm chân tại chỗ trong nhiều năm. Đối đầu mới nhất ở Hoàng Sa sẽ buộc ASEAN phải có quan điểm cứng rắn hơn, không để những sự vụ tương tự như vậy tái diễn. Đó là điều mà Bắc Kinh không muốn và một lần nữa việc triển khai giàn khoan Hải Dương-981 dường như đã làm hỏng lợi ích dài hạn của Trung Quốc.

Nghi binh chiến thuật?

Lời giải thích khả dĩ nhất cho việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở Hoàng Sa - hay cũng chính là lý do cho thấy Bắc Kinh thực sự muốn gì - chính là những tiết lộ gần đây liên quan đến việc khởi động dự án xây dựng dân sự quy mô lớn ở bãi đá Gạc Ma. Đây là bãi chìm, ngập nước khi triều lên, do quân đội Trung Quốc chiếm giữ của Việt Nam năm 1988. Có lời đồn đoán rằng, Bắc Kinh tính biến bãi đá Gạc Ma thành một căn cứ không quân. Thông qua việc nghi binh, kéo sự chú ý của thế giới, cùng cảnh sát biển, hải quân Việt Nam vào điểm nóng ở Hoàng Sa, Trung Quốc có thể tự tay xây dựng ở Gạc Ma mà không sợ bị phát hiện.

Một bước đi thiếu sáng suốt?

Hiện tại, rất khó có thể khẳng định được quyết định triển khai giàn khoan Hải Dương-981 được đưa ra theo trình tự, quy trình như thế nào. Các nhà quan sát đóng tại Bắc Kinh thì nhận định, Bộ Ngoại giao chỉ có vai trò khiêm tốn trong hệ thống quyền lực của Trung Quốc. Thế lực có sức chi phối quan trọng hơn cả là quân đội, các tập đoàn dầu khí quốc gia (CNOOC, Sinopec, CNPC) và chính quyền các tỉnh Hải Nam, Quảng Đông. Chính những nhân tố này có thể là thế lực thúc đẩy diễn biến vừa qua ở Hoàng Sa mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc không thể cản nổi các sức ép phối hợp này.

Có nhiều quan điểm điển hình hóa việc thực thi chính sách đối ngoại của Trung Quốc theo hai xu hướng. Đó là “Trung Quốc toàn quyền” - khái niệm chỉ quyền lực trỗi dậy bằng mọi giá thống trị Đông Á, sẵn sàng đe dọa các nước láng giềng và hủy hoại lợi ích của Mỹ tại khu vực và “Trung Quốc giấu quyền” - chỉ phương thức ngoại giao "giấu mình", không công khai bộc lộ ý định.

Thế nhưng, sự việc mới nhất lại cung cấp một bằng chứng cho thấy cách tiếp cận thứ ba - “Trung Quốc không sáng suốt”, khi mà các bước đi ngoại giao đã không thực sự hiệu quả. Bắc Kinh đã thất bại trong việc thúc đẩy các mục tiêu rộng lớn hơn tại khu vực. Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng bực bội, xa lánh, e ngại và có lý do để hướng đến “xoay trục” của Mỹ ở châu Á.


Hoài Thanh (asiasentinel)