09:08 28/09/2012

Những tín hiệu vui từ cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu

Sáng 27/9, tại Hà Nội, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam lần thứ 3, tôn vinh các nghệ sỹ lão thành đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật sân khấu.

Sáng 27/9, tại Hà Nội, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam lần thứ 3, tôn vinh các nghệ sỹ lão thành đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật sân khấu. Nhân dịp này, hội cũng tổ chức trao giải thưởng cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu 2 năm (2010-2011) và Giải thưởng của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam năm 2011.

 

Tôn vinh các nghệ sĩ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và danh hiệu NSND, NSƯT ở tuổi 70.  Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

 

Ý thức được tầm quan trọng của kịch bản đối với sân khấu, đồng thời mong muốn tháo gỡ, “tăng nhiệt” cho hoạt động sáng tạo kịch bản sân khấu, năm 2010, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam (Hội NSSK Việt Nam) đã phát động cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu.


Sau 2 năm (2010-2011) phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 200 kịch bản của gần 100 tác giả trên khắp mọi miền đất nước gửi về tham gia, với đủ các thể loại như kịch, dân ca, tuồng, chèo, cải lương, bài chòi... Bên cạnh những tác giả kịch bản đã gắn liền với sân khấu truyền thống từ nhiều năm nay như Học Phi, Xuân Đức, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Khắc Phục, Chu Thơm, Trần Đình Ngôn... cũng đã xuất hiện những tên tuổi mới nhưng đã sớm gặt hái được thành tựu trên sàn diễn như Nguyễn Kháng Chiến, Triệu Trung Kiên, Bích Ngân, Kim Oanh, Ngô Sinh, Kim Khôi...


Theo đánh giá của nhà văn Chu Lai, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban sáng tác (Hội NSSK Việt Nam), Ủy viên Hội đồng chung khảo cuộc thi, nhìn chung mặt bằng kịch bản dự thi lần này phong phú, đồng đều, tạo được sự đa dạng, đa chiều. Nhiều kịch bản đã được tác giả viết công phu, đầy tâm huyết, cách triển khai tương đối mới mẻ, táo bạo, giàu tính cách tân, thể nghiệm. Các tác giả đã mạnh dạn đưa những khía cạnh thầm kín, những góc khuất, kể cả những nhức nhối trong cuộc sống, vấn đề của các thế hệ hôm qua, hôm nay, các vấn đề đổi mới và tụt hậu, nông thôn và thành thị, gia đình và xã hội... vào các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, một số kịch bản vẫn còn sơ sài, cũ, khô cứng và thiếu tính hiện đại. Một điều đáng tiếc nữa là trong các tác phẩm dự thi đợt này, còn ít kịch bản của thể loại dân ca kịch.


Theo Ban tổ chức, hơn 200 tác phẩm dự thi là con số đáng mừng trên tinh thần chấn hưng nền sân khấu nước nhà, “xốc” lại đội ngũ sáng tác. Hội đồng giám khảo đã chấm và trao giải cho các tác phẩm xuất sắc nhất. Trong đó, giải nhất được trao cho tác phẩm "Những mặt người thấp thoáng" của tác giả Xuân Đức (Quảng Trị); giải nhì trao cho các tác phẩm "Huyết lệnh" của tác giả Phạm Dũng (TP Hồ Chí Minh), "Mặt trái" của tác giả Phi Hùng (TP Hồ Chí Minh) và tác phẩm "Giọt sữa của người" của tác giả Nguyễn Khắc Phục (Hà Nội). Ngoài ra, còn có 6 tác phẩm đoạt giải ba và 4 tác phẩm khác được trao giải khuyến khích trong cuộc thi này.


Theo nhà văn Chu Lai, các kịch bản được trao giải là những kịch bản xứng đáng, có thể đại diện sáng giá cho diện mạo của kịch bản đương đại, cả về tính tư tưởng lẫn thủ pháp nghệ thuật. Ông cũng tin tưởng, những kịch bản này sẽ không chỉ nhận giải rồi lại “chui” vào ngăn kéo, mà sẽ tự tìm được đường đến với các đơn vị nghệ thuật để được dàn dựng. Bằng chứng là đã có ít nhất 5 vở được trao giải đã được các nhà hát, đơn vị đón chào, ký kết.


Nhân dịp này, hội cũng trao giải thưởng của Hội NSSK Việt Nam năm 2011 cho các kịch bản sân khấu, vở diễn sân khấu, ấn phẩm sân khấu và giải cho các đạo diễn, biên đạo múa, diễn viên xuất sắc. Ở hạng mục giải thưởng cho vở diễn sân khấu, 2 vở diễn "Quan lớn về làng" của Nhà hát chèo Hà Nội và "Đả chiến phá sông Ngân" của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang được trao giải A.

 

Đạo diễn Vũ Minh của vở "Đả chiến phá sông Ngân" cũng giành được giải thưởng "Đạo diễn xuất sắc năm 2011". Ở hạng mục kịch bản sân khấu và ấn phẩm sân khấu không có giải A. Ngoài ra, Hội NSSK Việt Nam còn trao giải Biên đạo múa xuất sắc nhất cho biên đạo Hoài Nam với vở "Tâm linh Việt" (Nhà hát Tuổi trẻ). Ba giải thưởng cá nhân xuất sắc nhất năm 2011 đều được trao cho 3 diễn viên cải lương, đó là Trinh Trinh của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; Hoàng Viện của Nhà hát Cải lương Hà Nội và Hoàng Tùng của Nhà hát Cải lương Việt Nam.

 

Phương Lan