01:09 14/01/2011

Những tín hiệu khả quan từ kinh tế thế giới

Trong mấy ngày qua, sự kiện Bồ Đào Nha và nối tiếp là Tây Ban Nha cùng Italia bán thành công trái phiếu chính phủ đã giúp khu vực châu Âu nói riêng và thế giới nói chung phần nào lạc quan hơn về triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2011.

Trong mấy ngày qua, sự kiện Bồ Đào Nha và nối tiếp là Tây Ban Nha cùng Italia bán thành công trái phiếu chính phủ đã giúp khu vực châu Âu nói riêng và thế giới nói chung phần nào lạc quan hơn về triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2011.


Giới đầu tư trước mắt được giải tỏa tâm lý và tin rằng các chính phủ sẽ nhất trí được các biện pháp mới đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Chứng khoán Mỹ cũng "vui lây" sau thông tin trên khi tăng điểm lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua trong phiên 12/1.



Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates bác bỏ "tin đồn" rằng nước này cần sự giúp đỡ từ bên ngoài đối với tình trạng nợ công đồng thời khẳng định rằng Bồ Đào Nha sẽ có những biện pháp để tự chủ tài chính của mình.

Ngày 12/1, Bồ Đào Nha tuyên bố bán thành công 1,25 tỷ euro trái phiếu dài hạn đáo hạn vào tháng 6/2010 với mức lãi suất 6,7% - thấp hơn mức dự báo, trong khi lãi suất trái phiếu ngắn hạn đáo hạn vào tháng 10/2014 là 5,3%.


Đợt bán trái phiếu lần này đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư và mức lãi suất trái phiếu dài hạn thấp hơn dự báo là một minh chứng cho thấy Bồ Đào Nha vẫn là một nước đi vay đáng tin cậy và thị trường tài chính vẫn có nhu cầu mua trái phiếu của nước này.


Sau thành công đó, Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha, ông Fernando Teixeira dos Santos, vui mừng tuyên bố: "Bồ Đào Nha không cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài". Như vậy, thành công trong phát hành trái phiếu của chính phủ Bồ Đào Nha, trong lúc này, đã chặn đứng được khả năng xấu nhất xảy ra với nước này, đó là buộc phải xin cứu trợ.

Tương tự, trái phiếu của chính phủ Tây Ban Nha và Italia ngày 13/1 cũng được giới đầu tư hết sức quan tâm. Tại phiên bán trái phiếu của Tây Ban Nha, nhu cầu mua còn gấp đôi lượng trái phiếu trị giá 3 tỷ euro với lãi suất 4,5% mà chính phủ nước này đem bán. Bức tranh ở Italia - nước vốn được coi là ít bị tổn thương hơn Tây Ban Nha - cũng cùng gam màu sáng khi chính phủ bán hết 6 tỷ euro trái phiếu trung hạn và dài hạn cho dù lãi suất có cao hơn so với lần bán trái phiếu trước.

Thành công này đã giúp đồng euro có đà để tăng giá lên mức cao nhất so với đồng USD trong vòng một tuần qua. Hơn nữa, thành công còn làm giảm rủi ro cho các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Italia. Đây là những dấu hiệu cho thấy giới đầu tư đang tin tưởng hơn vào khả năng giải quyết những vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu.

Vậy mà, chỉ cách đây vài ngày, không mấy ai có thể nghĩ các quốc gia nợ nần nặng vai này có thể thành công khi bán trái phiếu. Đã có những dự báo rằng đợt phát hành trái phiếu của ba nước trên có thể là một sự thất vọng to lớn. Rất may là điều đó đã không xảy ra.


Theo ông Neil MacKinnon, chiến lược gia kinh tế vĩ mô toàn cầu thuộc VTB Capital, công lớn thuộc về Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vì đã đóng vai trò tích cực hơn trong việc mua trái phiếu. Ngoài ra, các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản cũng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ các quốc gia châu Âu lâm nguy.

Dù thành công nhưng phát hành trái phiếu chỉ là một giải pháp không bền vững. Lường trước được điều đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết, các nước thuộc khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) đang "xắn tay áo" với một gói giải pháp toàn diện cho khủng hoảng nợ.


Dự kiến, gói giải pháp này có thể được thống nhất vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm nay. Theo tờ The Financial Times, Đức đã ủng hộ đề xuất tăng cường quyền hạn và khả năng cho vay của quỹ cứu trợ cho eurozone. Quốc gia này đang tích cực thảo luận về gói giải pháp với Italia, Pháp và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Dấu hiệu rõ nhất cho thấy giới đầu tư đã được giải tỏa tâm lý được thể hiện trên TTCK Mỹ ngày 12/1 khi đã tăng điểm lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua. Chỉ số Dow Jones tăng hơn 83 điểm (0,72%) lên 11.285,96 điểm - mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2008, trong khi chỉ số Nasdaq tăng 20,5 điểm (0,75%) lên 2.737,33 điểm - cao nhất từ tháng 11/2007.


Ngoài các yếu tố tích cực trong nước của Mỹ, thị trường khởi sắc phần lớn còn nhờ tín hiệu lạc quan mạnh mẽ phát đi từ các cuộc bán trái phiếu ở châu Âu - châu lục mà phải lâu lắm mới có tin tức tốt lành đưa TTCK theo hướng lên, theo nhận xét của một nhà đầu tư tại New York.

Trong khi thị trường thở phào nhẹ nhõm thì giới phân tích không quên cảnh báo, dù có tín hiệu thành công, tích cực nhưng đó có thể chỉ là ở thời hiện tại. Nhiều nhà phân tích cho rằng Bồ Đào Nha rốt cuộc vẫn sẽ phải bám vào cái phao cứu trợ như Ailen, Hy Lạp và số phận của Tây Ban Nha hay Italia vẫn phải trông chờ vào các biện pháp sắp tới của châu Âu.

Thùy Dương (tổng hợp)