07:15 24/07/2014

Những tiêu chí đánh giá khủng bố của Mỹ hết sức mơ hồ

Giới chức Mỹ có thể liệt các công dân nước này cũng như nước khác vào danh sách theo dõi khủng bố vô thời hạn căn cứ theo các quy định không rõ ràng và không có bằng chứng cụ thể.

Giới chức Mỹ có thể liệt các công dân nước này cũng như nước khác vào danh sách theo dõi khủng bố vô thời hạn căn cứ theo các quy định không rõ ràng và không có bằng chứng cụ thể. Nhận định này được đưa ra sau khi một tài liệu của Chính phủ Mỹ liên quan đến nỗ lực chống khủng bố được tiết lộ ngày 23/7 trên trang tin tức "The Intercept".

 

Theo tài liệu này, sau khi đã bị liệt vào danh sách "đen", các đối tượng bị tình nghi có thể bị cấm đi lại bằng đường hàng không - theo danh sách "cấm bay" hoặc sẽ chịu những những hoạt động kiểm tra, giám sát an ninh tăng cường tại các sân bay hoặc các cửa khẩu biên giới. Ngoài ra, những đối tượng này sẽ không có cách nào để tìm ra nguyên nhân bị nghi ngờ và kể cả khi đã qua đời, tên của họ vẫn bị lưu giữ trong danh sách theo bộ quy định mật do Trung tâm Chống khủng bố quốc gia (NCTC) đưa ra năm 2013.

 

"The Intercept" đánh giá bộ quy định trên của chính quyền Tổng thống Barack Obama chứng tỏ sự mở rộng quyền lực của chính phủ trong việc xác định các đối tượng tình nghi khủng bố với các tiêu chí rất mơ hồ đối với việc đưa tên các đối tượng tình nghi vào danh sách theo dõi. Văn kiện dày 166 trang này với tên gọi "Hướng dẫn danh sách theo dõi - tháng Ba 2013" cho phép các cơ quan chính phủ đưa tên các cá nhân vào danh sách đen dựa trên một "sự nghi ngờ hợp lý" mà không cần các bằng chứng hay các lập luận vững chắc.

 

Điều đáng nói là sự nghi ngờ có thể nảy sinh từ những việc đơn giản, kể cả những bình luận đăng trên mạng xã hội như Twitter hay bất cứ đâu đều có thể được coi là một căn cứ để đưa một cá nhân vào diện tình nghi. Một cơ quan có thể đề xuất đưa một cá nhân vào danh sách theo dõi dựa trên "một nguồn thông tin duy nhất kể cả khi nguồn này không được xác nhận". Với các quy định này, một quan chức Nhà Trắng, một cố vấn chống khủng bố cấp cao của Tổng thống Mỹ đều có quyền đơn phương đưa một người hoặc một nhóm người vào danh sách những đối tượng tình nghi nguy hiểm nhất trong vòng 72 giờ trước khi các quan chức cấp cao khác xem xét. Hành động này được cho là nằm trong điều khoản "nâng cấp sự tình nghi dựa trên mối đe dọa". Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ đối tượng của điều khoản nâng cấp này là các công dân Mỹ hay bao gồm cả các cá nhân cư trú hợp pháp tại Mỹ.

 

Danh sách theo dõi trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác chống khủng bố kể từ sau khi xảy ra thảm kịch 11/9/2001. Bất chấp những chỉ trích cho rằng việc mở rộng danh sách không giới hạn là hành động độc đoán và khó kiểm soát, Chính phủ Mỹ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn, đặc biệt sau vụ một đối tượng trong danh sách này âm mưu đánh bom một chuyến bay đến Mỹ vào Giáng sinh 2009. Một tòa án Mỹ xác nhận số tên trong danh sách đã tăng vọt kể từ sau vụ việc trên, với khoảng 1,5 triệu danh tính được đưa vào danh sách trong vòng 5 năm qua. Trong năm ngoái, chỉ có 1% trong số hơn 460.000 đối tượng bị "đề cử" vào danh sách được bác bỏ.

 

Các tổ chức xã hội chỉ trích Chính phủ Mỹ đã thiết lập một hệ thống vô trách nhiệm cho phép liệt một cá nhân vào dạng tình nghi vĩnh viễn với rất ít bằng chứng trong khi không cho họ cơ hội để gột rửa thanh danh của mình.

 

Trong khi đó, bất chấp sự chỉ trích, NCTC vẫn cho rằng danh sách giám sát này là một công cụ hữu hiệu trong việc ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố và thường xuyên được xem xét. Cơ quan này khẳng định việc liệt bất kỳ công dân Mỹ nào vào danh sách đều phải thông qua sự khảo sát kỹ lưỡng của nhiều cơ quan. Giải thích về việc giữ nguyên tên của những đối tượng tình nghi đã qua đời trong danh sách, quan chức NCTC cho biết là nhằm ngăn chặn âm mưu tái sử dụng các hồ sơ đi lại của họ.

 

Trang tin tức "The Intercept" do nhà báo người Anh Glenn Greenwald quản lý. Ông có quan hệ tương đối thân thiết với cựu nhân viên kỹ thuật Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden, nhân vật đã "đánh cắp" khoảng 1,5 triệu tài liệu tình báo tuyệt mật của Mỹ và hiện đang tỵ nạn có thời hạn tại Nga. Các tiết lộ của "kẻ đốt đền" đã đẩy chính quyền Tổng thống Obama cũng như giới chức tình báo Mỹ vào một loạt các vụ bê bối làm ảnh hưởng hình ảnh nước Mỹ cả trong nước và trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tiết lộ mới nhất này không đề cập đến nguồn tin của tài liệu.

 

TTXVN/ Tin tức