06:17 10/06/2015

Những thay đổi đến với Thổ Nhĩ Kỳ sau bầu cử

Kết quả bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua của Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy một thay đổi mới khi đảng AKP phải thành lập chính phủ liên minh sau 13 năm là đảng cầm quyền.

Kết quả bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử hôm 7/6 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy một thay đổi khi đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan buộc phải thành lập chính phủ liên minh sau 13 năm cầm quyền.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu bầu tại điểm bầu cử ở Istanbul.


Kết thúc thời kỳ cầm quyền của một đảng


Kể từ năm 2002, đảng AKP luôn nắm thế độc tôn trong việc dẫn dắt đất nước 81,5 triệu dân này. Do vậy trước cuộc bầu cử ngày 7/6, AKP ấp ủ hy vọng kéo dài thêm thời gian lãnh đạo đất nước.

Tuy nhiên, do chỉ giành được 41% phiếu bầu và 258/550 ghế trong quốc hội, không thể đảm bảo ít nhất 270 ghế để duy trì việc 1 đảng lãnh đạo, AKP phải chấp nhận việc chia sẻ quyền lực để thành lập chính phủ liên minh.

Hành động của ông Erdogan

Giới quan sát cho rằng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phải chịu trách nhiệm chính trong việc đảng AKP mất tín nhiệm. Cuộc bầu cử hôm 7/6 được coi là phép thử cho quá trình lãnh đạo vừa qua của ông Erdogan và dường như cử tri Thổ Nhĩ Kỳ không còn hào hứng với việc ủng hộ ông Erdogan có thêm quyền lực trong 4 năm tới.

Sự kiện thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình tại công viên Gezi vào năm 2013 khiến 22 người thiệt mạng và hơn 8.000 người bị thương đã minh chứng cho những sai lầm trong phương pháp lãnh đạo của ông Erdogan.

Ngoài ra đảng AKP trong thời gian qua liên tục chịu nhiều áp lực và chỉ trích từ trong nước và cả quốc tế. Người Kurd (cộng đồng dân tộc thiểu số lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 1/5 dân số) luôn thể hiện bất bình với đảng AKP về những chính sách gây tranh cãi liên quan đến nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bên cạnh đó hiện nay cả EU và Mỹ đều yêu cầu đối thoại bài bản cùng Ankara để giải quyết các vấn đề địa chính trị nổi cộm trong khu vực như khủng bố, sự trỗi dậy của IS và cuộc nội chiến Syria. Tuy nhiên đó chỉ là những điểm khởi đầu, vấn đề của Cyprus, an ninh năng lượng, người tị nạn Syria và nạn buôn người qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu thậm chí còn mang nhiều áp lực hơn.

Vậy hai câu hỏi được đặt ra là ông Erdogan sẽ có động thái gì tiếp theo và liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể thành lập chính phủ liên minh mới mà không vấp phải bất ổn hay không.

Người Kurd có thêm tiếng nói


Nhiều nhà phân tích đánh giá rằng đối tượng hưởng chiến thắng lớn nhất trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ là cộng đồng người Kurd.

Trước ngày bầu cử, nhiều chính trị gia đã tranh cãi về việc liệu đảng mới được thành lập HDP (được coi như đảng của người Kurd) có thể giành được 10% phiếu bầu để có đại diện góp mặt trong quốc hội hay không.

Tuy nhiên kết quả còn vượt qua cả mong đợi khi đảng này giành được 13 % phiếu bầu, đây được coi là cơ hội để người Kurd có thêm tiếng nói trong chính trường quốc gia.


Hà Linh (Theo CNN)