08:10 23/08/2011

Những thách thức thời hậu Gadhafi đối với NATO

Mạng tin "ipolitics" ngày 22/8 dẫn phân tích của ông Fen Osler Hampson, Giáo sư kiêm Giám đốc trường Quan hệ quốc tế "Norman Paterson", thuộc trường ĐH Carleton (Canađa), cho rằng tại Libi, tình hình khó khăn hơn sẽ bắt đầu sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi ra đi.

Mạng tin "ipolitics" ngày 22/8 dẫn phân tích của ông Fen Osler Hampson, Giáo sư kiêm Giám đốc trường Quan hệ quốc tế "Norman Paterson", thuộc trường ĐH Carleton (Canađa), cho rằng tại Libi, tình hình khó khăn hơn sẽ bắt đầu sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi ra đi.

Xe tăng quân nổi dậy tiến vào Thủ đô Tripôli từ phía tây ngày 22/8. Ảnh: AFP-TTXVN


Trong suốt 6 tháng qua, phiến quân đã chiến đấu để chống lại các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Kadhafi. Trong nhiều tháng, phiến quân Libi đã bị lâm vào thế bí, dường như sẽ chẳng đi đến đâu. Giờ đây họ đang giành được thế thượng phong. Những tin tức ngày 22/8 cho thấy lực lượng bảo vệ Tổng thống đã đầu hàng sau khi phiến quân bao vây khu vực dinh thự của ông Gadhafi. Sự sụp đổ của ông này dường như sắp xảy ra. Liệu thế giới đã sẵn sàng cho sự ra đi của Gadhafi và "trận đại hồng thủy" có thể diễn ra sau đó?

Trong thời gian vừa qua, Canađa đã có một loạt hoạt động ngoại giao để hỗ trợ Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (TNC), nhóm đối lập tại Libi. Ngoại trưởng Canađa John Baird đã gặp các thành viên cấp cao của TNC trong chuyến thăm bí mật tới Libi ngay sau khi ông này được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng. Canađa hiện đã chính thức công nhận NTC là đại diện hợp pháp của Libi cùng với Mỹ và nhiều nước phương Tây và Arập khác. Phe đối lập Libi đang giành được uy tín và kinh nghiệm cùng với mức độ ủng hộ ngày càng tăng về quân sự, kinh tế và hành chính của các nước phương Tây và Arập. Chỉ trong một thời gian ngắn, họ đang đạt được những tiến bộ lớn.

Nhưng sẽ khó mà cho rằng quân nổi dậy Libi hiện đang trên con đường trở thành "một ê kíp đoàn kết" hoặc tiến gần tới những tiêu chuẩn về "tự do, nhân quyền và dân chủ chung". TNC bao gồm các phe phái bộ lạc khác nhau ở miền Đông Libi. Vụ ám sát tư lệnh quân sự của phiến quân, Tướng Abdul Fatah Yunis al-Obeidi vài tuần trước đây đã nhấn mạnh những căng thẳng và sự thù địch có nguồn gốc sâu sa trong nội bộ TNC. Nếu không được kiểm soát, TNC có thể bị chia rẽ thành nhiều nhóm đối địch sau khi Gadhafi bị đánh bại.

Mặc dù các thành viên của TNC đang giảm nhẹ những bất đồng nội bộ của họ, nhưng nguy cơ tiếp tục nội chiến sau khi Gadhafi bị đánh bại là một thực tế. Một nguy cơ lớn khác là phiến quân sẽ trả thù những người đã ủng hộ ông Gadhafi, bao gồm phe cánh, thị tộc của ông này, cũng như bộ lạc Magarha, sinh sống tại phần phía tây của Libi. Các nhóm phiến quân đã tấn công dân thường tại các khu vực vùng núi phía tây Libi và xung quanh thành phố ven biển Misurata bởi vì những người này ủng hộ Gadhafi. Bộ lạc của Tướng Yunis đang đe dọa trả thù những kẻ đã giết hại ông này, mặc dù hiện nay họ đang được xoa dịu bởi những hứa hẹn sẽ có một cuộc điều tra.

Đối diện với khả năng tiếp tục diễn ra xung đột và tấn công dân thường tại Tripôli và những nơi khác nếu phiến quân chiến thắng, các nước NATO sẽ phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan mà họ đã từng gặp lúc mở đầu cuộc xung đột này: phải hành động như thế nào để tránh đổ máu hơn nữa. Một khi ông Gadhafi ra đi, việc đánh bom sẽ không còn là một phương án lựa chọn. Có thể họ sẽ cần triển khai binh lính trên thực địa dưới hình thức một lực lượng quan sát viên của NATO-LHQ-Liên đoàn Arập, sẽ lưu ý phiến quân rằng một số hành vi nhất định sẽ không được dung thứ và để hỗ trợ ổn định tình hình.

Thêm vào đó, còn có một số những thách thức lớn khác, bao gồm việc thống nhất cấu trúc chỉ huy của phiến quân và xác định chính xác ai là người đứng mũi chịu sào để Libi có được ban lãnh đạo có khả năng quản lý đất nước; quyết định cách thức phân phối các khoản đầu tư của Gadhafi, mà phần lớn vẫn đang bị đóng băng, để đáp ứng các nhu cầu của người dân Libi một cách có trách nhiệm và minh bạch; phát triển một kế hoạch sơ tán hàng nghìn người nước ngoài, phần lớn là người Ai Cập, hiện vẫn đang bị mắc kẹt tại Tripôli và những địa phương khác của Libi.

Khi phiến quân tiến vào thủ đô Tripôli, có nhiều khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng hơn, cần sự chú ý ngay lập tức.

Viện trợ tái thiết để xây dựng lại các thành phố, thị trấn đổ nát và cơ sở hạ tầng là cấp bách để hỗ trợ Libi thực hiện tiềm năng kinh tế của họ. Điều đáng lưu ý rằng Trung Quốc, hiện đang có những dự án đầu tư quan trọng tại Libi, đã thể hiện rõ sự quan tâm hợp tác với phiến quân khi họ cũng dự đoán trước sự ra đi của Gadhafi. Các nước phương Tây, có những khoản đầu tư lớn và những quan hệ mạnh mẽ với TNC như Canađa cũng sẽ có vai trò lớn trong việc tái thiết Libi. Tuy nhiên, khi chế độ Gadhafi sụp đổ, Libi sẽ hỗn loạn và sẽ khó có thể khôi phục lại ổn định tại đất nước Bắc Phi này.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)