06:05 15/06/2011

Những pháo đài điên - Kỳ cuối: Di tích của Chiến tranh Thế giới thứ Hai

Song song với những công trình được gọi là Pháo đài trên biển của hải quân, đầu năm 1941 Maunsell đã nhận được nhiệm vụ phác thảo các thiết bị phòng không cho vịnh Mersey ngoài khơi Liverpool.

Song song với những công trình được gọi là Pháo đài trên biển của hải quân, đầu năm 1941 Maunsell đã nhận được nhiệm vụ phác thảo các thiết bị phòng không cho vịnh Mersey ngoài khơi Liverpool. Do đáy biển ở đây phức tạp, Maunsell chọn một mô hình khác: Trên một chân đế bê tông cốt thép với hình dạng của một khung ảnh, ông đặt 4 chân bê tông cốt thép rỗng giữa, mỗi chiếc có đường kính 90 cm, bên trên đặt một ngôi nhà bằng thép hai tầng có diện tích 11 x 11 m.

Pháo đài quân đội Nore.

Cứ 7 chiếc tháp nặng 750 tấn này, được đặt cách nhau 30 m và được nối với nhau bằng cầu thang ống thép, tạo thành một pháo đài. Vị trí của các tháp này được sắp xếp theo vị trí phòng không trên đất liền: Ở giữa là tháp kiểm soát có rađa, bao quanh là 4 tháp có pháo cao xạ 94 mm và một chiếc tháp có hai khẩu pháo Bofors 40 mm, bên cạnh là một tháp có đèn pha tìm kiếm kẻ thù. Năm 1943, quân đội còn đặt làm 3 pháo đài tương tự cho cửa sông Themse, trong đó có Pháo đài quân đội Nore.

Điều kiện sinh hoạt trên những hòn đảo nhân tạo này cực kỳ khó khăn, có lúc có tới 265 người ở trong một pháo đài có 7 tầng. Sự chật hẹp và biệt lập đã trở thành gánh nặng đối với mọi người. Đặc biệt đối với những người trong các chân bê tông của Pháo đài hải quân trên biển: Bởi vì trong khi phòng ngủ của sĩ quan ở tầng trên của hình trụ, có đủ ánh sáng và sưởi ấm bằng dầu thì đối với những binh sĩ phải ngủ đêm bên dưới mặt nước, tình hình không thể chịu nổi.

Nhằm giết thời gian những lúc không có việc làm, các binh sĩ được các nhà tâm lý học khuyên theo đuổi những sở thích như vẽ, đan hoặc lắp ráp mô hình. Sau 6 tuần ở trong pháo đài, binh sĩ được lên bờ nghỉ 10 ngày, nhiều người phải điều trị tâm lý. Vì vậy, binh sĩ đặt tên cho các căn cứ nhân tạo này là “Fort Madness” - Pháo đài điên.

Pháo đài trên biển nhìn từ trên cao.

Nhưng vào thời điểm cuối của chiến tranh, thành tích của các pháo đài này cũng không nhỏ với việc các pháo đài ở cửa ngõ sông Thames đã bắn hạ được 22 máy bay và 30 quả bom bay V1, một pháo đài đã tham gia vào việc đánh đắm một tàu cao tốc của Đức. Nhưng việc sử dụng pháo đài ở cửa ngõ sông Mersey lại gặp phải khó khăn lớn: Vì vị trí của nó nằm trên đáy biển có cát thường xuyên thay đổi nên chân tháp thường xuyên bị lún sâu xuống đáy biển. Vì pháo đài này có thể trở thành mối nguy hiểm cho tàu bè qua lại, nên năm 1948, các tướng lĩnh đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn pháo đài này.

Nhưng đối với những pháo đài ở cửa sông Thames lại khác. Tháng 7/1948, một phái đoàn của Bộ Chiến tranh đã tới thăm Pháo đài quân đội Nore để kiểm tra việc sử dụng các pháo đài hiện có. Gần một năm sau, trong Bộ Chiến tranh đã diễn ra một cuộc họp bí mật để thảo luận về nhu cầu xây dựng thêm những pháo đài tương tự theo mô hình của Maunsell.

Những người tham dự cuộc họp bí mật đi đến kết luận là cần có thêm 11 pháo đài tương tự nữa để bảo vệ tất cả các hải cảng và tuyến đường hàng hải quan trọng xung quanh Vương quốc Anh. Sau nhiều lần sửa đổi, họ đã xác định được vị trí đặt các pháo đài này với chi phí lên tới 2,8 triệu bảng Anh, một con số khổng lồ sau chiến tranh.

Nhưng chiều ngày 1/3/1953 đã xảy ra một tai nạn hy hữu khi con tàu chở hàng Baalbeck của Thụy Điển, vì phát hiện Pháo đài quân đội Nore quá muộn do sương mù dày đặc, nên đã đâm thẳng vào công trình này, làm hai trong 7 tòa tháp bị phá hỏng hoàn toàn.

Tai nạn này đã phá hỏng kế hoạch bí mật muốn xây thêm các pháo đài mới và tháng 7/1953, Bộ Chiến tranh đã quyết định đình chỉ kế hoạch này. Cuối năm 1954, tại Pháo đài quân đội Nore lại xảy ra một tai nạn nữa, nên năm 1956 Bộ Chiến tranh đã quyết định đình chỉ công việc bảo dưỡng ở tất cả các pháo đài loại này. Trong những năm 1960, những pháo đài trên biển này lại được dư luận chú ý khi những đài phát thanh bất hợp pháp đã chiếm giữ các pháo đài này để phát các chương trình của mình. Hiện nay, một số sáng kiến tư nhân đã cố gắng duy trì 4 pháo đài trên biển còn lại làm di tích kỳ khôi của Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)