01:12 19/01/2012

Những nỗi niềm của người thầy thuốc anh hùng

Ánh mắt tuyệt vọng ấy luôn ám ảnh ông theo thời gian cho dù đến nay đã chục năm trôi qua. Và chính nỗi đau ấy đã thôi thúc ông cùng đồng nghiệp ngày đêm đau đáu với nỗi niềm phải vượt qua mọi khó khăn để cứu người.

Tôi và cô bạn ngồi chờ ông tại phòng khách-Bệnh viện Việt Đức theo lịch hẹn làm việc từ trước. Bạn tôi nói, ông bác sĩ này thẳng tính lắm, nói chuyện gì cũng phải dè chừng, chớ có mạo phạm. Tôi biết. Bạn tôi lại dặn rằng, tuy ông là Giám đốc nhưng vẫn trực các ca mổ, bận rộn lắm nên trao đổi công việc cũng cần ngắn gọn. Tôi biết. Nhưng chưa hết, bạn tôi còn thì thào thêm, đây là một con người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, vậy định hỏi gì cũng phải chuẩn bị cho xác đáng, không có chỉ tổ mất thì giờ.

Tôi đang chú ý lắng nghe thì có giọng nói rất to, từ dưới cầu thang vang lên. Bạn tôi giật mình nói đó là tiếng ông giám đốc bệnh viện. Đúng lúc đó, PGS- TS- Giám đốc Nguyễn Tiến Quyết xuất hiện, tôi lúng túng đứng dậy chào và nghĩ mình chắc sẽ phải đối thoại với một con người nóng nảy và bộc trực lắm đây. Nhưng thật không ngờ, trước mắt tôi lại là một bác sĩ với nhiều nỗi niềm sâu lắng cần được chia sẻ cùng những khát vọng mong có sự đồng hành của mọi người trong sự nghiệp của mình.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết.


1- Trái ngược với khẩu khí ăn to nói lớn và sôi nổi của mình, khi tôi hỏi về đề tài “Ghép tạng từ người chết não” mà ông là chủ nhiệm, với ca mổ đầu tiên thành công ở nước ta mới đây, thì ông lại ngậm ngùi tâm sự về những hình ảnh không thể nào quên trước cái sống, cái chết của con người.

Ông là người đã trực tiếp theo dõi, điều trị cho bệnh nhân và đã chứng kiến nhiều cái chết rất thương tâm. Hơn nữa, trong đó có nhiều ca có thể cứu được mà chịu bất lực làm ông rất đau lòng. Nhất là một ký ức cay đắng, khi ông nhớ đến trường hợp một sĩ quan công an có tiền sử xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Ban ngày bệnh nhân vẫn đi làm bình thường, nhưng tối đến thì trở bệnh, nôn ra máu. Khi đi cấp cứu vào bệnh viện độ nửa tiếng thì mất. Trước đó, nhìn đôi mắt hoảng hốt và tuyệt vọng của người bệnh mà lòng ông xót xa, bởi ông biết rằng nếu được ghép gan thì bệnh nhân sẽ tai qua nạn khỏi. Nhưng quả mọi chuyện bất lực vào thời điểm đó. Ánh mắt tuyệt vọng ấy luôn ám ảnh ông theo thời gian cho dù đến nay đã chục năm trôi qua. Và chính nỗi đau ấy đã thôi thúc ông cùng đồng nghiệp ngày đêm đau đáu với nỗi niềm phải vượt qua mọi khó khăn để cứu người. Giọng ông trầm buồn và dường như thấm đẫm sự đau khổ của thân phận bệnh nhân mỗi khi phải cấp cứu vào bệnh viện.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN


Chính vì sự đồng cảm và chia sẻ với sự sống còn của người bệnh, mà ông rất vui khi nói về sự thành công mới nhất khi ông cùng đồng nghiệp mổ thành công ca ghép gan đầu tiên vào tháng 5/2010. Có thể nói đây là một thành tựu y học xuất sắc của ngành y tế Việt Nam. Đó là việc ghép gan từ người sống đã khó, nhưng việc ghép gan từ người cho bị chết não lại càng khó hơn. Và ông cùng các đồng nghiệp đã thực hiện thành công ca ghép gan từ người bị chết não, mang lại sự sống cho những người bệnh. Thành công này là niềm vui khó tả trong ông, bởi đã bao đêm người bác sĩ này luôn luôn hằng mong ước làm sao cứu được những người bị ung thư gan. Ông còn nói cho tôi hay rằng với những người bệnh suy gan hay ung thư gan nếu không được ghép gan họ chỉ chờ đợi cái chết. Cho nên một hướng mới rất khả thi là việc lấy tạng của người chết não ghép cho các bệnh nhân suy gan thận, ung thư gan… không chỉ giúp họ duy trì cuộc sống, mà còn giúp họ sống khỏe mạnh và có ích cho xã hội.

2- Cùng với sự đồng cảm với người bệnh rất sâu sắc ấy, bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết bày tỏ với tôi về bài toán giải quyết sự quá tải đầy khó khăn của các bệnh viện lớn hiện nay. Bởi lẽ người bệnh rất khổ cực khi phải chen chúc trên giường bệnh, kể cả việc có khi phải nằm dưới gầm giường. Đó là câu chuyện của “Đề án 1816” mà Bệnh viện Việt Đức của ông đã và đang thực hiện có những nét khả quan và đúng trọng tâm, trọng điểm.

Ông Quyết say sưa nói về những công việc mà viện mình đã làm để nhằm tới việc chống quá tải, cho dù đến nay Bệnh viện Việt Đức đã có hơn 900 giường nằm. Và cho dù mỗi ngày bệnh viện có tới 1.000 người đến khám và thực hiện tới hơn 100 ca mổ, nhưng hiện nay ở bệnh viện không còn để xảy ra tình trạng nằm ghép. Tôi hỏi vì sao bệnh viện làm được như vậy, ông Quyết cười và sôi nổi kể đủ mọi chuyện: Nào là hệ thống phân loại bệnh nhân ngay tại phòng khám, ai đáng nằm viện và ai nên chữa ngoại trú, cần rạch ròi chứ không tùy tiện như trước. Và nào là cần rút ngắn thời gian nằm viện, khi có thể về nhà, tránh tốn kém cho gia đình người bệnh. Và hơn thế nữa là việc phối hợp với các bệnh viện địa phương, theo dự án “Bệnh viện Vệ tinh”, nhằm phòng tránh quá tải từ xa. Cách đào tạo tại chỗ, theo cách thức “cầm tay chỉ việc”, đã giúp các bệnh viện tuyến dưới giải quyết các trường hợp bệnh nặng tương đối ngay tại cơ sở không cần gửi về trung ương. Chỉ những trường hợp nặng nhất mới chuyển lên Bệnh viện Việt Đức.

Ông vừa nói, vừa xoa tay cười tỏ ra hài lòng với những giải pháp mạnh dạn, quyết liệt đầy tính khả thi theo phong cách dám nghĩ, dám làm của tập thể cán bộ nhân viên của viện. Trong khi thói quen và quan niệm xấu phổ biến là nhiều nơi lại muốn quá tải để chứng tỏ uy tín và dễ lợi dụng sinh tiêu cực. Đặc biệt, nổi lên câu chuyện kéo dài hàng chục năm nay; đó là tệ nạn phong bì cho bác sĩ và y tá. Khắc phục tệ nạn nhũng nhiễu này không phải một sớm một chiều. Do vậy việc làm giảm quá tải ở các bệnh viện lớn cũng đòi hỏi sự kiên quyết và còn cả sự dũng cảm nữa của người lãnh đạo bệnh viện.

3- Bất ngờ khi tôi hỏi đến chuyện tệ nạn phong bì ở Bệnh viện Việt Đức, thì ông giám đốc này bỗng nghiêm nét mặt và nói gần như thách đố, ai phát hiện được một cán bộ nào của viện đòi hỏi bệnh nhân, bệnh viện sẽ xử lý nghiêm nếu có chứng cứ. Và ông cho biết, vừa qua mình đã cùng với Trường Đại học Y đình chỉ một bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân. Ông khẳng định rất nhiều lần phải từ chối hoặc trả lại phong bì cho người bệnh khi cầm dao mổ cho bệnh nhân. Ông có lý lẽ về y đức nhưng đó cũng là một nếp sống mà ông được rèn giũa từ nhỏ, trong một gia đình “Lương y như từ mẫu”, qua mấy đời làm nghề thầy thuốc.

PGS - TS Nguyễn Tiến Quyết bồi hồi nhắc lại, cụ nội của mình khi sống đã làm đúng với lương tâm của một thầy thuốc, nổi tiếng khắp vùng Ý Yên, Nam Định một thời. Cụ chỉ bắt mạch, kê đơn chứ không bốc thuốc như nhiều lang y khác, bởi lẽ cụ sợ lòng tham trỗi dậy, khi muốn làm giàu trên bệnh tật của người đời. Cốt cách ấy qua lời bố kể lại, cậu học trò Quyết ngày nào đã thấm nhiễm và ngấm vào máu thịt như một lẽ sống tự nhiên. Phải chăng, sau khi trở thành bác sĩ giỏi và trở thành Giám đốc của Bệnh viện Việt Đức, ông không chỉ nổi tiếng ở tài phẫu thuật, mà còn ở tính cách thẳng thắn, dứt khoát nói không với tệ nạn phong bì.

Nhưng ông bỗng trở nên trầm lặng, rồi nói, để triệt hạ được những tệ nạn phong bì này, chế độ chính sách đối với cán bộ y tế nói chung cũng cần phải được cải thiện nâng cao để họ có thể yên tâm với cuộc sống vừa đủ của mình chứ không còn bị thiếu thốn như hiện nay. Đây thực ra cũng là một trong những nguyên nhân chính làm nảy sinh tệ nạn phong bì.

Đến nay những danh hiệu Anh hùng Lao động, cá nhân và tập thể bệnh viện, mà ông cùng họ nhận được cũng vì sự vượt lên những khó khăn thường nhật, một lòng vì sự nghiệp với truyền thống, lịch sử hơn 100 năm phát triển của bệnh viện. Đó là một truyền thống cách mạng của một nền y đức xã hội chủ nghĩa mà bao lớp cán bộ y tế của Bệnh viện Việt Đức đã tạo dựng như một lẽ sống - Tất cả vì người bệnh, vì sự sống của con người.

Xuân Ban