06:11 20/06/2012

Những nhà báo cầm cọ và... vẽ

Cả đời gắn bó với nghề báo, nhưng đến khi nghỉ hưu, nhiều nữ nhà báo đã tìm đến với hội họa, gắn bó với những cây cọ, vải toan, mảng màu, để tìm sự thư giãn, thanh thản cho chính mình.

Cả đời gắn bó với nghề báo, nhưng đến khi nghỉ hưu, nhiều nữ nhà báo đã tìm đến với hội họa, gắn bó với những cây cọ, vải toan, mảng màu, để tìm sự thư giãn, thanh thản cho chính mình.


Nhà báo Nguyễn Thị Hòa: Vẽ để tạo cho mình niềm vui


Yêu thích hội họa và thích vẽ từ trẻ, nhưng cuộc sống bận rộn của một nhà báo công tác tại TTXVN đã khiến nhà báo Nguyễn Thị Hòa (nguyên Trưởng Phòng Quốc tế, Báo Tin tức) không có thời gian cầm cọ để thực hiện sở thích của mình, nên chị tự nhủ với lòng, khi nào về hưu sẽ đi học vẽ. Và thế là sau khi nghỉ hưu, chị đã quyết định theo đuổi giấc mơ được cầm cọ của mình. Chị ôm đồ nghề đến nhà một người bạn, vốn là giáo viên dạy vẽ trong trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương (nay là trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương), để học vẽ. Người bạn đã hướng dẫn chị từng bước, từ bố cục nên như thế nào, sử dụng màu sắc, độ sáng tối ra sao, cho đến luật xa - gần trong hội họa... Tất cả những kiến thức ấy đều được dạy và học bằng cách... truyền khẩu. Qua một thời gian ngắn, nhà báo Nguyễn Thị Hòa đã bắt tay vào vẽ những bức tranh đầu tiên, với những nét vẽ mộc mạc, thô sơ. Được bạn động viên, chỉ cần chịu khó tập vẽ nhiều thì tranh sẽ đẹp hơn, vậy là từ đó, nhà báo Nguyễn Thị Hòa cứ tiếp tục miệt mài trong phòng tranh nhỏ của mình, vừa vẽ, vừa chịu khó tìm đọc thêm những bài phân tích tranh của những nhà phê bình hội họa... Thông qua những bài phê bình đó, chị đã thấy kiến thức của mình về hội họa ngày càng tốt hơn, mỗi khi đi xem tranh của các họa sỹ, chị đã bắt đầu biết “đọc” chủ ý của họa sỹ. Có thêm kiến thức về hội họa, chị thấy vui hơn, tự tin hơn và cũng mê vẽ hơn hẳn.


Nhà báo Nguyễn Thị Hòa tâm sự: “Tôi thích hội họa từ khi còn trẻ, chỉ nghĩ giá như trong nhà mình mà treo những bức tranh do chính tay mình vẽ thì sẽ rất tuyệt vời. Mong muốn thế, nhưng lúc còn đi làm, công việc bận rộn nên tôi không có thời gian. Chỉ đến khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi mới thực hiện được mơ ước của mình. Từ khi học vẽ và biết vẽ, tôi thấy kiến thức được mở mang, cuộc sống có ý nghĩa hơn. Mỗi khi cầm cọ, tôi thấy lòng thanh thản, thư thái hơn rất nhiều. Cũng từ đó, tôi hiểu sâu hơn về lao động của người họa sỹ nói riêng và những người làm nghệ thuật nói chung”.


Cho đến nay, số tranh mà nhà báo Nguyễn Thị Hòa vẽ không nhiều, chỉ độ vài chục bức. Những nét vẽ ban đầu còn mộc mạc, thô sơ, nhưng càng về sau, những bức tranh của chị càng có màu sắc phong phú hơn, có ấn tượng với người xem, từ sự phối hợp màu sắc, bố cục cho đến độ sáng tối tương phản trong tranh được bố trí phù hợp hơn, đẹp và có cảm xúc hơn rất nhiều.


Căn phòng nhỏ của nhà báo Nguyễn Thị Hòa treo đầy những bức tranh chị vẽ, chủ yếu là tranh tĩnh vật, một vài bức tranh phong cảnh. Nhà báo Nguyễn Thị Hòa tâm sự: “Ở tuổi này, tôi không có kỳ vọng gì, chỉ đơn giản là cầm cọ vẽ cho thanh thản và tìm niềm vui trong cuộc sống. Những bức tranh tôi vẽ chủ yếu để treo trong nhà, tặng thầy cô giáo, tặng bạn bè và những người mình yêu quý. Thỉnh thoảng, tôi và mấy người bạn cùng chung sở thích rủ nhau ngắm tranh, ngồi trò chuyện thăm hỏi nhau... chỉ vậy thôi, nhưng tôi thấy cuộc sống thật đẹp, thật ý nghĩa”.

Nhà báo Đỗ Thu Thủy: Vẽ bằng trực giác và để xả “stress”


Sau hơn 30 năm làm báo, đến khi nghỉ hưu, nhà báo Đỗ Thu Thủy (bút danh Thủy Vân) của báo Sài Gòn Giải phóng tìm đến với cây cọ, với mảng màu để tìm niềm vui cho mình.


Nhà báo Đỗ Thu Thủy đến với hội họa một cách tự nhiên, cứ như chị sinh ra là để vẽ vậy. Chị Thủy cho biết, chị không học vẽ chuyên nghiệp mà chỉ đến với hội họa một cách tình cờ. Cách đây 5 năm, một người bạn của chị đã theo thầy học vẽ. Một lần, khi chị bạn rủ chị Thủy cùng đi mua màu vẽ, thấy bạn mua rất nhiều màu, chị Thủy chợt nghĩ, bạn làm được thì mình cũng làm được. Nghĩ vậy, nên chị cũng đặt mua ngay một bộ đồ để vẽ. “Lúc mua màu, tôi còn không biết hết cách sử dụng của những thứ mình mua, tôi yêu cầu người bán hàng ghi ra giấy từng thứ một, rằng cái này để rửa bút, cái này để vẽ... để về nhà khỏi quên. Vậy là tôi ôm bộ đồ nghề về, rồi cứ thế vẽ theo cảm xúc, theo ý tưởng và suy nghĩ của mình. Dần dần, càng nghịch màu càng thấy thích, nên càng mê vẽ hơn...”, nhà báo Đỗ Thu Thủy tâm sự.


Bắt đầu cầm cọ vẽ từ năm 2007, đến cuối năm 2008, nhà báo Đỗ Thu Thủy đã có được một triển lãm chung mang tên “Đàn bà”. Đến năm 2010, chị lại có một triển lãm cho riêng mình mang tên “Chòng chành”. Xem tranh của chị, rất nhiều họa sỹ có tiếng cũng rất ngạc nhiên, và đặc biệt là có nhiều người nước ngoài rất thích. Mọi người thích tranh của chị vì nó vừa lạ, vừa giàu cảm xúc và có những nét rất riêng. Nhà báo Đỗ Thu Thủy tâm sự: “Sau khi tôi mở triển lãm thứ 2, nhiều họa sỹ có đến xem tranh của tôi, họ đều nói tranh của tôi thật lạ. Khi biết tôi chưa từng học hội họa, họ đều rất ngạc nhiên. Và khi thấy tôi có ý định đi học cho có bài bản hơn, nhiều họa sỹ tên tuổi đều can ngăn. Họ nói rằng tôi đã làm được cái mà không phải họa sỹ nào cũng làm được, nên không cần học nữa, cứ như thế mà vẽ thôi”.

Mỗi bức tranh của chị là một câu chuyện được vẽ bằng cảm xúc, suy nghĩ và trực giác của chính tác giả. Nhân vật trong các tác phẩm của chị thường là những phụ nữ, những người đàn bà nhọc nhằn trong lo toan cuộc sống. Và với chị, mỗi bức tranh là một câu chuyện, một dòng cảm xúc riêng, chứa đựng những câu chuyện thú vị về tâm hồn phái đẹp. Những bức tranh ấy mang đến cho người xem những cung bậc thăng trầm khác nhau. Có người khi xem tác phẩm của chị đã rơi nước mắt, bởi họ cảm nhận được những nỗi vất vả, khổ cực và cả những đớn đau mà người phụ nữ trong những tác phẩm của chị phải chịu đựng, như trong những bức vẽ mang tên “Mùa sinh”, “Noãn”, “Lốc” hay “Mầm”...


Không chỉ vẽ sơn dầu, nhà báo Đỗ Thu Thủy còn thử sức và cũng thành công cả với tranh giấy dó. Bây giờ chị lại đang thử sức mình ở tranh sơn mài. Chị tâm sự: “Nghỉ hưu rồi mà tôi thấy bận rộn hơn cả đi làm, lúc nào cũng bận rộn với những công việc từ nhỏ đến lớn, từ căng toan, bắn ghim, rồi vẽ. Tôi vẽ những gì tôi thích, và khi nào cảm xúc dội về thì tôi vẽ những cảm xúc ấy, ý nghĩ ấy lên những bức tranh. Với tôi, vẽ là một cách để giải tỏa mình khỏi những trầm cảm và cũng là một cách để ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống riêng mình bằng màu sắc”.

Phương Lan