08:11 21/08/2014

Những người lính bất tử - Kỳ 3: Đất chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng

Giữa cận kề sự sống và cái chết, một bên là lính chiến Trung Quốc có vũ khí hiện đại, một bên là lòng dũng cảm và chí khí yêu nước, người chiến sĩ ấy quyết không lùi bước. Anh đã hô vang “Đất chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng” trước họng súng quân thù.

Giữa cận kề sự sống và cái chết, một bên là lính chiến Trung Quốc có vũ khí hiện đại, một bên là lòng dũng cảm và chí khí yêu nước, người chiến sĩ ấy quyết không lùi bước. Anh đã hô vang “Đất chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng” trước họng súng quân thù. Câu chuyện về cựu binh Trần Thiên Phụng, một trong những chiến sĩ còn sống và trở về sau trận hải chiến Trường Sa 1988 vẫn tươi mới và nóng tính thời sự.

Chiến sĩ đảo Sơn Ca - những người bảo vệ Trường Sa.


Không thể đầu hàng

Nếu Thiếu úy Trần Văn Phương kiên quyết giành giật với kẻ thù để cắm cờ Tổ quốc và nói “Hãy để máu tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”, thì binh nhất Trần Thiên Phụng quyết không khuất phục trước họng súng quân thù. Đó là tinh thần quyết tử của một dân tộc anh hùng được kết tinh trong dòng máu người lính Trường Sa, mà anh Phương, anh Lanh, anh Phụng là những người như thế.

Lịch sử Hải quân Việt Nam còn ghi rõ những dòng ký ức của binh nhất Trần Thiên Phụng. Nhìn đồng đội bị những tên lính Trung Quốc bắt, giết, thuyền trưởng tàu HQ-604 nhanh chóng cơ động về phía Gạc Ma, song bị tàu quân sự của Trung quốc bao vây uy hiếp. Chúng cho các thuyền nhôm chạy quanh tàu và chĩa súng AK vào các chiến sĩ.

Lúc này binh nhất Trần Thiên Phụng và ba chiến sĩ ôm súng AK 47 đứng phía mũi tàu HQ-604 bắn trả tàu địch. Tất cả đều không nao núng tinh thần chiến đấu. Từ ca bin của tàu, Nguyễn Thông- đảo trưởng đảo Gạc Ma hô lớn: “Lãnh thổ của đất nước đã bị chiếm. Anh em xông lên quyết đẩy lùi địch”.

Từ mệnh lệnh của đảo trưởng, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ ôm súng nhảy xuống biển, bơi vào đảo Gạc Ma hỗ trợ cho đồng đội và chiến đấu. Mặc dù bị trúng đạn của địch vào đầu và tay, nhưng binh nhất Trần Thiên Phụng vẫn cố hết sức mình bơi cùng đồng đội. Nước biển mặn và sóng to, đã làm vết thương chảy nhiều máu. Kiệt sức, Phụng trôi trên biển, tay súng vẫn ôm khẩu súng AK 47 trước ngực mình. Đó là lúc 17 giờ ngày 14/3/1988. 

Theo số điện thoại của đồng đội, tôi gọi điện cho cựu binh Trần Thiên Phụng- người có câu nói nổi tiếng ngày ấy hiện đang sống tại gia đình ở phường 2, TP. Đông Hà, Quảng Trị. Từ đầu dây bên kia, giọng anh Phúc hào sảng: “Làm sao mà chết được chú. Lúc đó lính Trung Quốc mạnh hơn ta nhiều lần, lại có vũ khí, trong khi đó lính Công binh ta chủ yếu là quốc chim đào san hô. Dù vậy nhưng ta quyết liệt chống trả”.

- Sau khi trôi trên biển, anh được đồng đội cứu vớt hay sao?

- Không. Khi ấy tôi nằm trên sóng. Tàu Trung Quốc phát hiện ra tôi. Chúng chĩa súng vào đầu tôi ra lệnh đầu hàng. Tôi trừng mắt nhìn thẳng vào mắt chúng quát “Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng trước mũi súng quân thù. Không bao giờ”. Thấy không làm gì được tôi, bọn chúng bắt tôi cùng 8 chiến sĩ khác nữa đưa về tàu chúng rồi đưa về Hải Nam. Nói thật, lúc ấy, tôi bị thương nặng chẳng biết sau đó thế nào nữa”.

Bàn thờ liệt sĩ không di ảnh


Cựu binh Trần Thiên Phụng luôn khắc khoải về sự hy sinh của những người đồng đội vẫn chưa tìm thấy thi thể.


Gần 7 tháng sau kể từ ngày binh nhất Trần Thiên Phụng và 8 chiến sĩ khác bị Trung Quốc bắt giam tại nhà tù Trạm Giang tỉnh Quảng Đông, ngày 1/11/1988, lãnh đạo Trung đoàn 83 Công binh Hải quân gửi giấy báo tử, trong đó xác nhận “Binh nhất Trần Thiêng Phụng, cấp bậc binh nhất, chức vụ chiến sĩ, đơn vị Trung đoàn 38 Công binh Hải quân đã mất tích vào ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma- Việt Nam”.

Cầm tờ giấy báo tử chồng trên tay, chị Lê Thị Thiên rụng rời. Chị đưa tay đặt lên bụng mình khóc “Anh Phụng ơi, mới bữa nào anh nói sẽ về. Anh đừng đi, em đang mang giọt máu của anh. Chẳng lẽ con chúng ta chưa ra đời đã mồ côi cha”… Thắp nén hương lên bàn thờ không di ảnh, chị Thiên nghẹn ngào: “Bây giờ xương cốt anh ở đâu, biết lấy ngày nào để làm giỗ cho anh”.

Thời gian trôi đi chậm chạp. Chị Thiên sống trong đau xót tột cùng. Cảnh gia đình neo đơn thêm phần tang tóc khiến chị như quỵ ngã. Bất ngờ một buổi sáng, chị Thiên nhận được mảnh giấy gửi về từ Hội chữ thập đỏ trong đó có dòng tin “Anh bị Trung Quốc bắt làm tù binh, em và bố mẹ giữ gìn sức khỏe”. Mừng rơi nước mắt. Chị Thiên gọi bố mẹ chồng báo tin anh Phụng còn sống. Cả nhà đứng xếp hàng giữa gian nhà nhìn lên bàn thờ không di ảnh và cầu mong anh Phụng nhanh chóng trở về.

Sau hơn 3 năm kể từ ngày binh nhất Trần Thiên Phụng và 8 chiến sĩ khác bị Trung quốc bắt, ngày 2/9/1991, Trung Quốc trao trả 9 “tù binh” tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan ở Lạng Sơn. Chị Thiên bắt xe ra tận cửa khẩu đón chồng. Họ gặp nhau trong phút giây trùng phùng xúc động.

“Bây giờ tui khỏe rồi. Tui có ba đứa con, chúng đều đã lớn cả. Kinh tế gia đình cũng tạm ổn. Vợ chồng tui mở hàng bún bán cho bà con. Nói chung cũng đủ ăn. Những khi thời tiết thay đổi, vết thương trên đầu và vai luôn đau buốt. Bây giờ nghĩ lại ngày ấy tui cảm thấy quá tự hào”, anh Phụng nói oang oang trong điện thoại.


Mai Thắng