12:06 18/12/2014

Những nghệ sỹ, chiến sỹ lấy tiếng hát át tiếng bom

Trong những cuộc kháng chiến của dân tộc và cho đến ngày nay, những tiết mục biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội (Đoàn văn công Tổng cục Chính trị trước đây) đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội và nhân dân cả nước.

Trong những cuộc kháng chiến của dân tộc và cho đến ngày nay, những tiết mục biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội (Đoàn văn công Tổng cục Chính trị trước đây) đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội và nhân dân cả nước, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa - văn nghệ cho người chiến sỹ, đồng thời góp phần vào sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của đất nước.

Một tiết mục của Nhà hát ca múa nhạc Quân đội.



Ngày 15/3/1951, Tổng đội Văn công được thành lập giữa đại ngàn Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến. Khi đó, các chàng trai, cô gái tuổi mười chín, đôi mươi, náo nức đầu quân theo người chiến sĩ - nhạc sĩ Đỗ Nhuận tham gia biểu diễn tại các chiến dịch lớn như chiến dịch Quang Trung, chiến dịch Tây Bắc hướng về Nà Sản. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đoàn đã có mặt ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt nhất cho đến ngày chiến thắng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn văn công Tổng cục Chính trị có nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô, Nam Định và các vùng lân cận, đón tiếp đồng bào và bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc… Hòa bình được lập lại ở miền Bắc, các nghệ sỹ trong đoàn tiếp tục sáng tác, dàn dựng những tiết mục, chương trình lớn, biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đóng góp vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đoàn cũng nhiều lần đại diện nghệ thuật quốc gia Việt Nam đi biểu diễn, giới thiệu văn hóa Việt Nam ở các nước Đông Âu, châu Âu… được Nhà nước mời biểu diễn ngoại giao, công du và đón các đoàn khách quốc tế.

Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đoàn đã chia thành nhiều đoàn nhỏ, lên đường để phục vụ đồng bào và chiến sĩ tuyến lửa như Quảng Bình, Vĩnh Linh, vào chiến trường Tây Nguyên, Nam Bộ… Với các phương tiện thô sơ như xe đạp, xe thồ để chở các phương tiện kỹ thuật, đảm bảo tính cơ động dã chiến, đâu cần là các nghệ sĩ biểu diễn phục vụ các chiến sĩ, mặc cho bom rơi, mặc đạn nổ, những tiếng hát vẫn át tiếng bom, theo bước chân của quân đội ta trên khắp chiến trường, sang nước bạn Lào, Campuchia phục vụ lực lượng vũ trang và nhân dân nước bạn, cũng là phục vụ bộ đội tình nguyện Việt Nam…

Trong suốt chặng đường phát triển, nhiều tiết mục, tác phẩm nghệ thuật và nhiều tên tuổi nghệ sĩ của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị đã để lại dấu ấn cho nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Đó là các tên tuổi nhạc sĩ như: Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, Huy Du, Khắc Tuế, Nguyễn Đức Toàn, Huy Thục…; các nghệ sĩ Lê Dung, Tường Vy, Bích Việt, Minh Nguyệt, Mạnh Thắng, Linh Nhâm... Đó là các tác phẩm “Chiến thắng Điện Biên” của Đỗ Nhuận, “Việt Nam trên đường chúng ta đi” của Huy Du, “Đường ta đi dài theo đất nước” của Vũ Trọng Hối, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của Nguyễn Đức Toàn, “Tiếng đàn Ta lư” của Huy Thục, “Tiến bước dưới quân kỳ” của Doãn Nho… Rồi các tác phẩm múa “Hoa ban nở” của Minh Tiến, “Vũ điệu chim công” của Ứng Duy Thịnh, “Cờ giải phóng” của Ngọc Canh,... Những bài ca, điệu múa đặc sắc của các nghệ sỹ, chiến sỹ trong đoàn đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng, tạo nên bề dày lịch sử của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, nay là Nhà hát ca múa nhạc Quân đội.

Hiện nay, nhiều chương trình nghệ thuật, tiết mục biểu diễn của Nhà hát ca múa nhạc quân đội đã được dàn dựng công phu, giành được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ hội diễn. Các thế hệ nghệ sỹ - chiến sỹ của nhà hát đã góp phần góp phần làm phong phú đời sống văn hóa - văn nghệ cho người chiến sỹ, và cũng có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của đất nước.

Phương Hà