04:22 08/04/2015

Những ngày đỏ lửa (Tiếp theo và hết)

Trong khi đó, nhiệm vụ thứ hai được đặc biệt chú trọng nhằm giúp các đơn vị và thiết bị vũ khí không thể triển khai tác chiến đúng yêu cầu khắc phục nguyên nhân, trong đó chúng tôi đặc biệt quan tâm tới điều kiện và đặc điểm địa hình nơi đóng quân. T

Trong khi đó, nhiệm vụ thứ hai được đặc biệt chú trọng nhằm giúp các đơn vị và thiết bị vũ khí không thể triển khai tác chiến đúng yêu cầu khắc phục nguyên nhân, trong đó chúng tôi đặc biệt quan tâm tới điều kiện và đặc điểm địa hình nơi đóng quân.

Trên thực tế khu vực mà chúng tôi bố trí phòng thủ luôn nằm dưới vùng hoạt động của máy bay trinh sát và máy bay ném bom Mỹ. Sau mỗi lần Mỹ rải bom, hàng chục cây cầu bắc qua suối và những chiếc phà chở qua sông bị phá hủy khiến cho công tác chuyển quân và vũ khí gặp vô vàn khó khăn. Đầu tháng 2/1967, nhân dịp Việt Nam đón Tết Âm lịch, Mỹ và miền Bắc Việt Nam đã quyết định tuyên bố tạm hòa hoãn trong vài ngày. Tranh thủ dịp này, chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định điều một lực lượng tên lửa phòng không về vùng phi quân sự (vĩ tuyến 17) để mai phục và bất ngờ tấn công kẻ thù khi thời điểm hòa hoãn kết thúc. Nhóm chúng tôi được cử đi theo.

Ông V.D.Danilovich, ngoài cùng bên phải, trong một chuyến trở lại thăm Việt Nam.



Điều kiện ở giới tuyến Bắc -Nam giống như một khu vực cận kề mặt trận. Phần lớn những ngôi nhà ở đây đều bị bom Mỹ phá hủy còn người dân thì sống chủ yếu dưới hầm. Chúng tôi cũng xuống hầm cùng họ. Ở đây hầu như nhà nào cũng có một căn hầm và dưới đó chẳng có gì ngoài khẩu súng trường cùng đạn dược. Nhân dân ở đây đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc quyết đấu không cân sức với kẻ thù đang chiếm đóng miền Nam và bất cứ lúc nào cũng có thể đánh ra ngoài Bắc.

Mặc dù tuyên bố hòa hoãn đón Tết song hỏa tiễn hạng nặng của Mỹ vẫn tiếp tục bắn phá miền Bắc, đồng thời phi công Mỹ tích cực kiêu ngạo tập huấn ném bom chỉ cách nơi chúng tôi trú ẩn chừng 5 - 10km. Sự tự tin thái quá của họ dĩ nhiên sẽ phải trả cái giá đắt mà tôi sẽ mô tả ở phía dưới đây.

Quay trở lại với chuyến hành quân, sau vài ngày nghỉ ngơi ngắn ngủi chúng tôi tức tốc ra khu vực đóng quân. Khi chúng tôi có mặt, các tổ hợp tên lửa phòng không ở đây đã bố trí xong và được ngụy trang khá kỹ. Chúng tôi cẩn thận kiểm tra công tác chuẩn bị kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ. Công tác này được tiến hành cả ngày lẫn đêm vì thời gian hòa hoãn rất ngắn ngủi, trong khi nhiệm vụ đề ra là phải chuẩn bị sẵn sàng trước thời điểm hết hạn ngừng bắn. Nhờ có những nỗ lực phối hợp giữa các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam mà công tác chuẩn bị được thực hiện chu đáo đúng thời hạn đề ra, mọi thông số kỹ thuật của các tổ hợp tên lửa được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.

Sau khi hết thời gian hòa hoãn và chuẩn bị cho một đợt chiến đấu mới, chỉ huy Quân đội nhân dân Việt nam đề nghị chúng tôi rời khỏi khu vực để tránh nguy hiểm. Trước lời từ chối của chúng tôi, vị chỉ huy này ân cần nói: “Các đồng chí đã hoàn thành một phần nhiệm vụ và chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nốt phần còn lại. Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ tính mạng từng cá nhân các đồng chí”.

Chúng tôi còn nhận được sự quan tâm tương tự trong mỗi lần máy bay Mỹ rải bom trên các vị trí phòng thủ và trên các chặng đường hành quân. Về sau này chúng tôi một lần nữa thấy hết được sự nguy hiểm trên chiến trường bởi thời điểm chúng tôi rút ra khỏi vị trí nguy hiểm là lúc chiến sự diễn ra ác liệt nhất. Chúng tôi chỉ hành quân vào ban đêm, dưới vô vàn pháo sáng Mỹ và vượt qua muôn ngàn hố bom chằng chịt. Có khi vừa đi vừa dừng lại nấp vào các gốc cây ven đường hoặc nhảy xuống những con mương để tránh ánh đèn quét của máy bay địch. Rất may mắn chúng tôi vẫn được an toàn.

Vào một đêm khuya, chúng tôi đến bến phà qua một khúc sông có chiều rộng khoảng 500 m. May thay lúc này máy bay Mỹ sau vài giờ điên cuồng ném bom đã quay về căn cứ nên chúng tôi băng qua sông an toàn. Sau khi sang sông, các đồng chí Việt Nam bố trí cho chúng tôi nghỉ ngơi trong một ngôi làng gần đó. Chúng tôi ngủ đêm trên manh chiếu mộc với những thấp thỏm lo âu sau chặng đường vừa trải qua. Sáng hôm sau người dân địa phương cho biết chiếc phà đêm qua chở chúng tôi đã nổ tan tành sau khi vấp phải ngư lôi của địch thả ở cửa sông. Chiếc phà này bị nổ sau khi quay lại chở một đoàn quân khác, và như vậy chúng tôi đã may mắn thoát chết trong gang tấc.

Sau khi nghỉ ngơi vài ngày, chúng tôi được lệnh lên đường trở về nơi đóng quân cố định. Khi chúng tôi đến nơi thì nhận được thông tin tại vĩ tuyến 17 các sỹ quan tên lửa thuộc Trung đoàn 238 lần đầu tiên đã tiêu diệt được máy bay ném bom chiến lược B52 của Mỹ. Qua các báo cáo chúng tôi được biết các tổ hợp tên lửa đã ngụy trang rất tốt, tắt các nguồn phát sóng vô tuyến và thận trọng mai phục. Các phi công Mỹ kiêu căng như tôi đã nói ở trên tưởng rằng vị trí đó an toàn và hùng dũng đưa 3 máy bay B-52 đi vào mà không dùng các thiết bị gây nhiễu. Trung đoàn 238 đã bắn ba quả tên lửa tiêu diệt gọn 3 mục tiêu, trong đó một chiếc rơi trên lãnh thổ Lào, một chiếc đâm xuống biển và chiếc còn lại bị xé toác trên không. Bí quyết thành công ở đây là yếu tố bất ngờ, mai phục đúng chỗ và có vũ khí tốt. Thành công này cũng là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia quân sự Việt - Xô.

Lược dịch: Cao Cường (P/v TTXVN tại LB Nga)