05:09 25/05/2011

Những năm tháng Bác Hồ ở Luân Đôn

Một chiều tháng 5 đầy nắng, chúng tôi có mặt tại nơi trước đây là khách sạn danh tiếng của thủ đô Luân Đôn, nước Anh, khách sạn Carlton, nơi Bác Hồ đã từng làm việc, để kỷ niệm ngày sinh nhật Bác và một thế kỷ Bác dời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Một chiều tháng 5 đầy nắng, chúng tôi có mặt tại nơi trước đây là khách sạn danh tiếng của thủ đô Luân Đôn, nước Anh, khách sạn Carlton, nơi Bác Hồ đã từng làm việc, để kỷ niệm ngày sinh nhật Bác và một thế kỷ Bác dời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Theo bài viết “Hồ Chí Minh ở Luân Đôn” của Tiến sĩ John Callow, Giám đốc Thư viện tưởng nhớ Mác (Karl Marx), Bác Hồ của chúng ta đã làm rất nhiều việc trong thời gian ở Anh, từ cào tuyết trong trường học đến điều khiển hệ thống nước nóng rồi phụ bếp trong một khách sạn nhỏ là Drayton Court ở khu vực West Ealing, gần Quảng trường Soho, Luân Đôn.

Tòa nhà ngày nay được xây dựng trên nền của khách sạn Carlton cũ. Ảnh: Internet


Sau này, nhờ có kinh nghiệm làm việc bếp, Người được nhận vào làm việc rửa bát đĩa ở khách sạn danh tiếng Carlton ở Luân Đôn. Nhờ chăm chỉ và thông minh, một người đầu bếp đã nhận Người vào làm việc ở bộ phận của mình là nấu ăn phục vụ cho những bữa tiệc lớn. Cũng tại đây, Người đã chứng kiến sự xa hoa lãng phí thức ăn của những người giàu có. Những người đồng nghiệp thường thấy Người gói gọn lại những thức ăn thừa, có khi là cả một phần tư con gà và miếng bít tết to tướng, đưa cho nhà bếp để mang cho người nghèo. Người làm việc từ 5 giờ sáng đến trưa và từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối. Nhờ vậy Người có thời gian tìm hiểu về Luân Đôn và học tiếng Anh. Người thường ngồi trong Công viên Hype Park với một cuốn sách và một cái bút chì. Người làm việc không chỉ đơn giản để kiếm sống mà để tìm hiểu rõ bản chất điều gì ràng buộc dân tộc mình và các nước thuộc địa với các nước thực dân.

Tấm bảng tưởng niệm treo trên tòa nhà mới. Ảnh: Internet


Theo ông John Callow, chính trong thời gian ở nước Anh từ 1913-1917, Người đã lần đầu tiên đọc các tác phẩm của Mác và Ănghen (F. Engels). Những năm Người sống ở Anh đã góp phần định hình tư tưởng chính trị của Người. Hồ Chí Minh đã tìm ra và đến với chủ nghĩa Mác, không phải như là một học thuyết mà là lời kêu gọi giải phóng và hành động sáng tạo. Đây là một bước ngoặt trên con đường Người tìm hiểu thế giới và đem về đất nước mình những gì đã thấy được để giải phóng nhân dân mình.

Ông Len Aldis, Chủ tịch Hội Hữu nghị Anh-Việt, người đã dành nhiều công sức để giúp xây dựng bảng tưởng niệm tại nơi Bác Hồ đã từng làm việc, cho biết: Cách khách sạn Carlton trước đây không xa (bây giờ là địa điểm của Đại sứ quán Niu Dilân), là nơi Các Mác ở, còn xa hơn một chút ở ngôi nhà số 37A phố Clerkenwell Green, sau này được xây dựng là Thư viện tưởng nhớ Các Mác năm 1933, có một phòng nhỏ nơi Lê Nin (V.I. Lenin) đã viết 17 số báo Tia sáng.

Đến thăm Luân Đôn khi đi qua công viên Hype Park, quảng trường Soho hay Thư viện Các Mác, vẫn thấy đâu đây hình ảnh Bác Hồ đang đọc sách hay làm việc cần mẫn và suy nghĩ về con đường giải phóng nước nhà.

Ngân Bình (P/v TTXVN tại Anh)