09:09 29/09/2011

Những mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao

Nước lũ thượng nguồn đang đổ về tỉnh Đồng Tháp. Đây là cơ hội cho nhiều hộ dân ở huyện Hồng Ngự đầu tư và mở rộng diện tích nuôi thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi cá trong bè, trong vèo, phát huy lợi thế mùa lũ

Nước lũ thượng nguồn đang đổ về tỉnh Đồng Tháp. Đây là cơ hội cho nhiều hộ dân ở huyện Hồng Ngự đầu tư và mở rộng diện tích nuôi thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn huyện Hồng Ngự có 793 bè, vèo nuôi cá với các loại cá nuôi, nhiều nhất là cá điêu hồng, cá lóc bông, cá bụng… Theo giá thị trường hiện nay, những hộ nuôi cá trong bè, vèo ở huyện Hồng Ngự sẽ có được nguồn thu nhập cao, bình quân lợi nhuận từ 15 – 20 triệu đồng/vèo.

Lồng bè nuôi các loại cá thương phẩm dọc triền sông Hậu thuộc thành phố Long Xuyên (An Giang). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Nhiều hộ nuôi cho biết: Nước lũ đầu nguồn sẽ hạn chế tình hình dịch bệnh cho cá nuôi và cung cấp nguồn thức ăn dồi dào từ thiên nhiên. Ông Nguyễn Văn Bảnh, ấp 2, xã Thường Thới Hậu B, người đã hơn mười năm trong nghề cho biết: Năm nay tận dụng nước lũ về sớm ông thả nuôi 7 bè cá các loại với 16.000 – 17.000 con cá/bè. Mỗi ngày lượng thức ăn tiêu thụ cho cá trên 3 tấn. Năm nay, giá cá ở mức cao, riêng cá điêu hồng hiện được thương lái thu mua với giá 30.000 – 35.000 đồng/kg. Ước tính mỗi bè cá ông thu lợi nhuận từ 15 – 20 triệu đồng/bè, vèo. Nuôi cá điêu hồng trong bè lưới trên sông còn giải quyết được việc làm trong mùa nước lũ. Cá điêu hồng, cá lóc bông, cá bụng trong mùa lũ nuôi mau lớn, nguồn thức ăn tiêu thụ của cá thấp chỉ mất 1,6 đến 1,8 kg thức ăn đã đạt được 1 kg sản lượng cá thương phẩm. Thời gian nuôi cá ngắn, chỉ sau 3 đến 4 tháng cho thu hoạch.

Do giá cá tra rất bấp bênh nên chỉ những hộ nuôi cá tra với quy mô lớn còn tiếp tục duy trì, những hộ nuôi nhỏ lẻ tại huyện Hồng Ngự đã chuyển hướng sang chọn con cá điêu hồng để nuôi, vì đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Không chỉ kỹ thuật nuôi đơn giản hơn so với cá tra mà hiện nay cá điêu hồng cũng đang bán chạy hơn cá tra vì có thị trường tiêu thụ rộng như Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, kể cả thị trường Campuchia.

Nuôi tôm càng xanh trong ao nuôi tôm sú, cách làm mới

Ông Trần Thanh Bình, Phó Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh cho biết: Đã có 191 hộ nông dân của huyện thực hiện mô hình luân canh nuôi tôm càng xanh trên diện tích hơn 120 ha ao nuôi tôm sú, với số lượng thả nuôi hơn 7 triệu con giống. Đây là mô hình đã được Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh và Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện tổ chức nuôi thực nghiệm trong 2 năm qua, cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân thay thế vụ nuôi tôm sú thứ 2 trong năm thường gặp rủi ro thiệt hại rất lớn. Bình quân, 1 ha mặt nước ao nuôi tôm sú luân canh nuôi tôm càng xanh cho lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

Hộ ông Dương Văn Triệu, ở xã Long Hữu 2 năm liền đều nuôi thành công con tôm càng xanh trong ao nuôi tôm sú. Bình quân mỗi năm, ông Triệu thả nuôi khoảng hơn 20.000 con giống tôm càng xanh, trong diện tích 0,6 ha, sau hơn 7 tháng nuôi đạt thu nhập bình quân 70 triệu đồng. Theo ông Triệu, sau khi thu hoạch vụ tôm sú chính vụ, vào khoảng cuối tháng 6 trời mưa nhiều, độ mặn trong ao nuôi tôm sú giảm thấp bắt đầu cải tạo ao và thả con giống tôm càng xanh. Tôm càng dễ nuôi, chi phí thấp hơn rất nhiều lần so với tôm sú và ưu thế là giúp nông dân khai thác có hiệu quả diện tích ao nuôi tôm sú, tránh rủi ro thiệt hại thường gặp từ việc nuôi tôm sú vụ thứ 2 trong điều kiện mùa mưa.

TTN