04:08 26/04/2012

Những lợi ích phía sau hợp tác Nga-NATO tại Ápganixtan

Theo mạng tin "Oil price" ngày 23/4, nhiều sự kiện xảy ra tại Ápganixtan trong những ngày gần đây có ảnh hưởng đến tình hình địa chính trị hơn là bản thân Ápganixtan: Các hoạt động chung chống buôn lậu ma túy Nga - Mỹ...

Theo mạng tin "Oil price" ngày 23/4, nhiều sự kiện xảy ra tại Ápganixtan trong những ngày gần đây có ảnh hưởng đến tình hình địa chính trị hơn là bản thân Ápganixtan: Các hoạt động chung chống buôn lậu ma túy Nga - Mỹ; Nga cho phép NATO sử dụng thành phố Ulyanovsk của mình làm trung tâm vận chuyển các nhu cầu hậu cần cho hoạt động tại Ápganixtan; cả Bắc Kinh và Mátxcơva đều được yêu cầu đóng góp tài chính cho các lực lượng an ninh Ápganixtan.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh NATO - Nga bế mạc ngày 19/4/2012, Nga đã đồng ý cho phép Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) của NATO sử dụng mạng lưới đường sắt của Nga và đường hàng không qua thành phố Ulyanovsk để vận chuyển hậu cần ra vào Ápganixtan. Đặc biệt, thỏa thuận này cũng cho phép NATO thiết lập một trung tâm trung chuyển tại Ulyanovsk, thành phố nằm trên sông Volga và là tuyến đường thuận tiện sang châu Âu. NATO có thể dùng máy bay chở hàng hóa từ Ápganixtan sang Nga, sau đó sử dụng mạng lưới đường sắt của Nga để đưa những hàng hóa này tới châu Âu và ngược lại.


Cuộc họp cấp Tổng tham mưu trưởng Nga – NATO tháng 5/2011 tại Brúcxen – Bỉ. ảnh:internet


Đây là một thỏa thuận quan trọng đối với NATO bởi vì họ không thể dựa vào Pakixtan trong các tuyến đường cung cấp. Tuyến đường cung cấp Pakixtan lâu nay vẫn là một điểm gây mâu thuẫn giữa Pakixtan và NATO. Tuyến đường này vận chuyển 1/3 số thiết bị của ISAF tại Ápganixtan, từng bị tấn công và đóng cửa vài lần. NATO cũng không thể dựa vào tuyến đường phân phối phía bắc đi qua các nước Trung Á. Mỹ đã ký thỏa thuận với các nước Trung Á để vận chuyển các mặt hàng cung cấp ra vào Ápganixtan, nhưng các thỏa thuận này không được thực thi đầy đủ, chẳng hạn Udơbêkixtan đang đòi phí quá cảnh cao hơn. Thỏa thuận với Nga có thể bóp nghẹt sự "tham lam" của Udơbêkixtan.

Nga đang quan tâm đến việc Mỹ rút các lực lượng tại Ápganixtan, nhưng họ cũng quan tâm đến sự ổn định của quốc gia Nam Á này và quan ngại rằng việc rút quân có thể được thực hiện mà không có sự đảm bảo an ninh tại Ápganixtan. Tuy nhiên, quan ngại chủ chốt của Nga và NATO là an ninh năng lượng, một trong những vai trò chính nhưng ít được xác định rõ của NATO. Hoạt động quân sự của NATO tại Ápganixtan đang làm tăng tầm quan trọng của khu vực Caxpi trong lĩnh vực an ninh năng lượng. Phương án nhiều khả năng nhất là NATO, với 30.000 quân vẫn còn ở Ápganixtan sau năm 2014, sẽ triển khai quân dọc theo dự án tuyến đường ống chủ chốt Tuốcmênixtan – Ápganixtan – Pakixtan - Ấn Độ (TAPI) trị giá 7,6 tỷ USD, mặc dù người ta đang nghi ngờ khả năng thành công của dự án này.

NATO đang có nguy cơ bị coi là theo đuổi một chính sách an ninh năng lượng quân sự, có thể cản trở những nỗ lực hướng tới sự hợp tác an ninh đối với các vấn đề xuyên quốc gia đang đe dọa Nga, cũng như các nước NATO như khủng bố và buôn lậu ma túy. Mặc dù an ninh năng lượng và chính trị liên quan đến Ápganixtan và khu vực Caxpi vẫn là những vấn đề mâu thuẫn chủ chốt giữa Nga và NATO, nhưng chống buôn lậu ma túy đang trở thành một nền tảng vững chắc cho hợp tác. Trong năm qua, các cơ quan đặc biệt của Mỹ và Nga đã thực hiện các hoạt động chung chống ma túy tại Ápganixtan và kết quả của những chiến dịch này sẽ được công bố tại hội nghị chống ma túy song phương vào tháng 5/2012 tại thành phố St. Petersburg.

Còn Trung Quốc thì sao? Mặc dù Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasumssen đã tuyên bố với báo giới sau hội nghị thượng đỉnh Nga-NATO rằng "chúng tôi sẽ hoan nghênh những đóng góp tài chính từ Nga, Trung Quốc và các nước khác để đảm bảo một lực lượng an ninh Ápganixtan vững mạnh sau năm 2014", nhưng đề nghị này dường như sẽ không được Trung Quốc chấp nhận.


Thanh Hoa
(P/v TTXVN tại Canađa)