07:08 05/07/2012

Những lễ hội mới: Hiệu quả đến đâu?: Bài 1: Những tác động tích cực

Trong khoảng chục năm trở lại đây, nhiều vùng, miền đã tổ chức các lễ hội mới nhằm quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch để thu hút du khách. Việc tổ chức loại hình lễ hội mới này thường đòi hỏi chi phí rất cao, cả về tiền bạc, thời gian và công sức.

Trong khoảng chục năm trở lại đây, nhiều vùng, miền đã tổ chức các lễ hội mới (hay còn gọi là festival, liên hoan) nhằm quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch để thu hút du khách. Việc tổ chức loại hình lễ hội mới này thường đòi hỏi chi phí rất cao, cả về tiền bạc, thời gian và công sức. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là hiệu quả đến đâu?


“Lễ hội mới” là thuật ngữ chung được các nhà nghiên cứu về văn hóa dùng để gọi các festival, các lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch... đang nở rộ trong thời gian gần đây, gây chú ý của cộng đồng và các nhà quản lý. Tuy nhiên, trong một số cuộc hội thảo mới đây, nhiều người có ý kiến phải có thống kê và đánh giá tổng thể về loại hình này.


 

Quang cảnh Lễ khai mạc Festival Huế 2012. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

 

Trong các lễ hội mới tạm chia thành 2 loại: Loại lễ hội nhằm quảng bá thu hút khách du lịch và lễ hội mang tính chất xúc tiến thương mại dựa trên thế mạnh nổi trội của địa phương như lễ hội hạt điều, lễ hội lúa gạo… Thời gian gần đây, lễ hội hướng tới quảng bá du lịch tổ chức định kỳ được truyền thông nhắc đến nhiều như: Festival Huế, Festival Carnaval du lịch Hạ Long, Festival pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival hoa Đà Lạt, lễ hội về nguồn ba tỉnh Lào Cai- Yên Bái- Phú Thọ… Đây là những lễ hội có tính quảng bá rộng được nhiều người biết đến.


Bên cạnh đó còn có tới hàng trăm, hàng nghìn sự kiện khác, ở quy mô hẹp hơn nhưng vẫn được gom chung vào cái tên “lễ hội” và đính kèm vào mục đích luôn có câu “thúc đẩy phát triển du lịch địa phương”. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phải thốt lên, giờ các địa phương đua nhau tổ chức lễ hội mới, và họ đều khoác cái áo là “để thu hút du lịch”. Gần như năm nào, tỉnh, thành nào cũng tổ chức lễ hội mới, đến mức nhiều người sau một thời gian không nhớ nổi tên lễ hội và thời điểm tổ chức.


Xét ở góc độ thu hút khách, chỉ có một vài lễ hội thường xuyên làm định kỳ, khai thác yếu tố lạ và truyền thống của địa phương là có tác dụng thu hút được khách du lịch.


 

Lễ rước Thành hoàng làng gốm Thổ Hà xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

 

Khai thác yếu tố “lạ” trong du lịch điển hình là Festival pháo hoa Đà Nẵng. Có thể thấy, vào dịp bắn pháo hoa, hàng nghìn khách từ nhiều nơi kéo về Đà Nẵng xem bắn pháo hoa. Đại diện Hanoi Redtour cho biết: Lượng khách đặt tour dịp bắn pháo hoa tại Đà Nẵng luôn cao và khó đáp ứng nổi nhu cầu do lượng chỗ đường hàng không, tàu hỏa có hạn. Người dân thích xem pháo hoa, lại là pháo hoa nghệ thuật thì càng hấp dẫn. Tuy nhiên “lạ” sau nhiều năm tổ chức cũng thành “quen” và điều này trong thời gian tới cần có sự đổi mới để vẫn duy trì được sự hấp dẫn.


Nổi trội trong việc khai thác yếu tố mang tính truyền thống của địa phương là Festival hoa Đà Lạt. Thế mạnh trồng hoa đang được Đà Lạt định hình thành một sản phẩm du lịch bên cạnh việc nghỉ dưỡng. Nhiều người bây giờ biết đến Đà Lạt là một thành phố của những loại hoa mới và lạ dùng cho xuất khẩu. Du khách đến Đà Lạt còn có dịp thưởng thức nhiều loại hoa nghệ thuật chỉ có ở nơi đây.


Bên cạnh đó là Lễ hội về nguồn của 3 tỉnh Lào Cai- Yên Bái- Phú Thọ khai thác yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc. Tuy nhiên nhìn nhận một cách tổng thể, yếu tố thành công nhất của các lễ hội này là hoạt động quảng bá mang tính quần chúng. Hầu hết các festival này đều mang tính sân khấu diễn để truyền hình trực tiếp nên ở khía cạnh nào đó mang tính giải trí được nhiều người biết. Hơn nữa lại làm định kỳ và nhằm vào khoảng thời gian trước mùa du lịch để lôi cuốn sự chú ý của nhiều người. “Tuy nhiên, để người ta nhớ thì cần phải chuyên nghiệp hơn, có sự phân lọc từng đối tượng để hướng tới”, chị Tuyết Minh, đại diện HG travel cho biết.


Còn về mặt xã hội, một số lễ hội mới được du nhập từ nước ngoài vào phản ánh sự giao lưu văn hóa; đồng thời cũng thể hiện những cái nhìn mới của giới trẻ. Thực tế, một số lễ hội hiện nay như Valentine, Noel, Halloween… đã được coi như một phần trong sinh hoạt văn hóa, tinh thần và được một số khách sạn, điểm lưu trú vận dụng để thu hút khách.


“Lễ hội mới du nhập vào Việt Nam chỉ tồn tại được khi dựa trên truyền thống bản địa và chỉ như vậy mới có chỗ đứng trong đời sống xã hội. Đó mới là cái hấp dẫn khách. Thực tế, với xu thế xã hội hóa tổ chức lễ hội, chỉ có vài lễ hội mới đủ sức trụ lại được trong việc quảng bá thu hút khách du lịch”, ông Vũ Thế Bình nhận xét.

 

Xuân Cường
Bài 2: Còn nhiều trắc trở