08:08 25/08/2011

Những ký ức khó quên của vị Trợ lý Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhân kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và mừng Đại tướng tròn 100 tuổi, Tin Tức Cuối tuần xin giới thiệu hồi ức của Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên Trợ lý của Đại tướng Tổng Tư lệnh từ năm 1950 đến năm 1975.

LTS: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy”, sự nghiệp quân sự của Đại tướng lừng lẫy cả trong và ngoài nước. Đại tướng còn là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc của Đảng và Nhà nước ta. “Văn lo vận nước văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân võ hóa Văn”. Là Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ Lâm thời gồm 15 thành viên ra mắt quốc dân ngày 2/9/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những “Bộ trưởng khai quốc” còn tại thế, tròn 100 tuổi.Đó không chỉ là niềm hạnh phúc của Đại tướng và gia đình mà còn là niềm vui chung của cả nước.
Nhân kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và mừng Đại tướng tròn 100 tuổi, Tin Tức Cuối tuần xin giới thiệu hồi ức của Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên Trợ lý của Đại tướng Tổng Tư lệnh từ năm 1950 đến năm 1975.



       Đại tá Hoàng Minh Phương.

Trong ngày mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi tại TP.HCM, Đại tá Hoàng Minh Phương - 84 tuổi, Phó Ban Thường trực Ban Liên lạc Chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP.HCM - đã xúc động tâm sự: “Đây không chỉ là niềm hạnh phúc lớn của Đại tướng và gia đình, mà còn là niềm vui lớn của cựu chiến binh, những người từng chiến đấu và chiến thắng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Hồ Chủ tịch, dưới sự chỉ huy tài ba của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp…”.

Những ký ức khó quên

Đại tá Hoàng Minh Phương kể, ông bắt đầu làm trợ lý cho Đại tướng từ Chiến dịch Biên giới (1950), khi mới 22 tuổi. Sau Đại thắng Mùa xuân 1975, ông chia tay với vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Với quãng thời gian trên, Đại tá Hoàng Minh Phương đã có rất nhiều kỷ niệm, ký ức khó quên về Đại tướng. Một trong những kỷ niệm và hồi ức khó quên nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Có thể nói, đối với chiến sĩ Điện Biên Phủ, ân tình của Đại tướng càng sâu nặng. Vì nếu không có quyết định cực kỳ sáng suốt, dũng cảm, đầy tinh thần trách nhiệm của vị Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy Trưởng chiến dịch năm xưa, kịp thời hoãn cuộc tiến công chiều 26/1/1954, từ chủ trương “Đánh nhanh thắng nhanh” chuyển sang “Đánh chắc tiến chắc”, thì đã không có một chiến thắng “chấn động địa cầu”- Đại tá Hoàng Minh Phương xúc động kể lại.

Mặc dù không còn làm trợ lý cho Đại tướng, nhưng mỗi lần Đại tướng vào TP.HCM, Đại tá Hoàng Minh Phương lại có dịp trợ giúp cho "người anh cả". Cách đây 20 năm, Đại tá Hoàng Minh Phương đã may mắn được Đại tướng kể về thời niên thiếu của ông mà ít ai được biết: “Tôi sinh ngày 25/8/1911, trong một gia đình trung nông lớp dưới ở xã An Xá, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nay gọi là thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Cha là Võ Quang Nghiêm, vừa dạy học vừa làm ruộng, cấy cày trên 2,5 mẫu công điền, cứ 3 năm xã chia lại một lần. Là một nhà nho yêu nước, đêm đêm, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu, cha thường đọc bài về “Thất thủ kinh đô”, tỏ lòng cảm phục Tôn Thất Thuyết, căm ghét Nguyễn Văn Tường. Mẹ tôi là Nguyễn Thị Kiên, cháu của một lãnh binh Cần Vương yêu nước. Bà thường kể tôi nghe cảnh chạy loạn sâu trong dãy ngàn sơn mỗi khi có giặc Tây ruồng bố. Lời của mẹ cha đã gieo vào tôi lòng yêu nước và ghét Tây từ nhỏ. Lên bốn, năm tuổi, cha đã cho học cuốn “Ấu học tân thư”, được xuất bản thời vua Duy Tân, học “Vè Bà phó” trong có đoạn “Trấn thủ lưu đồn” – Đại tướng đã kể như vậy.

Cũng theo lời kể của Đại tá Phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi vào Huế học, ông đã bỏ chữ Nguyên cho gọn, chỉ ghi là Võ Giáp. Khi bị bắt vào tù, mật thám Pháp cũng ghi tên phạm nhân là Võ Giáp. Sau này khi cha của ông biết được, bèn gọi về la mắng, yêu cầu ông phải giữ chữ lót là Nguyên... Rồi những năm mất mùa đói kém, nhà ông phải đi vay thóc về giã mới có ăn. Sau mùa gặt hái, ông cùng mẹ đi trả nợ, bị địa chủ Bá Hai ở Mỹ Lộc buộc phải đem thóc ra quạt mạnh cho bay hết hạt lép, cuối cùng chỉ còn lại hai phần ba. Nhà nghèo lại càng nghèo, khiến lòng ông vô cùng căm uất…

Những câu chuyện kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thời niên thiếu đã giúp Đại tá Hoàng Minh Phương rút ra nhiều điều: “Đó là lòng yêu nước được mẹ cha hun đúc từ thuở ấu thơ, là tinh thần khắc phục khó khăn, ham mê học tập của con nhà nghèo cộng với trí thông minh, đặc biệt để không ngừng vươn lên, có học vấn ngày càng cao, phục vụ cách mạng ngày càng hiệu quả!”. Chính vì vậy, thời kỳ được Bác Hồ giao nhiệm vụ và hoạt động ở Trung Quốc rồi về nước xây dựng cơ sở cách mạng ở Cao Bằng, tiến tới thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, chuẩn bị và tham gia cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mọi người đều thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương của một trí thức yêu nước đã không quản ngại gian khổ khó khăn, hòa mình với nhân dân các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng, Bắc Kạn; học tiếng các dân tộc, “ba cùng” với đồng bào để tuyên truyền vận động cách mạng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sớm có mặt ở mặt trận Nha Trang và Tây Nguyên từ cuối năm 1945 để chỉ đạo việc chuyển hướng từ đánh trận địa sang đánh du kích. Cuối năm 1946, trong tình huống địch đã đóng quân xen kẽ với ta ở nhiều nơi trước giờ nổ súng, Đại tướng đã chỉ đạo quân và dân Thủ đô kiềm chân quân địch 60 ngày đêm để cho toàn quốc đủ thời gian chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng và Chính phủ dời lên Việt Bắc an toàn.

Trong thời kỳ chống Mỹ, bản lĩnh Võ Nguyên Giáp thể hiện trước hết ở chỗ không hề có ảo tưởng hòa bình sau Hiệp định Genève, sớm tiếp thu tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chủ tịch là: “Thắng lợi lớn, nhưng mới chỉ là bước đầu, chúng ta còn phải đánh Mỹ!”.

Vị tướng khác biệt so với thế giới

Theo Đại tá Hoàng Minh Phương, khác với nhiều vị Tổng Tư lệnh khác trên thế giới, thường được giao nhiệm vụ thống lĩnh toàn quân khi quân đội ấy đã được tổ chức từ lâu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại có trách nhiệm lớn là xây dựng và chỉ huy quân đội từ ngày đầu thành lập, từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh. “Có thể thấy, Đại tướng đã dìu dắt một đội quân du kích với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ, từng bước lớn lên thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp đó, đã phát triển thành quân đội cách mạng chính quy hiện đại gồm nhiều binh quân chủng hợp thành, với những sư đoàn, quân đoàn hùng mạnh, quân số có lúc lên tới hơn 1 triệu rưỡi người để đi đến một Mùa xuân toàn thắng!”- Đại tá Hoàng Minh Phương tự hào kể lại.

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy Đoàn 559 Đặng Tính nói chuyện tại một lán rừng Truờng Sơn (3/1973).

Một điểm khác biệt nữa của Đại tướng là trước khi đảm nhận trọng trách của Đảng và nhân dân giao phó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà giáo, chưa trải qua một học viện hay trường lớp quân sự nào như Tổng tư lệnh quân đội nhiều nước khác. Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo – nguyên Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên cũng đã từng nói với phóng viên báo Quốc tế (1981): “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa đảm bảo thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất…”.

Ngoài ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một Tổng tư lệnh “Văn võ song toàn”, mà còn là một người chỉ huy “Đức tài trọn vẹn”, được sự tin yêu và ngưỡng mộ hầu như tuyệt đối của toàn quân và toàn dân, sự kính trọng của nguyên thủ quốc gia nhiều nước và bạn bè quốc tế. Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại có hạnh phúc lớn là người sống lâu nhất trong những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng và quân đội ta kể từ thời kỳ Tiền khởi nghĩa cho đến nay.

Với niềm vui Đại tướng Võ Nguyên Giáp “vượt trăm xuân”, thay mặt cho hơn 350 chiến sĩ Điện Biên Phủ có mặt tại buổi họp mặt ngày 20/8/2011 tại TP.HCM, Đại tá Hoàng Minh Phương đã gửi thư chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. "Kính chúc Đại tướng duy trì được sức khỏe để sống lâu hơn nữa cùng con cháu và chứng kiến những đổi thay của đất nước", bức thư viết.

Trước những tình cảm của các chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa dành cho cha mình, thứ nữ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Hòa Bình, không khỏi xúc động và xin cảm ơn tấm lòng sâu nặng của mọi người dành cho Đại tướng. Bà Bình kể: "Buổi sáng, trước khi bay vào TP.HCM, cháu có thăm ba cháu và có báo với ba là sẽ vào Sài Gòn dự buổi họp mặt của các cô, các chú mừng ba 100 tuổi. Ba có nói ba gửi lời hỏi thăm mọi người. Nhận được giấy mời cuộc họp mặt, mẹ cháu cũng đã rất cảm động, nhưng do tình hình sức khỏe nên không thể vào tham dự...”.

Bà Võ Hòa Bình (con gái Đại tướng) nhận bức tranh các cựu chiến binh gửi tặng Đại tướng.


Theo bà Bình, trong hồi ức về thời kỳ chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nói với bà: “Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên mặt trận”. Vì thế, những khi gặp mặt các cựu chiến binh và chiến sĩ, đồng bào những năm gần đây, Đại tướng cũng thường nói: “Chúng ta gặp nhau ở đây là quý lắm rồi”, và lúc nào ông cũng nhớ tới những người đã hi sinh, đã góp phần trong chiến thắng nhưng lại không có mặt trong chiến thắng. “Và hôm nay, có mặt tại cuộc gặp mặt mừng Đại tướng 100 tuổi, cháu càng thấm thía rằng, “bách chiến bách thắng của quân đội ta” đã bắt nguồn từ tình yêu đất nước, yêu nhân dân, từ những tấm lòng sắt son như một của những đồng chí, đồng đội đã trải qua rất nhiều hi sinh, gian khó, gian truân trước khi giành được chiến thắng. Đó cũng là những tài sản quý giá mà những lớp người đi trước đã để lại cho những thế hệ kế tiếp, chúng cháu sẽ cố gắng giữ gìn và truyền lại cho lớp sau những giá trị quý báu ngàn đời đó” – bà Bình xúc động nói.

Hải Yên