04:09 02/04/2011

Những "góc khuất"của đại học tư thục

Mô hình trường Đại học (ĐH) tư thục ở Việt Nam đã bắt đầu được hình thành hoặc chuyển đổi từ dân lập sang. Nhưng sự mập mờ trong quy chế đã dẫn đến tình trạng mỗi trường làm một kiểu, thậm chí nhiều trường còn bị “bán” một cách công khai.

Mô hình trường Đại học (ĐH) tư thục ở Việt Nam đã bắt đầu được hình thành hoặc chuyển đổi từ dân lập sang. Nhưng sự mập mờ trong quy chế đã dẫn đến tình trạng mỗi trường làm một kiểu, thậm chí nhiều trường còn bị “bán” một cách công khai. Những "góc khuất" này đã được nhiều ý kiến đưa ra tại hội thảo “Mô hình ĐH tư thục ở Việt Nam” do Hiệp hội các trường ĐH và CĐ ngoài công lập tổ chức.

Như một công ty

Với Quyết định 61 năm 2009 về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục của Thủ tướng Chính phủ (hay còn gọi là Quy chế 61), nhiều trường quan tâm là làm sao “hòa thuận” giữa nhà giáo dục và chủ đầu tư. Do không có một quy chuẩn cụ thể nào nên mỗi trường “tư thục” theo một kiểu. Điều này là rào cản cho sự phát triển của các trường tư thục.

GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết, trong suốt 15 năm thành lập, các cổ đông góp vốn được nhà trường trả lãi hàng tháng cao hơn mức lãi suất ngân hàng quy định. Người góp nhiều vốn hay ít vốn cũng chỉ được 1 “phiếu” (bầu bán) giá trị như nhau.

Giới thiệu đề tài nghiên cứu khoa học của Đại học dân lập Phương Đông. Ảnh: Đình Trân – TTXVN


Nhưng không phải trường nào cũng có được sự thống nhất như vậy. TS Đăng Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH Chu Văn An cho biết, hiện nay đang có sự tranh chấp quyết liệt về quyền sở hữu. Người sẵn tiền tìm cách thâu tóm quyền sở hữu góp vốn. Nhà sáng lập, nhà giáo vốn không nhiều tiền bị loại dần khỏi trường. Vì vậy, vai trò quản trị nhà trường của đội ngũ nhà sáng lập, nhà giáo, nhà khoa học mất dần.

Theo ông Định, nguyên nhân của tình trạng này là do một số quy định pháp lý mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn Luật Giáo dục quy định “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích lợi nhuận”, nhưng một số văn bản dưới luật lại vô tình làm cho quy định này không đi vào cuộc sống (ví dụ như quy chế trên gần như coi trường ĐH tư thục như một doanh nghiệp) .

Tình hình ở các trường phía Nam cũng không suôn sẻ hơn. Theo nhận định của GS Phạm Phụ, có những trường quy định "cổ đông" phải có một số vốn nhất định thì mới được một “phiếu” hay được một vị trí trong hội đồng quản trị. Thậm chí, GS Phụ còn cho biết hiện ở TP.HCM có trường đã bị “mua đứt bán đoạn” một cách không thương tiếc.

Khó có ĐH tư thục phi lợi nhuận ở Việt Nam

Theo GS Phạm Phụ, ở nước ta vẫn chưa có cơ chế trường ĐH “không vì lợi nhuận” và càng không có cụm từ “vì lợi nhuận”. Do đó, nhiều trường ĐH ngoài công lập vẫn khăng khăng cho rằng mình hoạt động phi lợi nhuận. Sự mập mờ trong quy chế đã khiến các trường tư thục hiện nay không khác gì các công ty TNHH, ai nhiều vốn thì thắng. Chính vì vậy mới có chuyện mua trường, bán trường như hiện nay. Người ta bán trường vì sợ khi quy chế đã minh bạch, một phần vốn sẽ không được chia chác, khiến nhà đầu tư bị thiệt. Trong cuộc cạnh tranh này, các nhà giáo dục thường bị lép vế. Vì họ không có nhiều tiền.

“Việt Nam khó có thể xây dựng một trường ĐH tư phi lợi nhuận. Ở nước ngoài thường có chuyện cho, tặng và vốn đó được đưa vào để kinh doanh. Như vậy mới có thể hoạt động phi lợi nhuận. Chỉ có thể xây dựng mô hình trường tư “nửa vì lợi nhuận” hay trường có “lợi nhuận thích hợp”. Theo mô hình này thì sẽ khống chế lợi nhuận của cổ đông góp vốn. Lợi nhuận của trường sẽ chia lãi theo tỷ lệ lãi suất ngân hàng, còn lại sẽ là tài sản sở hữu cộng đồng” – GS Phạm Phụ nhận định.

GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Thăng Long bày tỏ, theo Quy chế 61, quyền lực nằm ở Đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị. Họ là những nhà đầu tư, chủ sở hữu (một phần) trường. Còn nhà giáo dục là đội ngũ giảng viên và một phần trong hội đồng quản trị nhưng thường nhà giáo dục không có vốn lớn, nên tiếng nói theo Quy chế 61 đều không lớn. Mâu thuẫn nằm ở hội đồng quản trị, nơi có nhà giáo dục và nhà đầu tư. Nhà giáo dục thì muốn giáo dục và khoa học phát triển tốt, còn nhà đầu tư thì phải xem hầu bao còn hay đã vơi đi… Cứ thế hàng bao nhiêu cuộc họp không giải quyết được vấn đề.

Lê Vân