05:11 08/05/2014

Những đề tài khoa học từ trường đại học

Những đề tài, sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ của học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ hiện nay mang tính ứng dụng cao. Nhiều sản phẩm khai thác các tiềm năng ở khu vực miền núi, vùng cao được triển khai rộng khắp phục vụ đồng bào khu vực này.

Những đề tài, sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ của học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ hiện nay mang tính ứng dụng cao. Nhiều sản phẩm khai thác các tiềm năng ở khu vực miền núi, vùng cao được triển khai rộng khắp phục vụ đồng bào khu vực này.


Phát huy vốn quý dân tộc


Thừa hưởng kinh nghiệm nghiên cứu trong quá trình điều tra, tìm hiểu các bài thuốc dân tộc của người Dao Thái Nguyên và dân tộc Dao nói chung trên cả nước, tập thể giảng viên và sinh viên ngành Khoa học sự sống, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên đã cho ra đời sản phẩm: “Bột tắm thảo dược trẻ em” và “bột ngâm chân” với nhiều tính năng ưu việt.


Nhằm phát hiện, bảo tồn các loài cây dược liệu quý để xây dựng Hà Giang trở thành vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu quốc gia, nhiều mô hình sản xuất đã được thử nghiệm trên cao nguyên đá. Ảnh: Minh Tâm - TTXVN

 

Giảng viên Lê Thị Thanh Hương, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Trong cộng đồng các dân tộc ở miền núi, bên cạnh các dạng thuốc truyền thống thường gặp như thuốc sắc, rượu thuốc, cao thuốc để uống, thuốc đắp bó gẫy xương…, còn có những bài thuốc tắm của người Dao. Việc sử dụng cây cỏ để làm thuốc là truyền thống từ rất xa xưa, là một nét đẹp trong y học gia truyền của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.


Bài thuốc tắm dựa trên một số cây thuốc cơ bản và gia giảm tùy mục đích sử dụng. Điều này làm cho thuốc tắm của người Dao rất đa dạng. Thuốc tắm có loại dùng để chữa các bệnh đau nhức cơ, xương, khớp, cảm cúm, ngứa, táo bón, đinh nhọt; hoặc để tăng cường thể lực cho phụ nữ sau khi đẻ, hoặc người sau khi ốm. Người lao động nặng nhọc, mệt mỏi, sau khi tắm thấy cơ thể nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái, sức khỏe được hồi phục.

Sản phẩm của các nhà khoa học trẻ đã kết tinh những tính năng ưu việt của vị thuốc tắm truyền thống, được đầu tư để tăng tính tiện dụng cho người sử dụng. Sản phẩm được tăng cường một số loại cây cỏ có chứa tinh dầu, khi sử dụng sẽ tạo cảm giác sảng khoái, tạo giấc ngủ ngon cho trẻ. Sản phẩm ở dạng túi lọc tạo sự tiện lợi cho người sử dụng.


Đến nay, hai sản phẩm: “Bột tắm thảo dược trẻ em” và “Bột ngâm chân” đã được ban lãnh đạo Đại học Thái Nguyên nhất trí phát triển theo hướng sản phẩm kinh doanh của nhà trường, từ đó mở ra hướng đi mới cho một sản phẩm ứng dụng mang ý nghĩa bảo tồn và phát huy giá trị dân tộc Việt.


Phần mềm đào tạo trực tuyến đầu tiên của Việt Nam


Giảng viên trẻ Hoàng Đức Mạnh, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên cho biết: Lần đầu tiên, một chương trình đào tạo trực tuyến đã được người Việt Nam nghiên cứu và triển khai. Đề tài hiện đã được ứng dụng cho công tác đào tạo phục vụ phát triển nông lâm nghiệp của tỉnh Điện Biên.


Anh Hoàng Đức Mạnh, chia sẻ: Đây là một chương trình đào tạo trực tuyến, cho phép giảng viên và học viên có thể trao đổi thông tin và các bài học với nhau; hiện trên thị trường phần mềm Việt Nam chưa có sản phẩm nào do người Việt Nam xây dựng nên. Đây là phần mềm đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực này.


Hệ thống đào tạo trực tuyến này được vận hành qua 3 đối tượng tương tác gồm: Người quản trị hệ thống, chịu trách nhiệm đưa ra các bài giảng, các chủ đề, khóa học; giảng viên, người tạo ra các bài học, cung cấp các tài liệu dạng văn bản, đa phương tiện và cuối cùng là học viên, người đăng ký học trên website. Do đây là phần mềm tương tác trực tiếp giữa học viên và giảng viên nên việc đánh giá chất lượng dạy và học của giảng viên và học viên rất dễ dàng và kịp thời. Giảng viên thông qua những buổi dạy trực tuyến sẽ hiểu được học viên của mình đang thiếu hụt những kiến thức gì, từ đó đưa ra kiến thức để bù đắp kịp thời.


Với những tính năng ưu việt của sản phẩm phần mềm dạy và học trực tuyến đầu tiên của người Việt, giảng viên trẻ Hoàng Đức Mạnh mong muốn sản phẩm sẽ được ứng dụng không chỉ ở ngành nông lâm nghiệp mà còn có thể phát triển trên các lĩnh vực khác như y tế, quốc phòng hoặc các hội nghị trực tuyến trên khắp cả nước.


Xử lý nước thải bằng cám gạo và đất sét


Với đề tài “Nghiên cứu chế tạo phóng sinh học trong việc xử lý nước thải sinh hoạt”, sinh viên Trương Thị Nhàn, K42, Khoa học môi trường, Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã thành công trong việc thử nghiệm xử lý nước thải sinh hoạt ở ký túc xá Đại học Thái Nguyên.


Sinh viên Trương Thị Nhàn lý giải: “Được gọi là phóng sinh học do sản phẩm được tạo hình tròn, với các nguyên liệu là cám gạo, đất sét, phụ phẩm đất và chế phẩm EM, là chế phẩm sinh học tập hợp hơn 80 chủng vi sinh vật khác nhau, trong đó có 5 loài vi sinh vật kỵ khí và hiếu khí thuộc các nhóm: Vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, nấm men, nấm mốc, xạ khuẩn sống cộng sinh trong cùng môi trường. Các nguyên liệu này sau khi được tạo hình tròn sẽ lên men và được xử lý vi khuẩn trong nước thải dựa vào cơ chế bám dính của đất sét. Lượng vi sinh vật trong sản phẩm sẽ lấy thức ăn trong nước thải và làm sạch mùi hôi của nước. Chế phẩm EM có thể thay thế bằng vỉ đường hoặc mật mía. Người dân có thể dễ dàng thực hiện tại gia đình.


Nhàn chia sẻ: “Tìm hiểu trên mạng và qua thực tế nghiên cứu, em biết có một số nhóm sinh viên đã dùng cám gạo để điều chế ra nước rửa bát. Trong dân gian, khi hết nước rửa bát, người dân thường dùng nước vo gạo ngâm bát đũa cho sạch dầu mỡ… Đất sét trong thực tế rất dễ kiếm và có khả năng hấp thụ các kim loại và có độ bám dính tốt. Đặc biệt, chế phẩm EM cũng đã được Đại học Nông lâm Thái Nguyên điều chế và sử dụng thử nghiệm làm đệm lót sinh học hoặc làm sạch mùi hôi bồn cầu, rãnh nước. Tuy vậy, chưa có một chế phẩm sinh học nào kết hợp các nguyên liệu này. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã tập hợp và thử nghiệm trên các nguyên lý khác nhau và bước đầu đã cho kết quả khả quan”.


Hiện nay, đề tài “Nghiên cứu chế tạo phóng sinh học trong việc xử lý nước thải sinh hoạt” đã được nghiệm thu và sẽ được tham gia Giải nghiên cứu khoa học cấp trường. Đề tài này rất cần được nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề xử lý nước thải để có thể ứng dụng với nhiều mô hình khác nhau, thử nghiệm và phân tích nhiều chỉ tiêu hơn đối với nhiều loại nước thải khác nhau để tính đến hiệu suất xử lý.

 

Nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học để phát triển bền vững

Để vùng Tây Bắc phát triển bền vững cần phải có chương trình khoa học trọng điểm “Nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học, mô hình và giải pháp phát triển bền vững vùng Tây Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo chương trình này, Tây Bắc sẽ có quy hoạch tổng thể (vùng, liên vùng, ngành, liên ngành) phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Xây dựng thử nghiệm và chuyển giao một số mô hình trình diễn trên cơ sở tích hợp, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển các công nghệ phù hợp. Phát triển, ứng dụng và chuyển giao một số hệ thống công nghệ phù hợp với mô hình phát triển vùng Tây Bắc. Chuyển giao một số mô hình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển vùng Tây Bắc.

Ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc

Hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông các tỉnh vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Để thu hút các nhà đầu tư đến với Tây Bắc thì giao thông là vấn đề quan trọng. Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã hoàn thành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển giao thông - vận tải đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Trước mắt, năm 2015 sẽ đầu tư 3 tuyến giao thông trọng điểm là Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên và Hà Nội - Hòa Bình, phấn đấu đến năm 2015, 100% các xã vùng Tây Bắc có đường ô tô đến trung tâm. Tuy nhiên, khi nguồn vốn để đầu tư phát triển giao thông hiện nay còn hạn hẹp, thì các địa phương cần thực hiện tốt công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng công tác bảo trì, bảo dưỡng; thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với chủ đầu tư - đơn vị giám sát - đơn vị thi công để các dự án đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng.

Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải


Thu Phương