01:15 01/01/2015

Những dấu ấn thể thao Việt Nam năm 2014

Một năm đi qua, thể thao Việt Nam có không ít sự kiện, vấn đề đáng mừng và đáng suy ngẫm.

Một năm đi qua, thể thao Việt Nam có không ít sự kiện, vấn đề đáng mừng và đáng suy ngẫm.

Ấn tượng Asiad

Asiad là sự kiện đáng nói nhất của thể thao Việt Nam năm 2014. Tại Asiad 17, đoàn thể thao Việt Nam có những cái tên rất ấn tượng như: Quách Thị Lan, Phan Thị Hà Thanh, Nguyễn Thị Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn... Tuy không đạt được vị trí cao nhất, song họ đã thi đấu bằng tất cả nội lực và tâm huyết, bản lĩnh và sự can trường. Trên đường đua 400 m nữ, Quách Thị Lan đã sải những bước chân mạnh mẽ và cán đích thứ 2. Tài năng trẻ 19 tuổi của điền kinh Việt Nam đã khắc phục được điểm yếu về thể lực và đạt được thành tích cao nhất từ trước đến nay của chính mình, giành HCB.

Dương Thúy Vy (giữa) đoạt HCV duy nhất cho Đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 17. Ảnh: Hữu Quý - TTXVN


Tấm HCB của lực sỹ cử tạ Thạch Kim Tuấn đồng thời cũng phá kỷ lục Asiad và 2 kỷ lục thế giới trẻ châu Á, chỉ đứng sau đối thủ CHDCND Triều Tiên (người phá kỷ lục thế giới). Trên đường đua xanh, Nguyễn Thị Ánh Viên cũng xuất sắc mang về một HCĐ quý giá ở nội dung 400 m hỗn hợp - tấm huy chương bơi lội đầu tiên của TTVN ở đấu trường châu lục.

Đây là kỳ Asiad mà TTVN đạt nhiều huy chương nhất, với tổng cộng 36 huy chương các loại. Nhiều người nhắc đến hai tấm HCĐ môn bơi lội của kình ngư Ánh Viên với sự tự hào. Sau rất nhiều năm chờ đợi, bơi lội Việt Nam liên tục vượt ngưỡng nhờ sự tỏa sáng của kình ngư sinh năm 1996. Trước đó, Ánh Viên đoạt HCV Olympic trẻ thế giới cự ly 200 m hỗn hợp cá nhân nữ.

Tấm HCĐ của Ánh Viên tại Asiad 17 rất có ý nghĩa với thể thao Việt Nam.  Ảnh: TTXVN

Các môn thể thao thuộc hệ thống thi đấu Olympic như thể dục dụng cụ, rowing, bắn súng, đấu kiếm, boxing, xe đạp... cũng đạt nhiều thành tích gây bất ngờ ở giải năm nay.

Với những vận động viên trẻ như Nguyễn Tiến Nhật, Nguyễn Thị Thật, Nguyễn Hoàng Phương, Nguyễn Thị Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn, Lừu Thị Duyên, Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo... thể thao Việt Nam đang có một lứa tài năng trẻ đầy triển vọng để đạt thành tích cao hơn ở các giải đấu ở tầm châu lục và thế giới.

Dù không giành được từ 2 - 3 HCV như chỉ tiêu đề ra nhưng 1 HCV và nhiều huy chương giành được ở các môn thể thao cơ bản Olympic cũng là một điểm sáng với thể thao Việt Nam.

Những cột mốc quan trọng

Nếu hỏi, năm 2014, thể thao Việt Nam có thành tích nào đáng tôn vinh nhất, câu trả lời phải là tấm HCV tại Asiad 17 của nữ võ sỹ wushu Dương Thúy Vy. Dương Thúy Vy là người duy nhất mang về HCV cho thể thao Việt Nam tại Asiad 17. Cô cũng cũng chính là người mang chiếc HCV đầu tiên về cho đoàn Việt Nam ở SEA Games 27. Có một điều kỳ lạ là wushu Việt Nam vốn sản sinh không ít nhà vô địch thế giới như Nguyễn Thúy Hiền, Đàm Thanh Xuân, Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Nguyễn Thanh Tùng..., song chưa bao giờ lên ngôi ở nội dung quyền biểu diễn và tán thủ tại Á vận hội. Nhưng tại Asiad lần này, lịch sử mới sang trang nhờ kỳ tích của Thúy Vi.

Lực sĩ Thạch Kim Tuấn phá kỷ lục cử giật tại Asiad 17.
Ảnh: Hữu Quý - TTXVN

Nữ kình ngư xuất sắc Nguyễn Thị Ánh Viên đã giành được cú đúp HCĐ tại Asiad 17. Đây là lần đầu tiên bơi Việt Nam giành được huy chương ở đấu trường Asian Games. Trong năm nay, Ánh Viên còn đoạt 9 HCV giải vô địch Đông Nam Á 2014 và đặc biệt là tấm HCV Olympic trẻ ở nội dung 200 m hỗn hợp cá nhân. Ánh Viên là một trong những niềm hy vọng lớn nhất của TTVN hướng đến việc giành huy chương tại Olympic 2016.

Chàng lực sĩ 20 tuổi Thạch Kim Tuấn liên tiếp mang về niềm vui cho cử tạ Việt Nam khi giành 1 HCV, 2 HCB ở hạng cân 56 kg sở trường tại giải cử tạ vô địch thế giới diễn ra tại Kazakhstan, tháng 11/2014. Ở nội dung cử giật sở trường, Thạch Kim Tuấn thực hiện thành công mức tạ 135 kg, chính thức phá kỷ lục cũ 134 kg do chính anh thiết lập tại Asiad Hàn Quốc. Thành tích tuyệt vời này mang về tấm HCV cử giật cho Thạch Kim Tuấn kèm theo hàng loạt kỷ lục khác gồm: Phá kỷ lục trẻ thế giới, trẻ châu Á.

Trong năm 2014, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã 2 lần lập KLTG ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nam. Tại Cúp bắn súng thế giới 2014 diễn ra tháng 3 tại Fort Benning (Mỹ), Hoàng Xuân Vinh bảo vệ thành công ngôi vô địch nội dung 10 m súng ngắn hơi nam. Với tổng điểm 202,8 ở lượt bắn chung kết, anh thậm chí thiết lập kỷ lục thế giới mới và đoạt HCV. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, anh tiếp tục lập kỷ lục thế giới mới nội dung 10 m súng ngắn hơi nam. Ở lượt bắn chung kết, xạ thủ Quân đội xuất sắc đạt tổng điểm 207, đoạt HCV cá nhân, đồng thời phá sâu kỷ lục thế giới do anh thiết lập trước đó.

Với việc lần đầu tiên vào đến bán kết môn bóng đá nữ tại Asiad 17 ở Incheon (Hàn Quốc), các tuyển thủ nữ đã viết nên trang sử mới cho bóng đá nữ Việt Nam. Dù chỉ đứng thứ 4 chung cuộc nhưng màn trình diễn tuyệt vời của các cô gái áo đỏ đã giúp bóng đá nữ Việt Nam bước lên một tầm cao mới. Hay như đội tuyển U19 Việt Nam thực sự đã trở thành hiện tượng của bóng đá nước nhà trong suốt thời gian qua. Các em đã cháy hết mình ở các giải đấu, đã chơi thứ bóng đá cống hiến đẹp mắt và kỹ thuật, thực sự chiếm được niềm tin yêu của người hâm mộ cả nước.

Bên cạnh đó, dù không giành được HCV, nhưng những tấm HCB và HCĐ của Hà Thanh ở môn TDDC, HCĐ của Nguyễn Tiến Nhật ở môn đấu kiếm, 2 tấm HCĐ quyền Anh nữ của Lê Thị Bằng và Lừu Thị Duyên đã mang về những chiếc huy chương đầu tiên trong lịch sử của chúng ta ở một kỳ Asiad. Đây là điều đáng trân trọng và quý giá với lịch sử thể thao Việt Nam.

Thể thao Việt Nam năm 2014 cũng có nhiều tranh cãi. Nhất là sự kiện Đại hội TDTT lần thứ VII được tổ chức tại Nam Định. Đây được xem là sự kiện thể thao lớn nhất cả nước, quy tụ tất cả các địa phương trên cả nước về tranh tài. Nhưng với những gì đã diễn ra tại Đại hội và nhất là kinh phí tổ chức quá lớn đã khiến người dân đặt câu hỏi. Còn giới chuyên môn đều khẳng định phải đổi mới cách tổ chức để Đại hội đáp ứng các tiêu chí tuyên truyền toàn dân rèn luyện sức khỏe, tìm kiếm và đào tạo VĐV đỉnh cao Việt Nam.

Lê Sơn