06:09 09/06/2015

Những công trình làm thay đổi cuộc sống

Mọi thứ thay đổi khi người ta mở mấy cái tấm tôn chắn ra, dòng kênh đen ngòm, hôi thối ngày trước hoàn toàn biến thành một dòng kênh khác.

Nhiều công trình trọng điểm của thành phố được hoàn thành trong năm 2015 cũng như những công trình trọng điểm đang trong giai đoạn triển khai không chỉ tạo một bộ mặt mới cho đô thị mà còn tác động tích cực đến đời sống, dân sinh… Hàng triệu người dân thực sự được đổi đời nhờ những công trình này.

Đổi đời từ dòng kênh

Nếu người dân thành phố ám ảnh những “xóm nước đen” và mùi hôi thối khủng khiếp mỗi khi phải đi qua những con đường khu vực Tân Hóa - Lò Gốm thì những người dân trực tiếp sống ở những xóm này còn cơ cực gấp bội. Nhớ lại những tháng ngày kinh hoàng đó, chị Hương, một người dân ở quận 6 chia sẻ: “Nhà tôi nằm ngay gần kênh, nên sợ nhất là mùa mưa, nước kênh, nước cống tràn vào nhà đen kịt. Mùi hôi thì không thể nào rửa sạch được, nước kênh tràn vào nhà kéo theo bao nhiêu thứ ô nhiễm… thật khủng khiếp. Nhưng mùa nắng cũng không yên, nắng càng gắt, nước kênh đặc quánh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, vậy mà gia đình tôi mấy chục năm nay vẫn phải chịu đựng để sống vì không còn cách nào khác”.

Thi công nạo vét bùn đất trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm.  Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN


Phần lớn dân cư ở đây đều bị các loại bệnh về da, hô hấp do môi trường ô nhiễm. Điều kiện sống thấp, nhà cửa nhếch nhác, khu này ngày xưa còn là ổ tập trung tệ nạn xã hội. Mấy tháng nay, cuộc sống của người dân ở đây thực sự được đổi đời. Công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm mới hoàn thành, nhưng trước đó, trong quá trình làm, môi trường ở đây đã được cải thiện nhiều. Những xóm nước đen, ổ chuột dọc kênh giờ thành nhà mặt tiền, thoáng mát, sạch sẽ. Nhiều hộ dân quanh đây, ngày trước không có việc gì làm, giờ mở quán ăn, quán nhậu, quán cà phê dọc kênh, hoặc cho thuê mặt bằng, mỗi tháng cũng kiếm được cả chục triệu, cuộc sống ổn định hơn. Môi trường thông thoáng, không còn ô nhiễm, dọc bờ kênh giờ là điểm để người dân vui chơi, tập thể dục… Tệ nạn xã hội cũng không còn như trước nữa.

Quả thực như lời chị Hương nói, những ai từng đến khu này khoảng 5 - 10 năm về trước mới thấy những đổi thay như hiện nay là “không thể tin được”. Ông Bảy, một người dân sống ở đây gần 60 năm cảm động nói: “Mọi thứ thay đổi khi người ta mở mấy cái tấm tôn chắn ra, dòng kênh đen ngòm, hôi thối ngày trước hoàn toàn biến thành một dòng kênh khác. Đời tui già rồi, chịu đựng mùi hôi, chuột bọ, rác rưởi, đường sá lầy lội, triều cường, nước cống... mấy chục năm nay rồi, giờ may mắn thấy được những đổi thay này, tuổi già coi như còn lại những tháng ngày thanh thản, vui vẻ, mừng nhất là con cháu mình sau này không phải chịu cảnh khổ cực như tôi ngày trước nữa…”.

Để tạo được một diện mạo mới, một cuộc sống khác cho người dân, thành phố đã đầu tư hơn 167 triệu USD vào Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm để nạo vét 300.000 m3 bùn khơi thông dòng chảy, cải tạo dòng kênh, xây dựng hơn 2.500 m dài cống hộp, gần 8.000 m kè hai bên bờ kênh, 11.500 m đường lưu thông trên lưng cống hộp, xây dựng hệ thống 7.500 m cống bao, giếng tách dòng nước thải sinh hoạt, lắp 1.300 đèn LED chiếu sáng, hoàn thành trạm bơm chuyển tiếp PS2 có công suất 163.296 m3/ngày đêm… Niềm vui này không chỉ đến với chị Hương, ông Bảy mà hơn 7 triệu dân sống trên địa bàn cũng được hưởng lợi từ công trình. Trong đó, vui nhất là hơn 2,5 triệu người dân sống dọc tuyến kênh hơn 7 km này, là những người được hưởng lợi trực tiếp mỗi ngày từ dòng kênh trong xanh.

Thay đổi diện mạo thành phố

Năm 2015 có thể xem là năm Thành phố Hồ Chí Minh dồn sức cho nhiều công trình trọng điểm, nhằm giải quyết những bài toán dân sinh lâu nay của thành phố từ vấn đề giao thông cho đến môi trường... Cùng với công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm, trong năm 2015 Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp tục khởi công những công trình hạ tầng quan trọng như nạo vét tuyến rạch Bà Chiêm - Bà Chùa - Lấp Dầu, tuyến cống cấp nước D2.400 Bình Thái - Điện Biên Phủ, dự án vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2... Trong đó, đáng chú ý là dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 có tổng vốn 450 triệu USD. Mục tiêu của giai đoạn 2 là khôi phục, bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn, hạ lưu sông Đồng Nai và cải tạo chỉnh trang đô thị với các hạng mục như nhà máy xử lý nước thải công suất 480.000 m3/ngày, hệ thống cống thu gom nước thải dài 8 km kết nối với cống đã xây dựng trong giai đoạn 1 của dự án, xây thêm hệ thống cống thu gom nước thải ở các phường Thảo Điền, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây của quận 2 để đưa toàn bộ nước thải về nhà máy xử lý nước thải mới để xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra sông Sài Gòn.

Song song với các dự án cải thiện môi trường, vấn đề hạ tầng giao thông cũng đang được thành phố đầu tư đột phá, vốn tập trung cho giao thông luôn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng vốn đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách. Tính riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn từ ngân sách cho đầu tư xây dựng của Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 75.343 tỉ đồng, trong đó, riêng đầu tư cho giao thông chiếm đến hơn 23.800 tỉ đồng (gần 32%).

Một trong những điểm kẹt xe, luôn là nỗi ám ảnh của người dân thành phố trong những năm qua là khu vực Ngã 6 Gò Vấp. Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng kẹt xe khu vực giao lộ ngã 6 Gò Vấp sẽ giảm đến 80% khi công trình cầu vượt bằng thép ở Ngã 6 này được hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015. Cũng trong năm 2015, thành phố khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đường Trần Não, quận 2 với tổng vốn đầu tư gần 335 tỉ đồng. Đây là một trong hai tuyết đường quan trọng tại quận 2 kết nối đại lộ Đông - Tây ra cầu Sài Gòn và xa lộ Hà Nội, và là tuyến đường huyết mạch của quận 2, kết nối các khu dân cư mới phát triển phía đông với trung tâm Sài Gòn. Cùng với những công trình này, hệ thống cầu vượt thép được đưa vào sử dụng gần đây như cầu vượt ngã 4 Thủ Đức, Hàng Xanh, Lăng Cha Cả, giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa... đang giải quyết một cách căn cơ các điểm nóng kẹt xe trên địa bàn thành phố.
L. Hiền