10:09 04/10/2012

Những con số buồn

11 năm đã trôi qua kể từ ngày 7/10/2001, khi Mỹ nã tên lửa vào Ápganixtan, châm ngòi một cuộc chiến quy mô lớn làm tổn thất hàng nghìn sinh mạng và tốn kém hàng nghìn tỷ USD.

11 năm đã trôi qua kể từ ngày 7/10/2001, khi Mỹ nã tên lửa vào Ápganixtan, châm ngòi một cuộc chiến quy mô lớn làm tổn thất hàng nghìn sinh mạng và tốn kém hàng nghìn tỷ USD.


11 năm lún sâu vào bãi lầy chiến tranh Nam Á đã khiến các nước góp quân cho lực lượng liên quân, đi đầu là Mỹ, phải đối mặt với làn sóng phản đối ngày càng dâng cao ở Ápganixtan. NATO ước tính có tới 80% số vụ tấn công khiến binh sĩ NATO thiệt mạng là do sự khác biệt về văn hóa và sự thù oán cá nhân giữa các nhóm binh sĩ, trong khi chỉ có 20% là do phiến quân Taliban thực hiện.


Điều này cho thấy thực trạng quân đội nước ngoài không chỉ đối mặt với thách thức an ninh từ phía quân nổi dậy mà cả từ những đối tác của NATO trong cuộc chiến.


Theo kế hoạch, NATO sẽ hoàn tất rút toàn bộ quân đội nước ngoài khỏi Ápganixtan trước cuối năm 2014. Các quan chức trong NATO đều khẳng định các lực lượng an ninh sở tại sẽ đủ khả năng tiếp quản nhiệm vụ ổn định đất nước.


Tuy nhiên, có vẻ mọi việc không đơn giản như vậy. Cho đến nay, tình trạng chia rẽ giữa các phe phái và sắc tộc vẫn tiếp tục làm suy yếu hoạt động của chính phủ. Tất cả các chiến dịch quân sự lớn của quân đội và cảnh sát Ápganixtan đều phải nhờ đến sự hỗ trợ của liên quân.


Nếu thiếu vắng sự yểm trợ của NATO, phiến quân Taliban được đánh giá cao hơn quân đội chính phủ về khả năng tác chiến. Thậm chí, nhiều nhà phân tích hàng đầu còn cảnh báo chính phủ đương nhiệm Ápganixtan có thể sụp đổ và Taliban sẽ giành lại chính quyền sau khi liên quân rời khỏi quốc gia này.


Khi đó, an ninh Ápganixtan sẽ còn tồi tệ hơn trước thời điểm NATO đưa quân vào quốc gia này cách đây 11 năm.


Mới đây, Tư lệnh NATO tại Ápganixtan, Trung tướng Olivier de Bavinchove khẳng định 80% lãnh thổ của quốc gia này không còn bạo lực. Nhưng chỉ một ngày sau tuyên bố đầy lạc quan này, một vụ đánh bom liều chết nhằm vào đoàn tuần tra chung của NATO và Ápganixtan ở thành phố Khost miền đông làm hơn 50 người thương vong.


Trước đó, Liên hợp quốc còn công bố số liệu cho biết tháng 8/2012 là tháng đẫm máu thứ hai trong 5 năm qua đối với người dân Ápganixtan, khi có gần 1.000 người thương vong.


Những con số đáng buồn trên đã chứng tỏ thực tế: sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Ápganixtan vẫn chưa đem lại an ninh, dân chủ, thịnh vượng như lời hứa của phương Tây đưa ra cách đây 11 năm. Trái lại, quốc gia Nam Á này vẫn đối diện với một tương lai u ám, thậm chí có thể sẽ còn bi đát hơn 11 năm trước.


Cẩm Tuyến