04:10 25/04/2013

Những cỗ máy giết người nguy hiểm nhất trong tương lai - Kỳ 1: Sát thủ công nghệ cao

Các nhà khoa học quân sự Mỹ đang nghiên cứu để tạo ra một thế hệ siêu lính chiến - những cỗ máy giết người nguy hiểm nhất trên trái đất. Có một câu hỏi được đặt ra: Nước Mỹ sẽ sử dụng những chiến binh cùng các loại vũ khí công nghệ cao này để chống lại ai?

Các nhà khoa học quân sự Mỹ đang nghiên cứu để tạo ra một thế hệ siêu lính chiến - những cỗ máy giết người nguy hiểm nhất trên trái đất. Có một câu hỏi được đặt ra: Nước Mỹ sẽ sử dụng những chiến binh cùng các loại vũ khí công nghệ cao này để chống lại ai?


Kỳ 1: Sát thủ công nghệ cao

Trong tương lai, sẽ không còn cảnh quân đội với biên chế lớn xông vào bắn giết nhau. Thay vào đó sẽ là những đội quân nhỏ được trang bị các loại vũ khí khiến họ trở nên nguy hiểm như máy bay chiến đấu. Áo giáp sản xuất bằng công nghệ cao sẽ giúp họ vô hại trước hỏa lực tấn công của đối phương và công nghệ tàng hình mới sẽ khiến họ thực sự vô hình.

Công nghệ tàng hình mới sẽ giúp lính Mỹ thực sự vô hình.


Những sát thủ công nghệ cao này sẽ săn đuổi mục tiêu của họ cho đến tận cùng trời cuối đất, nhờ vào khả năng nhận biết được nhiệt độ còn lưu lại ở dấu chân đối phương trên mặt đất. Các vũ khí của họ sẽ có tầm bắn xa hàng km và loại đạn mà họ sử dụng có thể ngoặt theo các góc, các hướng để tìm mục tiêu hoặc phát nổ sau khi xuyên qua được các bức tường. Chiến binh thế hệ mới sẽ chiến đấu giống như các phần tử khủng bố. Đối phương sẽ bị tiêu diệt trước khi họ có thể nhận ra mình đang bị tấn công.


Kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, nước Mỹ đã chi hàng trăm tỉ USD cho việc xây dựng một kho siêu vũ khí mới và các công nghệ quân sự tiên tiến. Trong tham vọng của Mỹ, các thành tựu lớn nhất sẽ không chỉ bó hẹp ở việc chế tạo thế hệ máy bay tàng hình mới hay các siêu tàu ngầm, mà những thay đổi cách mạng nhất sẽ ở cấp độ cá nhân người lính.

Chiến binh thế hệ mới sẽ chiến đấu giống như các phần tử khủng bố.

Nhiệm vụ của Trung tâm nghiên cứu về người lính của Lục quân Mỹ (Trung tâm Natick) có trụ sở đặt ở bang Massachusetts là kết hợp các công nghệ tương lai để biến những người lính Mỹ trở thành các chiến binh vô hình.


“Công việc của chúng tôi là tạo ra những trang thiết bị hoàn hảo cho người lính”, Jean-Louis D’gay, phát ngôn viên của Dự án Chiến binh tương lai ở Trung tâm Natick giải thích. Người lính thuộc thế hệ mới có khả năng đứng vững trước bất kỳ cuộc tấn công nào, họ tác chiến mà không cần bất kỳ sự chi viện nào và tiêu diệt được bất kỳ kẻ thù nào. Họ sẽ là những kẻ hủy diệt thực sự .


D’gay trước là đại úy thuộc lực lượng lượng đặc nhiệm Lục quân Mỹ, nay là một kỹ sư chuyên nghiên cứu về các trang thiết bị cho người lính. “Các chiến binh mới sẽ hơn bất kỳ những chiến binh hoàn hảo nhất mà chúng ta có từ trước đến nay. Chúng tôi đang thiết kế một máy bay F-16 trên đôi chân người lính”, D’gay tiết lộ.

Trung tâm nghiên cứu về người lính của Lục quân Mỹ (Trung tâm Natick).


Trung tâm Natick cũng đang nghiên cứu hoàn thiện công nghệ liên lạc cho người lính. Lịch sử quân sự cho thấy, liên lạc giữ vai trò quan trọng hơn vũ khí hoặc thậm chí quan trọng hơn cả số lượng binh lính để giành thắng lợi trong một cuộc chiến tranh. Ngày nay, khác biệt lớn nhất giữa các đơn vị tinh nhuệ và người lính bình thường là cách thức mà họ phối hợp với nhau như thế nào trong một nhóm. Điều đó đủ để thấy, việc liên lạc có vai trò quan trọng thế nào trong một cuộc chiến.


Chiến binh tương lai sẽ đưa trình độ hiệp đồng chiến đấu lên một cấp độ mà người ta chưa từng chứng kiến ở con người. Các đơn vị của họ sẽ hoạt động như một thực thể duy nhất, gần giống như một đàn côn trùng. Những thành tựu trong lĩnh vực mạng máy tính cho phép các nhà khoa học quân sự Mỹ sáng tạo ra một loại “mạng Internet của người lính”. Như vậy, những quân đội còn phụ thuộc vào việc truyền lệnh bằng miệng hoặc qua vô tuyến sẽ không có cơ hội tồn tại nữa.


“Mỗi người lính sẽ được trang bị một máy tính tí hon trong bộ quân phục mà họ mặc trên người để liên kết với mạng chung”, D’gay cho biết. “Người lính có thể liên lạc với bất kỳ đồng đội nào khác trên mặt đất, trong bất kỳ phương tiện nào”. Âm thanh mà những người lính cảm nhận được giống như giọng nói được phát ra từ trong đầu họ. Một công nghệ mới có tên là truyền dẫn cơ thể sử dụng một hộp sọ rỗng để tạo ra âm thanh ở phía bên trong. Nếu người lính thì thầm, thiết bị cảm ứng nhỏ chỉ bằng kích cỡ đồng xu được gắn trên đầu của họ sẽ truyền âm thanh đó đến các đồng đội.


Chiến binh tương lai cũng có thể quan sát thấy những gì mà các đồng đội khác trong nhóm nhìn thấy bằng cách truy cập vào kênh phát đi các hình ảnh video được gắn trên kính ngắm ở khẩu súng của họ. Họ có thể quan sát toàn cảnh chiến trường thông qua phương tiện bay không người lái hoặc vệ tinh gián điệp.


“Người lính ngày nay chỉ có thể nhìn thấy những gì trong tầm mắt của họ. Các chiến binh tương lai có khả năng quan sát toàn cảnh trận đánh với chiều sâu chiến trường và với độ cao hàng nghìn mét. Hơn thế, họ còn như có giác quan thứ sáu”, D’gay cho biết.


Khánh Chi (tổng hợp)

Đón đọc kỳ tới: Vũ khí tìm diệt