10:20 27/10/2011

Những cây bàng Côn Đảo

Những cây bàng Côn Đảo đang reo lên trong nắng sớm của ngày hôm nay những khúc ca về lòng kiêu hãnh, về đức hy sinh vì nghĩa lớn.

Chạy dọc theo ven biển, những cây bàng ở Côn Đảo có lẽ có tuổi thọ cùng với lịch sử của đảo khi người Pháp đặt chân lên xâm chiếm nơi đây, biến Côn Đảo thành địa ngục trần gian giam hãm đày đọa con người, chủ yếu là những người yêu nước, thương nòi- những người cộng sản.

Mãi đến mùa xuân 2006, tôi mới có dịp đến Côn Đảo lần đầu tiên nhưng nơi này đã hằn sâu trong tôi qua những trang sách, báo mà một trong những cuốn tạo ấn tượng sâu đậm nhất là Hồi ký Bất khuất của đồng chí Nguyễn Đức Thuận. Tôi biết đến những cây bàng Côn Đảo cũng từ đó. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận kể, ở trong tù, giặc bắt ăn cơm hẩm, cá khô mục, nên thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng, bệnh tật phát sinh. Hậu quả của một trong những bệnh đó là làm răng rụng. Hai hàm răng lung lay hết cả, có người chỉ khẽ lay là nhổ ra cả hàm. Đây là bệnh thiếu vitamin C, mà các nhà chuyên môn gọi là bệnh Scosbut. Lúc này có khi chỉ cần được nhai một miếng khoai sống, ăn một cọng rau xanh, bổ sung lượng vitamin C vô cùng nhỏ vào cơ thể là hai hàm răng lại chặt lại như cũ.

Tranh thủ thời gian được ra ngoài, các đồng chí ta đã tự bổ sung nguồn vitamin bằng lá cây, ngọn cỏ. Và ở Côn Đảo trồng nhiều bàng nên những chiếc lá bàng, trái bàng Côn Đảo vô cùng quí giá với các đồng chí ta.

Những năm gần đây, người ra tham quan Côn Đảo về thường có một món quà đặc biệt mà hầu như không nơi nào có. Đó là những hộp nhân trái bàng Côn Đảo hấp sấy. Nhớ thuở học trò, chúng tôi cũng thường nhặt trái bàng rơi trên sân trường, tước vỏ ngoài, lấy đá đập bể hạt, ra nhân màu trắng đục, ăn rất bùi, rất ngậy. Bàng ở Côn Đảo khá nhiều nên người ta mới khai thác được một lượng đáng kể nhân hạt bàng đủ để du khách làm quà biếu đất liền. Đây cũng là một cái nghề đòi hỏi lòng kiên nhẫn. Đổ những chiếc nhân bàng ra lòng bàn tay, đưa lên miệng chậm rãi nhấm nháp vị bùi béo tan dần trong miệng, nhưng sao tôi vẫn có cảm giác rất khác, có lẽ phần nhiều là do những ám ảnh của Côn Đảo.

Hơn ba mươi năm sau ngày giải phóng, những cây bàng Côn Đảo vẫn còn đó. Đứng sát mép biển, những cây bàng như những hàng cọc tiêu, hàng cây chắn sóng, mỗi ngày chịu hàng trăm đợt sóng quật tơi bời nhất là vào những ngày mưa bão. Thân cây nào cũng còng rạp, sần sùi u cục, lá cứng quắt lại. Và màu lá bàng ở đây cũng khác. Khó mà tìm được cái màu rờn rờn xanh tươi như trên đất liền. Đó là một thứ màu xanh khổ hạnh, già cỗi, cũ kỹ bên một màu đỏ cháy khó nhọc, lún ngún, cháy mà không thể phực bùng lên được. Có cảm giác quá khứ đau thương như vẫn còn trĩu nặng trên những tán cây, thân cây khổ hạnh kia.

Nhưng thôi, không thể chìm mãi vào những ký ức đau thương. Những cây bàng Côn Đảo đang reo lên trong nắng sớm của ngày hôm nay những khúc ca về lòng kiêu hãnh, về đức hy sinh vì nghĩa lớn. Đoàn đại biểu các “Thanh niên tiên tiến” miền Đông Nam bộ vừa ra thăm đảo, các em đang tíu tít bên gốc những cây bàng. Tôi tìm trong những chiếc lá bàng non mơn mởn kia một ánh mắt thẳm đen bừng sáng, rất quen và rất lạ - ánh mắt của em từ những ngày xưa và của tuổi trẻ hôm nay nhiều náo nức.

Côn Đảo- Biên Hòa (2006- 2011).

Đàm Chu Văn