03:23 06/03/2012

Những câu chuyện về nữ điệp viên Vera Atkins-Kỳ 3: Tuyển chọn điệp viên cho chiến trường Pháp

Vera sớm được bổ nhiệm làm sĩ quan tình báo cho Đơn vị F của SOE, có nhiệm vụ phối hợp chuẩn bị cho hơn 400 điệp viên thâm nhập nước Pháp. Bà là cấp dưới của Chỉ huy trưởng Đơn vị F, Maurice Buckmaster.

Vera sớm được bổ nhiệm làm sĩ quan tình báo cho Đơn vị F của SOE, có nhiệm vụ phối hợp chuẩn bị cho hơn 400 điệp viên thâm nhập nước Pháp. Bà là cấp dưới của Chỉ huy trưởng Đơn vị F, Maurice Buckmaster. Xác định Pháp chính là địa bàn chiến lược để mở rộng hoạt động của SOE sang các quốc gia bị tạm chiếm khác, nên Vera Atkins rất coi trọng công tác tuyển mộ và đào tạo điệp viên cho Đơn vị F.

Những điệp viên nữ trong SOE.


Vera chịu trách nhiệm phỏng vấn tân binh để tuyển mộ điệp viên. Có nhiều lý do để SOE lựa chọn làm các điệp viên nhưng lý do chính là các ứng viên phải nói tiếng Pháp trôi chảy. Thông thường, họ có cha hoặc mẹ người Pháp, đã sống ở Pháp một thời gian hoặc đã học ngôn ngữ này từ hồi nhỏ. Một số từng làm việc cho lực lượng kháng chiến của Pháp trước đây. Như một bài báo đăng trên tờ Thời báo New York đã đề cập, “Người được tuyển chọn khá đa dạng, từ những ông chủ ngân hàng, nhà soạn kịch, đầu bếp đến lái xe taxi”.

Vera nói với những tân binh dự tuyển rằng, họ sẽ phải thực hiện một nhiệm vụ nguy hiểm có thể bị hy sinh tính mạng. Từng người được phỏng vấn có thời gian vài ngày để suy nghĩ trước khi quyết định có nhận nhiệm vụ hay không. Thông thường mỗi cuộc phỏng vấn có 10 người thì chỉ 3 người được tuyển. Những điệp viên mới sẽ phải trải qua nhiều đợt huấn luyện trong một trang trại được bảo vệ nghiêm ngặt ở ngoại ô thủ đô Luân Đôn. Tại đây, họ được học cách sử dụng chất nổ, các loại vũ khí. Họ còn được học cách nhảy dù hay đổ bộ từ tàu ngầm tại một căn cứ của quân đội Anh ở thành phố Liverpool. Tất cả đều đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Vera Atkins.

Dạy mật mã cho điệp viên của SOE


Tác giả Helm viết, “Hoạt động của SOE được tổ chức thành hệ thống các mạng lưới, mỗi mạng lưới phụ trách một lĩnh vực ở Pháp. Những mạng lưới này được cơ cấu xung quanh 3 nhân vật chính – một người tổ chức, một người đưa tin và một người trực tổng đài không dây – tất cả được tuyển chọn và huấn luyện ở Anh”. Người đứng đầu mạng lưới lãnh đạo và phối hợp các thành viên trong mạng lưới của mình, xác định các mục tiêu để có thể tấn công phá hoại. Người đưa tin có nhiệm vụ liên lạc giữa các mạng lưới với nhau cũng như những mạng lưới cấp thấp hơn.

Những điệp viên Vera tuyển dụng cuối cùng có thể nhảy dù thâm nhập lãnh thổ Pháp hoặc được đưa tới đó bằng các loại máy bay cánh quạt hạng nhẹ Lysander. Trước khi khởi hành, Vera sẽ kiểm tra kỹ lưỡng quần áo họ mặc xem có các nhãn mác của Anh hay không hoặc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có xuất xứ từ Anh. Tùy theo điệp vụ, Vera Atkins đặt cho mỗi điệp viên của mình một cái tên khác nhau. Nếu hoạt động ở miền bắc nước Pháp, điệp viên nữ phải mang tên Catherine còn điệp viên nam mang tên Philippe, là những cái tên thường hay gặp ở miền bắc Pháp. Bà chăm chút cho các điệp viên của mình từ cách ăn mặc, kiểu nói lóng, thói quen ăn uống, đi đứng, sử dụng tàu điện sao cho giống hệt một người Pháp để qua mặt đám mật vụ Đức quốc xã (Gestapo).

Điệp viên nhảy dù thâm nhập địa bàn Pháp.


Bà hoàn tất công việc hóa trang cho họ bằng việc đưa cho họ một gói thuốc lá Pháp, số mới nhất của một tờ báo Pháp hoặc ảnh của người họ hàng không có thật của họ. Có lúc, bà gắn nhãn mác của một nhà sản xuất Pháp hoặc một chiếc cúc áo theo mốt của người Pháp trên quần áo của họ.

SOE có trụ sở ở một số tòa nhà trên phố Baker của Luân Đôn. Biển hiệu trước các trụ sở này có thể là “Cơ quan nghiên cứu nội vụ” hoặc một vài cái tên có nghĩa tương tự. Vera nói với gia đình, bạn bè và người quen rằng bà “làm một công việc tẻ nhạt trên phố Baker”.

Một số sỹ quan trong SOE phản đối việc sử dụng các điệp viên nữ. Tuy nhiên, đến năm 1942, sỹ quan hàng đầu của SOE Colin Gubbins đã thuyết phục được quân đội Anh tuyển mộ cả những điệp viên nữ. Ông cho rằng, ở khía cạnh nào đó, điệp viên nữ có lợi thế hơn nam giới. Gubbins tin rằng điều kiện ở Pháp phù hợp hơn với phụ nữ, đặc biệt trong vai trò người đưa tin. Từ đầu năm 1942 cho tới khi kết thúc chiến tranh, những nam thanh niên Pháp có thể được gửi tới Đức như những lao động bắt buộc nếu họ không được xem là những công nhân “quan trọng” ở Pháp. Vì thế, phụ nữ ít tạo ra nghi ngờ hơn và cũng ít bị khám người hơn. Những điệp viên nữ của SOE phải tham gia “Tổ chức cứu trợ điều dưỡng” (FANY) để làm bình phong cho hoạt động huấn luyện bí mật của họ. FANY là tổ chức gồm những phụ nữ tình nguyện hỗ trợ cho các binh sĩ.

Việc bố trí các nữ đưa tin đã cho thấy sự thành công của nó. Vì thế, đầu năm 1943, SOE quyết định sử dụng nữ giới vào các vị trí nguy hiểm hơn như người trực tổng đài không dây. Vị trí này có thể được xem là nguy hiểm nhất trong các vị trí điệp viên ở SOE. Người trực tổng đài có nhiệm vụ kết nối giữa các mạng lưới chiến trường và Luân Đôn. Họ tiếp nhận và gửi thông tin về các chiến dịch tấn công phá hoại và việc bố trí vũ khí cho lực lượng chiến đấu. Nhân viên trực tổng đài rất dễ bị phát hiện vì họ phụ trách các thiết bị truyền tin với nhiều loại dây, ăng ten… Tín hiệu phát ra bằng máy truyền tin cũng rất dễ bị kẻ địch phát hiện và truy tìm ra vị trí phát tín hiệu.

Tháng 5/1943, Vera phát hiện ra ứng cử viên đầu tiên cho vị trí trực tổng đài là Noor Inayat Khan. Noor có lý lịch bản thân phong phú nhất trong các điệp viên của SOE. Cha cô, Hasra Inayat Khan, thuộc bộ tộc Tipu Sultan, bộ tộc cuối cùng của Hoàng đế Mogul, miền nam Ấn Độ. Mẹ của Noor, Ora Ray Baker, là người Mỹ có quan hệ họ hàng với Mary Baker Eddy, nhà sáng lập Khoa học Cơ Đốc giáo. Vera đã hỏi Noor có muốn trở thành một người trực tổng đài không dây của SOE ở Pháp không và người phụ nữ này đã trả lời một cách dứt khoát, “Có, tất nhiên rồi”. Ấn tượng với cách ứng xử tự tin của Noor, Vera đã đồng ý tuyển cô làm nhân viên trực tổng đài cho SOE trên chiến trường Pháp. Noor được ngụy trang là một y tá chăm sóc trẻ, có cái tên Jeanne – Maria Renier, nhưng đồng nghiệp của cô trong SOE thường gọi cô với biệt hiệu Madeleine.

Quang Tuyến

Đón đọc kỳ tới: Chuẩn bị cho “Ngày khai hỏa”