12:17 31/12/2011

Những bóng hồng trên ghe ngo

Đua ghe ngo trong lễ hội Ok Om Bok từ lâu đã là môn thể thao truyền thống đặc sắc, hấp dẫn của đồng bào Khmer Nam bộ. Môn thể thao này giờ đã được đưa vào thi đấu chính thức của Đại hội TDTT toàn quốc.

Đua ghe ngo trong lễ hội Ok Om Bok từ lâu đã là môn thể thao truyền thống đặc sắc, hấp dẫn của đồng bào Khmer Nam bộ. Môn thể thao này giờ đã được đưa vào thi đấu chính thức của Đại hội TDTT toàn quốc. Điểm nhấn của lễ hội chính là những màn đua quyết liệt giữa các đội ghe ngo nam và nữ diễn ra trên dòng sông Maspero (thành phố Sóc Trăng) cùng sự cổ vũ nồng nhiệt của dân chúng trên bờ sông.

Hình ảnh những cô gái Khmer nhịp nhàng sử dụng mái dầm trong các cuộc đua Ok Om Bok chỉ mới xuất hiện cách đây chưa đến chục năm. Ngày trước, phụ nữ không bao giờ dám “bén mảng” đến gần chiếc ghe ngo, vì đó là điều cầm kỵ. Để có được một cuộc chuyển biến tích cực như vậy, có thể thấy được sự thay đổi nhanh chóng trong nhận thức và hành động của đồng bào Khmer, một điểm nhấn quan trọng thể hiện “bình đẳng giới” trong cộng đồng của đồng bào Khmer Nam bộ.

Những bóng hồng tranh tài trên sông Maspero (thành phố Sóc Trăng) trong ngày hội Ok Om Bok.


Như đã nói trên, đua ghe ngo ngày xưa là môn chơi độc quyền của cánh nam giới. Quanh năm, chiếc ghe ngo được cất tại chùa, bảo quản rất cẩn thận và chỉ được đồng bào Khmer dùng để tham gia các ngày lễ quan trọng như Ok Om Bok. Sở dĩ ghe ngo ngày trước chỉ là “đặc quyền” của đàn ông, vì theo quan niệm của người Khmer, chiếc ghe ngo luôn là bảo vật thiêng liêng của phum sóc. Nữ giới có thể gặp điều không hay khi bước ngang hay bước qua chiếc ghe, hoặc không được “sạch sẽ” khi đến gần chiếc ghe, gây ảnh hưởng đến vị thần phù trợ cho chiếc ghe, có thể làm “vẩn đục” đi biểu tượng linh thiêng của phum sóc. Chính vì quan niệm này, nên trước đây các cuộc đua ghe ngo chỉ dành cho nam giới.

Nhưng năm 2003, ngành thể dục - thể thao Sóc Trăng và các vị Achar (người học cao, hiểu rộng, có vị trí quan trọng trong ngôi chùa và cộng đồng dân tộc Khmer) “thống nhất” tổ chức giải đua ghe ngo nữ lần đầu tiên. Kể từ đó, nội dung đua ghe ngo nữ được đưa vào thi đấu trong các dịp lễ hội Ok Om Bok.

Năm 2003, chỉ có 4 đội bơi ở hai địa phương là thị xã Sóc Trăng và huyện Long Phú tham gia. Giải nhất thuộc về ghe ngo nữ chùa Som Rong (phường 5) và giải nhì thuộc về ghe ngo chùa Sóc Vồ (phường 7), giải ba thuộc về ghe ngo chùa Tưk Pray (huyện Long Phú). Đến nay thì ghe ngo nữ đã trở thành phong trào với mỗi giải đua có từ 5 đội tham gia trở lên và ở huyện cũng thường có 1 đội ghe ngo nữ tham dự.

Từ lúc quan niệm được gỡ bỏ, trên đường đua xanh của mùa Ok Om Bok hằng năm không bao giờ vắng bóng chị em phụ nữ. Tuy mái dầm và tốc độ không bì được so với ghe nam, nhưng hình ảnh những cô gái Khmer cầm mái chèo thi đấu luôn thu hút sự chú ý theo dõi của hàng trăm ngàn khán giả. Họ cổ vũ, gióng trống và tung hô khi chứng kiến những cuộc bứt phá về đích của chị em. Đáp lại tình cảm khán giả, luôn là những điệu múa Romvong trên thuyền của chị em mỗi khi ghe quay về, dù chiếc ghe của họ thắng hay thua trong cuộc đua vừa diễn ra.

Miệt mài luyện tập.


Tiếp xúc với những người phụ nữ tiên phong ngày đó, chúng tôi mới thấy hết được sự đam mê của họ đối với môn thể thao của dân tộc. Là người cầm còi cho ghe ngo nữ chùa Đơm Pô (xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề) từ khi chùa thành lập đội ghe ngo nữ năm 2006, chị Sơn Thị Tuyết cho biết: "Hồi đó đi vận động khó lắm, chớ không như bây giờ là hễ đến tháng 10 thì ai cũng hỏi. Chủ yếu là do mấy ông chồng không cho đi, bắt phải ở nhà mần ruộng. Mấy ổng đi được thì tụi tui cũng phải đi được chớ. Với lại, hồi đó chị em vẫn còn rất sợ khi đến gần chiếc ghe ngo, họ sợ bị “quở”, sợ bị này bị nọ… vì theo truyền thống, chẳng chị em nào dám bén mảng đến gần chiếc ghe ngo, huống chi là ngồi lên để cầm chèo thi đấu”.

Còn chị Thạch Thị Quyên, đội trưởng chùa Tưk Pray thì khẳng định: “Đàn ông chơi được thì chị em phụ nữ tôi cũng chơi được, phải có nam có nữ mới tăng thêm phần sinh động cho ngày lễ chứ”. Chị kể ngày đầu tập bơi, cả đêm chị không tài nào chợp mắt được. Đến khi chính thức bước xuống ghe, cảm giác hồi hộp và tự hào cứ đan xen vào nhau.

Khi “nghiệp cầm chèo” đã ngấm vào “máu” của các “bóng hồng” thì họ cũng sôi nổi chẳng kém đấng mày râu. Có nhiều gia đình, cả mấy chị em đều cùng nhau tập luyện, cùng dắt díu nhau đi thi đấu. Chị Sơn Thị Út cùng em gái là Sơn Thị Hậu, ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú, luôn có mặt đúng giờ để tập luyện tại chùa Tưk Pray. Cả nhà của chị, ai cũng tham gia tập luyện, ông xã chị thì tập luyện cho đội ghe ngo chùa Bưng Kro Chap Thmey trong xã Tân Hưng. Theo chị Út, tham gia thi đấu ghe ngo không chỉ để giữ gìn bản sắc cho môn thể thao truyền thống của dân tộc, mà còn là dịp để chị em phụ nữ thể hiện tài năng và tinh thần thể thao chẳng kém gì đàn ông.

Lễ hội đua ghe ngo Ok Om Bok là một trong 3 lễ lớn của đồng bào Khmer là Chôl Chnam Thmey, Ok Om Bok, Sene Đôlta. Lễ hội chính là một cách để người dân cảm ơn dòng sông đã cung cấp cá và làm đất đai phì nhiêu, đánh dấu thời điểm kết thúc mùa mưa.

Bài và ảnh: Chanh Đa