11:12 24/11/2010

Những bài học từ cuộc khủng hoảng giá lương thực 2007-2008

Theo mạng tin Hồng Công "Asia Sentinel", trong bối cảnh giá lúa mì và ngô đang tăng tới 50% kể từ tháng 6/2010, ngày càng có nhiều mối lo ngại về nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá lương thực leo thang cũng như cách ứng phó với nguy cơ này.

Theo mạng tin Hồng Công "Asia Sentinel", trong bối cảnh giá lúa mì và ngô đang tăng tới 50% kể từ tháng 6/2010, ngày càng có nhiều mối lo ngại về nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá lương thực leo thang cũng như cách ứng phó với nguy cơ này. Đây là lúc thích hợp để nhìn lại câu chuyện tương tự cách đây 3 năm.


Một báo cáo dày 142 trang mới công bố của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) đã đưa ra cái nhìn cặn kẽ về các yếu tố dẫn đến giá lương thực tăng kịch trần trong năm 2007 và 2008, đồng thời tìm cách ngăn chặn một cuộc khủng hoảng như vậy tái diễn.

Theo báo cáo trên, sau cuộc khủng hoảng giá lương thực 2007-2008, cho dù nhiều người tin rằng các nguyên nhân chính là nhu cầu tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ, sản lượng nông nghiệp giảm và nạn đầu cơ, song thực chất cuộc khủng hoảng này là sự tổng hợp các yếu tố: Chi phí nhiên liệu tăng, nhu cầu về nhiên liệu sinh học tăng, đồng USD bị sụt giá và các cú sốc thương mại ảnh hưởng tới xuất khẩu, hoảng loạn sức mua và thời tiết bất lợi. Cuộc khủng hoảng đã để lại hậu quả rất nặng nề khi có tới hơn 75 triệu người rơi vào tình trạng thiếu ăn, trong đó nhóm bị ảnh hưởng nhất là phụ nữ và các bé gái.


IFPRI cảnh báo nếu không tiến hành những cải cách nhanh chóng, việc xảy ra một cuộc khủng hoảng giá lương thực nữa chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, hầu hết những cải cách mà báo cáo trên đề xuất lại dường như nằm ngoài tầm với của các chính phủ trên thế giới ở thời điểm này.

Báo cáo cho rằng cần thực hiện thương mại hóa nông nghiệp, đồng thời giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, tài nguyên cạn dần và các mối đe dọa dài hạn khác đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Song, vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm hướng tới một sự tự do hơn nữa trong buôn bán nông sản đang bị đình trệ kể từ năm 2001 bất chấp nhiều nỗ lực nối lại vòng đàm phán này.

Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy đã mời 153 thành viên WTO nhóm họp ngày 30/11 tới để nối lại tiến trình. Cả hội nghị G-20 và APEC đầu tháng này đã đề cập tới việc khởi động lại đàm phán. Nhưng cho dù có những tuyên bố "không khí đã được cải thiện đáng kể", vẫn còn đó câu hỏi lớn nhất là đàm phán sẽ đi tới đâu. Trong khi đa số các thành viên WTO cho rằng Mỹ là trở ngại chính (vì những khoản trợ cấp khổng lồ mà chính phủ Mỹ dành cho nông dân nước này) thì Oasinhtơn lại chỉ trích Braxin, Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế đang nổi khác là tìm cách bảo hộ khu vực nông nghiệp.

Một đề xuất khác của IFPRI về tăng cường các mạng lưới an sinh xã hội ở những quốc gia không bảo đảm được an ninh lương thực cũng khó khả thi trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu tiếp diễn và nhiều nước trong nhóm trên như Camơrun, CHDC Cônggô, Gana, Nigiêria… vẫn chìm trong khó khăn kinh tế. Khuyến cáo của IFPRI về khuyến khích sản xuất nông nghiệp ở ít nhất là vài nước đang dựa nhiều vào nhập khẩu lương thực cũng không dễ thực thi. Theo báo cáo của IFPRI, cách tốt nhất để cải thiện an ninh lương thực là đầu tư tăng cường sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển và giảm tối đa tình trạng sử dụng nông sản để sản xuất nhiên liệu sinh học.

Cuộc khủng hoảng giá lương thực 2007-2008 được cho là mang lại một số bài học quan trọng. Nhiều quan điểm cho rằng cuộc khủng hoảng này phần nào do nhu cầu tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ, tuy nhiên, cả hai nước này đều bảo đảm được an ninh lương thực ở cấp quốc gia và họ hiếm khi phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều lương thực, ngoại trừ hạt có dầu.

Cuộc khủng hoảng giá gạo (tăng từ 300 USD/tấn lên hơn 1.100 USD/tấn trước khi giảm một nửa hiện nay) là biểu hiện rõ rệt nhất của cuộc khủng hoảng giá lương thực 2007-2008. Theo IFPRI, đầu cơ trên thị trường tài chính có thể đóng một vai trò nhất định, song không phải là quyết định. Chính các hạn chế xuất khẩu và thu mua hoảng loạn đã biến tình hình nghiêm trọng trở thành một cuộc khủng hoảng thực sự. Điều này đúng không chỉ với gạo mà còn với lúa mì và ngô.

Trung Sơn
(P/v TTXVN tại Hồng Công)