05:09 23/05/2014

Những bài học lớn từ khủng hoảng Ukraine

Không được đóng băng các kênh đối thoại, tăng cường các cơ chế an ninh quốc tế, không được để khủng hoảng vượt ra ngoài tầm kiểm soát... là những bài học được rút ra từ cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.

Theo Giáo sư Igor S. Ivanov tại Viện Quan hệ Quốc tế Moskva và từng là Bộ trưởng Ngoại giao Nga (1998-2004), Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga (2004-2007), tình hình bất ổn diễn ra tại Ukraine trong vài tháng qua rõ ràng đã gây ảnh hưởng sâu rộng đến các mối quan hệ quốc tế. Diễn biến ở Ukraine thực sự rất phức tạp và có lẽ là một trong những phép thử nghiêm trọng đầu tiên đối với các cường quốc hàng đầu trên thế giới kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Mặc dù cuộc khủng hoảng vẫn chưa đến hồi kết, nhưng chúng ta cũng có thể rút ra một số bài học quan trọng đối với cả Nga và phương Tây:

Các cơ chế an ninh quốc tế phải được tăng cường

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine không được miêu tả như là một thất bại bất ngờ của nền chính trị thế giới, hoặc là một hiện tượng đơn lẻ mà đang đi ngược lại xu hướng chủ yếu của quốc tế trong những thập kỷ gần đây. Trong thực tế, cuộc khủng hoảng này có một lịch sử lâu dài, liên quan đến việc phương Tây tấn công vũ trang chống Nam Tư, can thiệp quân sự tại Iraq, việc Mỹ đơn phương rút lui khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) và các sự kiện gần đây ở Libya, Syria.

Xe tăng của quân đội Ukraine sau một vụ đụng độ với lực lượng phòng vệ của thành phố Lisichansk, khu vực Lugansk ngày 22/5. Ảnh: RIA Novosti


Một loạt các sự kiện trên rõ ràng, theo cách này hay cách khác, cho thấy phương Tây đã phá hoại nền tảng của luật pháp quốc tế và hạ thấp vai trò của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, làm giảm cơ hội cho các hành động đa phương, tìm cách biện minh cho các hành động quân sự...

Vì vậy, bài học đầu tiên là cần phải nghiêm túc giải quyết vấn đề tăng cường các cơ chế an ninh quốc tế để cùng nhau hình thành một trật tự thế giới mới nhằm giảm thiểu rủi ro của các cuộc khủng hoảng như trong trường hợp của Ukraine.

Vượt qua di sản của Chiến tranh Lạnh

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã chỉ ra rằng, hố sâu ngăn cách trong việc không tin tưởng lẫn nhau giữa Nga và phương Tây vẫn còn rộng lớn như thời kỳ cách đây hơn 20 năm. Những ý tưởng cũ và nỗi sợ hãi giữa hai bên được chứng minh là vẫn còn tồn tại, khiến cho cả Nga và phương Tây xem các sự kiện ở Ukraine như một cuộc chơi "tổng bằng không". Những lời lẽ kiểu Chiến tranh Lạnh và diều hâu vẫn thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Do đó, bài học thứ hai được rút ra là hai bên phải nỗ lực, nhất quán, xây dựng niềm tin với nhau.

An ninh châu Âu phải được giải quyết

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã cho thấy sự mong manh và không đáng tin cậy của các tổ chức an ninh hiện nay của châu Âu. Thật đáng tiếc, châu Âu không có một thỏa thuận có giá trị nào về kiểm soát vũ khí thông thường và lực lượng vũ trang. Kế hoạch hiện đại hóa Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vẫn còn nằm trên bàn, trong khi ngay cả trong thời kỳ hoàng kim của nó, Hội đồng NATO - Nga cũng chỉ có chức năng chủ yếu như một cơ quan kỹ thuật.

Trong khi đó, vấn đề an ninh của châu Âu không thể chỉ giải quyết thông qua các cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo châu Âu ở thời điểm cuộc khủng hoảng leo thang. Bài học thứ 3 là an ninh chung của khu vực châu Âu- Đại Tây Dương phải được giải quyết một lần và cho tất cả. Hợp tác trong lĩnh vực này phải trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Không để khủng hoảng vượt ngoài tầm kiểm soát

Người dân ở phía đông Ukraine trong một cuộc biểu tình ủng hộ liên bang hóa.


Tình hình bất ổn ở Ukraine là một minh chứng sống động về những gì mà các tài liệu giảng dạy về quan hệ quốc tế mô tả là "sự leo thang ngoài ý muốn".

Không đánh giá thấp chủ nghĩa cực đoan chính trị

Trước đây, nhiều người nghĩ rằng lực lượng chủ nghĩa dân tộc cực đoan cánh hữu chỉ là một bộ phận nhỏ ở châu Âu hiện đại, không có khả năng trở thành một lực lượng đứng đằng sau các tiến trình chính trị. Nhưng khủng hoảng Ukraine đã phá vỡ lập luận đó.

Hơn nữa, chủ nghĩa cực đoan chính trị ở Ukraine đã dẫn đến một sự gia tăng chưa từng có của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở cả Nga, châu Âu, và các nơi khác. Sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan chính trị là một mối đe dọa thực sự không chỉ đối với các quốc gia Arập phát triển, mà còn đối với cả các nền dân chủ phương Tây.

Không được đóng băng các kênh đối thoại


Lịch sử của các cuộc khủng hoảng quốc tế dạy chúng ta rằng phản ứng tồi tệ nhất là hủy bỏ sự tiếp xúc đã được thiết lập và đóng băng các kênh đối thoại hiện có. Trái lại, đối thoại phải được thực hiện trước để ngăn chặn các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.

Nhớ lại rằng các kết quả của một trong những tình huống nguy hiểm nhất trong Chiến tranh Lạnh - Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 - đã làm sâu sắc hơn vấn đề hợp tác về vũ khí hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ, mà cuối cùng dẫn đến Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân hiện nay.

Bài học này không nên bị lãng quên khi có những lời kêu gọi tạm dừng các kênh liên lạc giữa Nga và phương Tây, áp dụng các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn. Bỏ qua những giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được cho các vấn đề nảy sinh là điều thường gặp của tất cả chúng ta.


Công Thuận (Nezavisimaya Gazeta)