02:20 24/02/2015

Những áo trắng nơi... 'đầu sóng ngọn gió'

Dù trong ngày thường hay lễ tết, những con người trong chiếc áo bờ - lu trắng vẫn ân cần với bệnh nhân. Họ luôn là “tuyến đầu” của cam go, thử thách.

Ở một nơi mà người ta thường thấy ranh giới sự sống và cái chết rất mong manh, thì nơi đó những trái tim nhân hậu, lòng nhiệt huyết với nghề của người thầy thuốc luôn tỏa sáng lung linh. Dù trong ngày thường hay lễ tết, những con người trong chiếc áo bờ - lu trắng vẫn ân cần với bệnh nhân. Họ luôn là “tuyến đầu” của cam go, thử thách.

Các bác sĩ khoa cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy đang theo dõi những ca nặng.


Chuyện đêm giao thừa

23 giờ 45 phút của ngày cuối cùng năm Giáp Ngọ, những căn nhà nằm dọc trên con phố Nguyễn Chí Thanh (quận 5, TP Hồ Chí Minh) sáng choang ánh đèn. Trước cửa nhà, gia chủ đang tất bật bày biện mâm ngũ quả, nến và hoa hòa trong tiếng nhạc xuân vang lên rộn rã để chỉ vài phút nữa thời khắc năm mới sẽ “gõ cửa” từng nếp nhà. Thế nhưng ở phía bên kia con đường, cổng cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy mở toang, phút chốc những chiếc xe cấp cứu hụ còi inh ỏi, lao nhanh vào khoảng sân bên trong khuôn viên bệnh viện... Đó cũng là cảnh thường gặp của bệnh viện trong dịp Tết.

Bác sĩ Vũ Duy, Phó khoa Cấp cứu, chia sẻ: Đêm giao thừa nơi đây có 7 ca nặng, trong đó có đến 3 ca chấn thương sọ não do tai nạo giao thông. “Vào những ngày Tết, các ca cấp cứu tăng hơn so với ngày thường và chủ yếu đều do nguyên nhân tai nạn giao thông. Như đêm giao thừa năm 2013, khoa Cấp cứu tiếp nhận 195 ca, năm 2014 con số tăng lên 217 ca, năm 2015 là 257 trường hợp”, bác sĩ Duy nói.

Có lẽ chưa cần phải nghe những người thầy thuốc ở đây kể cho chúng tôi nhiều hơn về những vất vả với “cuộc chiến” giành giật sự sống mà chỉ cần chứng kiến cảnh tượng trong khoa Cấp cứu những ngày này cũng đủ để nhận ra rằng họ chẳng còn thời gian để nghĩ đến chuyện vui Tết. Nhưng chỉ cần nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh, nhìn thấy nụ cười của thân nhân người bệnh, với họ, đó là niềm vui trọn vẹn mỗi khi xuân về. Nhắc đến tâm trạng của mình phải trực cấp cứu trong đêm giao thừa, bác sĩ Duy nở nụ cười hiền hậu, nói: “Mình quen rồi. Thực ra những năm đầu tiên đi trực thì cũng buồn lắm nhưng là nhiệm vụ của người thầy thuốc đối với sức khỏe của nhân dân làm sao thoái thác được”.

Trọn tình yêu với nghề

Là bệnh viện đa khoa tuyến cuối, nên khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Áp lực từ sự quá tải của bệnh nhân khắp vùng miền đất nước chuyển đến, áp lực từ sự đa dạng, phức tạp của bệnh lý. Vào những ngày thường, khoa Cấp cứu nhận hàng trăm ca và chỉ có những bác sĩ dám dấn thân, dành trọn tình yêu với nghề mới có thể gắn bó lâu dài.

Nhắc đến những đồng nghiệp đang công tác ở nơi “tuyến đầu” của bệnh viện, nhiều y bác sĩ nói về họ bằng sự trân trọng vì họ phải hi sinh bản thân, ít thời gian bên gia đình, làm việc thâu đêm suốt sáng, bất kể ngày nghỉ hay ngày lễ Tết. Thậm chí khi mọi người vui vẻ quây quần cùng gia đình, bè bạn thì họ phải làm việc cật lực hơn bởi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng lên.

Bác sĩ Duy ví von rằng, khoa Cấp cứu là nơi “đầu sóng ngọn gió” và 15 năm trong nghề y và gắn bó với khoa Cấp cứu kể từ khi ra trường, hầu như năm nào anh cũng đón giao thừa trong bệnh viện cùng với bệnh nhân. Và trong ngần ấy năm đấy, bác sĩ Duy chất chứa rất nhiều kỷ niệm vui buồn, đó là những lần những bệnh nhân vượt qua được “ải tử thần” bởi anh cùng với những đồng nghiệp trong kíp trực cấp cứu kịp thời. Hay những lần y bác sĩ phải chịu áp từ phía gia đình bệnh nhân, kể cả sự bức xúc thiếu kiềm chế đã đè nặng lên vai những người làm công tác cấp cứu. Nhưng đến ngày hôm nay, bác sĩ Duy và nhiều y bác sĩ khác vẫn bám trụ ở nơi đây và tình yêu, lòng nhiệt huyết với nghề, với bệnh nhân được tiếp tục “truyền lửa” cho thế hệ đàn em.

Bác sĩ trẻ Huỳnh Thị Nhung, cô gái với dáng người nhỏ nhắn, sinh năm 1989, quê ở Quảng Ngãi là một điển hình. Sau khi tốt nghiệp ngành y, hai năm qua, Nhung đã gắn bó với khoa Cấp cứu và hai mùa Tết đều dành trọn thời gian cho bệnh nhân. Nhung kể: “Gần như thời gian một ngày em đều dành hết cho công việc và học hành nâng cao kiến thức. Em nhớ lúc mới về khoa, bạn bè còn điện thoại rủ rê đi chơi nhưng riết rồi không ai thèm rủ mình đi chơi nữa. Nếu cho em có sự chọn lựa, em vẫn chọn khoa Cấp cứu vì nơi đây em được cống hiến hết sức mình cho sức khỏe nhân dân”.

Đồng hồ ở khoa Cấp cứu chỉ số 12, cùng lúc tiếng pháo hoa ở điểm bắn công viên văn hóa Đầm Sen vang đến tận Bệnh viện Chợ Rẫy, các y bác sĩ khoa Cấp cứu vẫn tất bật, khẩn trương với những ca cấp cứu ngày càng đông. Đúng vào thời khắc thiêng liêng đó, chúng tôi hỏi điều mong ước lớn nhất trong năm mới của những người thầy thuốc là gì và câu trả lời mà chúng tôi nhận được tuy dí dỏm nhưng lại chất chứa một tình cảm chân thành của người thầy thuốc: “Những bác sĩ cấp cứu như chúng tôi chỉ mong mình được thất nghiệp”.


Bài và ảnh: Anh Đức