12:23 21/12/2011

Nhức nhối tình trạng chiếm dụng vỉa hè

Số lượng các tuyến phố vỉa hè thực sự thông thoáng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đại đa số các đường phố thì vỉa hè vẫn lộn xộn bởi tình trạng lấn chiếm để kinh doanh, để sở hữu vào việc riêng…

Ai cũng biết rằng vỉa hè là dành cho người đi bộ, nhưng thực tế thì vỉa hè của hầu hết các tuyến đường trong và ngoài thành phố luôn bị người dân chiếm dụng dùng làm nơi kinh doanh, buôn bán. Hình ảnh đập vào mắt mọi người và đã trở thành quá “quen thuộc” nơi các vỉa hè thành phố đó là các quán nước, quán hàng ăn sáng, ăn đêm tràn lan. Không thiếu gì chỗ, nhất là các tuyến phố ven ngoại đô, vỉa hè thường bị lấn chiếm để tập kết vật liệu xây dựng, trông giữ và rửa xe...

Tại các khu vực, các đường phố của mấy quận trung tâm, vỉa hè vốn đã nhỏ hẹp lại thường bị người dân có cửa hàng cửa hiệu chiếm dụng để mở hàng nước, hàng ăn, để xe đạp, xe máy, kê và treo hàng hóa mà mình buôn bán. Hằng ngày, khi mới độ 4-5 giờ sáng mà vỉa hè ở một số tuyến phố thuộc phạm vi quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình… đã nhan nhản các hàng quà bánh phục vụ nhu cầu ăn sáng của người dân. Người ta dựng bàn, kê ghế cho khách ngồi chiếm hết phần vỉa hè. Rồi thì khách ăn thường dựng xe choán ngợp, thậm chí có chủ hàng còn chỉ đạo cho khách để xe dưới lòng đường để ngồi ăn trên vỉa hè. Vẫn biết là khoảng thời gian trước 7 giờ sáng những người có trách nhiệm dẹp trật tự an toàn giao thông thuộc các địa bàn… chưa làm việc, thế nhưng việc vỉa hè bị chiếm dụng vào thời khắc này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới những người khách bộ hành có công việc phải đi sớm, những người đi tập thể dục, hay những người đến công sở…

Trong khoảng thời gian hành chính từ 8 giờ sáng tới 4 - 5 giờ chiều, ở một số tuyến phố trong nội đô việc lập lại trật tự trên vỉa hè có vẻ nghiêm túc, thế nhưng, ngoài thời gian này ra thì đâu lại vào đó, vỉa hè lại bị lấn chiếm và lộn xộn. Khoảng hơn 4 giờ chiều tại vỉa hè trục đường Nguyễn Khánh Toàn dẫn từ đường Bưởi chạy ra Viện Bảo tàng Dân tộc học, gần công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) đã ngổn ngang các bao hàng chứa quần áo, giày dép của những chủ kinh doanh được dọn ra. Con phố dài cả cây số ấy có tới hàng trăm chủ buôn bán kinh doanh bán hàng trên vỉa hè khiến cho vỉa hè có mà cũng như không, vì vậy người đi bộ chỉ còn nước là… xuống đường.

Chẳng phải riêng một con phố nào, mà khi thành phố bắt đầu lên đèn thì hầu hết các con phố, các cung đường trong và ngoài thành phố vỉa hè lại xôm tụ, nhộn nhịp bởi quán xá, hàng ăn… Dọc đường Phố Huế, Hàng Bài; hay trên các phố Bà Triệu, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Ngang, Cầu Gỗ, Hàng Dầu… tối, đêm nào cũng nhan nhản quán xá mọc lên. Không chỉ chiếm dụng vỉa hè, làm bẩn vỉa hè bởi rác thải, mà chính các quán đêm này là tác nhân của rất nhiều vụ rượu chè rồi sinh ra đánh, chửi nhau gây mất trật tự an ninh xã hội.

Như đã nói, vỉa hè bị chiếm dụng thì khách bộ hành chỉ còn cách bước xuống lòng đường để đi và vô tình họ lại là những người “lấn chiếm” đường của các phương tiện tham gia giao thông. Đã có không ít câu chuyện thương tâm, những tai nạn đáng tiếc người đi bộ bị va quệt, mà nguyên nhân là do họ đi dưới lòng đường, không thể đi trên vỉa hè. Được biết, việc lập lại trật tự để trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè đã được chính quyền thành phố đôn đốc chỉ đạo và thực thi từ lâu vậy mà xem ra hiệu quả thu được chẳng đáng là bao. Số lượng các tuyến phố vỉa hè thực sự thông thoáng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đại đa số các đường phố thì vỉa hè vẫn lộn xộn bởi tình trạng lấn chiếm để kinh doanh, để sở hữu vào việc riêng…

Để vỉa hè thực sự thông thoáng và được trả về với đúng mục đích là dành cho người đi bộ, mong rằng chính quyền thành phố cần phải đôn đốc các địa phương và đội thanh tra giao thông thường xuyên ra quân và phải kiên quyết hơn, nghiêm khắc hơn với những trường hợp cố tình vi phạm để răn đe người khác. Mặt khác, cũng phải kết hợp làm tốt việc tuyên truyền ý thức tự giác đối với mỗi người dân…

Duy Hoàng