09:06 04/09/2014

Nhức nhối thủ tục đất đai

Để gỡ vướng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 43/NQ-CP... Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng Nghị quyết ra đời, những cải cách được coi là trọng tâm vẫn đang nằm trên giấy.

Để gỡ vướng cho doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 43/NQ-CP về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng Nghị quyết ra đời, những cải cách được coi là trọng tâm vẫn đang nằm trên giấy.


Doanh nghiệp khổ sở vì thủ tục


“Lãnh địa”, đó là cụm từ mà DN không ngại ngần sử dụng để nói về việc hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hiện nay. Ông Chu Đức Lượng, Chủ tịch Tập đoàn Phú Mỹ (Hà Nội) cho biết, các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến đất đai khá chặt chẽ, mỗi ngành một “lãnh địa”. Quy hoạch có lãnh địa riêng, giao thông lãnh địa riêng nên dù được giao chủ trì nhưng ngành Kế hoạch - Đầu tư vẫn bị các sở, ngành khác chi phối.

 

Cán bộ Tổ tư vấn hướng dẫn thủ tục hành chính xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp hướng dẫn người dân chuẩn bị hồ sơ thủ tục.

 

Chỉ riêng việc xác định quy hoạch, Sở Kế hoạch - Đầu tư khẳng định phù hợp nhưng Viện Quy hoạch nói không phù hợp, hoặc không trả lời, mọi việc đã trở nên ách tắc. Trong khi chỉ cần một cuộc họp để thống nhất quan điểm, các sở, ngành, đơn vị phải tổ chức đến 4 cuộc họp riêng rẽ và để tổ chức được mỗi cuộc mất từ 1 đến 2 tháng, như vậy doanh nghiệp đã chờ 8 tháng. Dẫn chứng từ các dự án đầu tư khu công nghiệp, nhà ở cho công nhân của Tập đoàn, ông Chu Đức Lượng cho biết các dự án phải chờ đợi ít nhất 2 năm để hoàn thiện các thủ tục đầu tư nhưng ông chỉ cần 9 tháng để xây dựng và đưa dự án vào hoạt động.


Thực hiện cải cách TTHC theo Nghị quyết 43/NQ-CP đòi hỏi sự liên thông, các ngành phải phối hợp nhịp nhàng. Chỉ một khâu thiếu đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền thủ tục. Ông Trần Viết Bảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định

“Ì ạch” hơn Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty TNHH Du lịch Sao Việt (Phú Yên) phải mất 4 năm lo thủ tục đất đai cho dự án đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại xã An Phú, thành phố Tuy Hòa và hiện vẫn còn nhiều phần việc cần tiếp tục giải quyết. Vướng mắc mà DN đang gặp phải, theo bà Trần Thị Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, đó là để ra được giá thuê đất, hưởng ưu đãi miễn tiền thuê đất theo quy định, DN phải thực hiện rất nhiều thủ tục nhiêu khê, qua nhiều “cửa”.

 

Là Chủ tịch Hội doanh nghiệp Phú Yên, nắm rõ những vướng mắc của các hội viên và bản thân cũng gặp không ít rào cản khi triển khai các dự án đầu tư có liên quan đến sử dụng đất đai, ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần IDP thẳng thắn cho rằng DN bị gây nhiều “nhũng nhiễu” khi thực hiện các thủ tục về đất đai. Để thực hiện được một dự án đầu tư, họ phải đi tới đi lui, qua nhiều sở, ban, ngành và muốn làm cho nhanh để cơ hội đầu tư không vuột khỏi tay, chủ đầu tư buộc lòng phải “chạy”. Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng NHS Hà Nội cho hay, các thủ tục liên quan đến hồ sơ đề xuất cấp dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận dự án về nhà ở có nhiều điểm trùng lắp khiến DN phải khổ sở vì lo thủ tục và chờ đợi.


Bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư


Trước tình trạng trên, Nghị quyết 43/NQ-CP ra đời được các DN đón chờ như một “cứu cánh” trong lĩnh vực được coi là gian nan nhất khi thực hiện các thủ tục đầu tư. Với việc cắt giảm 12 TTHC và đơn giản hóa nhiều thủ tục có liên quan, nếu thực hiện triệt để các giải pháp theo quy định hiện nay, thời gian thực hiện TTHC của nhà đầu tư sẽ giảm còn 50% so với trước đây (từ 155 - 865 ngày làm việc xuống còn khoảng 80 - 480 ngày làm việc). Các DN cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Nghị quyết 43/NQ-CP ra đời là rất cần thiết, nắm bắt đúng nhu cầu của DN. Nhiều công việc trước đây nhà đầu tư phải thực hiện như thủ tục cấp giấy phép quy hoạch, nộp trích lục bản đồ địa chính… nay được trả về đúng “vai” cho nhà quản lý.


Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, NQ43 sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho nhà đầu tư, các thủ tục sẽ thông thoáng và minh bạch hơn. Đây cũng là căn cứ thuận lợi để các cơ quan, các ngành tìm ra tiếng nói chung về những vấn đề trước đây gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.


Theo ông Lê Văn Thứ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Yên, đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài, việc bãi bỏ thủ tục đăng ký đầu tư với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư không có điều kiện, thay thế thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư bằng thủ tục đăng ký đầu tư với nội dung đăng ký đơn giản hay lồng ghép các nội dung; nếu được thực hiện sẽ là bước cải tiến quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Từ năm 2012, Phú Yên đã thực hiện lồng ghép nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm đồng thời trong một bộ hồ sơ và một văn bản (Thông báo chủ trương đầu tư dự án) của UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện, đã đem lại thuận lợi rõ rệt cho nhà đầu tư.


 

Điều chỉnh phải đồng bộ


Tuy vậy, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, các nhà quản lý, các DN cho rằng vẫn còn không ít vướng mắc cần giải quyết. Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, Nghị quyết vẫn còn những điểm chưa rõ ràng, khái niệm dự án có sử dụng đất còn chung chung, chưa cụ thể là dự án gì. Nghị quyết nêu bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, nhưng không nêu rõ các dự án nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có phải cấp giấy chứng nhận đầu tư hay không. Đây cũng là băn khoăn của các DN hiện nay.


Ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư xây dựng NHS (Hà Nội) cũng không khỏi lo ngại những điểm mâu thuẫn giữa Nghị quyết với nội dung một số Luật hiện hành. Cùng chung mối quan ngại, ông Lê Văn Thứ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Yên băn khoăn: Trong khi Luật Đầu tư chưa sửa đổi, một số luật khác mới sửa đổi, đang trong quá trình hướng dẫn thực hiện bằng các Nghị định, Thông tư. Việc điều chỉnh cần phải đồng bộ với các Luật khác.


Bên cạnh đó, sau khi thực hiện thủ tục đăng ký, thẩm tra đầu tư, để tiếp tục triển khai dự án, nhà đầu tư vẫn phải thực hiện hàng loạt các thủ tục có liên quan, từ xin các giấy phép, thực hiện thủ tục về đất đai, xây dựng… Thực tế cho thấy có một sự trùng lặp rất lớn giữa thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư và thủ tục về đất đai, xây dựng công trình và bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như căn cứ cấp giấy chứng nhận đầu tư (theo trình tự thẩm tra dự án) và căn cứ giao đất, cho thuê đất đều có tiêu chí là phù hợp quy hoạch sử dụng đất; phù hợp quy hoạch xây dựng và nhu cầu sử dụng đất.

 

Căn cứ thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư và thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng công trình đều có việc thẩm định sự phù hợp quy hoạch về xây dựng; đều quy định phải thẩm tra giải pháp về môi trường. Điều này trùng lặp và chồng chéo với thẩm tra báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký cam kết bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định khá cụ thể, chi tiết tại luật bảo vệ môi trường và quy định hướng dẫn thi hành.

 

Bài và ảnh: Chu Thanh Vân