10:10 08/10/2010

Nhu cầu hạ tầng tại các nước đang phát triển sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao

Mạng tin "Dự báo Thị trường" ngày 5/10 dẫn nhận định của một số nhà phân tích cho rằng, giá hàng hóa và nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng mạnh trong thời gian tới,

Mạng tin "Dự báo Thị trường" ngày 5/10 dẫn nhận định của một số nhà phân tích cho rằng, giá hàng hóa và nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng mạnh trong thời gian tới, do tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng nhanh tại các nước đang phát triển, nhất là nhóm BRIC (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng khổng lồ trên toàn cầu.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, tại các nước đang phát triển, mỗi ngày có khoảng 1 triệu người sinh ra hoặc di cư đến các thành phố lớn. Đến năm 2030, dân cư đô thị toàn cầu sẽ tăng thêm 1,6 tỷ người và chiếm 60% tổng số dân cư trên Trái Đất. Nhu cầu gia tăng về lương thực, nhà cửa, giao thông và năng lượng sẽ gây sức ép lên nhiều đại đô thị ở các thị trường đang nổi. Hồi tháng 8/2010, vụ tắc nghẽn giao thông kéo dài gần 1 tháng ở gần Bắc Kinh (Trung Quốc) đã thu hút sự chú ý của dư luận khắp thế giới. Theo tổ chức tài chính Merrill Lynch, thời gian đi lại trung bình hàng ngày của một nhân viên văn phòng ở Trung Quốc lâu gấp hai lần so với ở Mỹ.

Phân tích của tập đoàn năng lượng PIRA cho thấy, mối liên hệ tỷ lệ thuận giữa tỷ lệ đô thị hóa của một quốc gia, nơi nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng rất cao, với nhu cầu về dầu thô hàng ngày của người dân. Nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh sự sôi động của các nền kinh tế đang nổi đã dẫn tới nhu cầu và giá cả tăng mạnh đối với các mặt hàng kim loại và dầu thô.

Ấn Độ đang vất vả trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của một dân số khổng lồ. Gần 40% dân số nước này không được sử dụng điện và gần 400.000 trẻ em tử vong hàng năm do các loại bệnh tật vì thiếu nước sạch.

Nga đang phải phụ thuộc vào hệ thống đường sá và cơ sở hạ tầng thời Xô Viết để vận chuyển tài nguyên khoáng sản xuất khẩu ra thế giới. Đa phần những con đường này không được nâng cấp kể từ đầu thập niên 1980. Hệ thống đường bộ của Nga xếp gần hạng cuối cùng so với các nước khác trên thế giới.

Trong nhóm BRIC, Braxin có sự chênh lệch lớn nhất về cơ sở hạ tầng. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng tính theo tỷ trọng GDP của nước này giảm liên tục kể từ thập niên 1970 xuống còn hơn 2% trong những năm 2000 - gần bằng mức đầu tư của Mỹ. Sự đầu tư không thỏa đáng phản ánh thực tế Braxin nằm trong nhóm cuối cùng trên thế giới xét về chất lượng đường sá, cầu cảng và sân bay.

Để phát triển một hệ thống cơ sở hạ tầng tương xứng, các nước đang phát triển cần những khoản đầu tư khổng lồ. Merrill Lynch dự đoán trong vòng 3 năm tới, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng toàn cầu sẽ vào khoảng 6.000 tỷ USD, trong đó 80% đến từ các nước thuộc nhóm BRIC. Trong số các nền kinh tế đang nổi, Trung Quốc sẽ là "người tiêu dùng" vượt trội, với 3.871 tỷ USD. Phần lớn nguồn vốn đầu tư đều đổ vào các lĩnh vực năng lượng - điện, giao thông - hậu cần và nước - môi trường.

Mức chi tiêu nói trên sẽ là một động lực khổng lồ thúc đẩy giá cả các mặt hàng như dầu thô, than đá, quặng sắt và vật liệu xây dựng như sắt thép và xi măng tăng vượt dự đoán của hầu hết các nhà phân tích. Các công ty xây dựng và kinh doanh thiết bị sẽ có lợi, giống như làn sóng đào vàng trước đây ở Mỹ, khi nhóm người được lợi nhất là những người cung cấp thiết bị đào vàng như cuốc, xẻng... Các công ty kinh doanh nước, giao thông và hậu cần cũng sẽ được lợi từ làn sóng xây dựng hiện nay.