07:21 15/07/2011

Nhốn nháo thị trường thực phẩm chức năng: Thổi giá “thần dược”

Hiện không ít công ty, cơ sở nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng trái phép và đây là mặt hàng thường được quảng cáo sai sự thật nhất nên khi bị cơ quan chức năng “thắt” chỗ này nó lại “mở” chỗ khác...

Hiện không ít công ty, cơ sở nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng trái phép và đây là mặt hàng thường được quảng cáo sai sự thật nhất nên khi bị cơ quan chức năng “thắt” chỗ này nó lại “mở” chỗ khác. Trong khi đó, công tác tiền kiểm, hậu kiểm có không ít lỗ hổng khiến người tiêu dùng nhầm lẫn, chịu thiệt. Vì thế, các chuyên gia y tế cho rằng thị trường thực phẩm chức năng hiện nay đang vô cùng nhốn nháo. Thị trường này cần sự “cầm cương” nhanh, hiệu quả.

Dạo qua thị trường, dễ thấy hai đặc điểm của thực phẩm chức năng. Một là chúng có giá cao trên trời. Hai là các loại thực phẩm này được gán quá nhiều công dụng siêu đẳng. Hai điều này có liên quan mật thiết với nhau, theo người phân phối, do tốt nên đắt.

Thực phẩm đắt hơn thuốc đặc trị

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, trong năm 2010, qua kiểm tra 74 cơ sở có quảng cáo thực phẩm chức năng tại TP.HCM, phát hiện có tới 34 cơ sở thực hiện không đúng quy định. Trong đó, thực phẩm chức năng (TPCN) là sản phẩm quảng cáo có nhiều sai phạm nhất. Nhiều phòng khám đông y cũng quảng cáo chữa bệnh như… thần y.

Những loại thực phẩm chức năng này, theo người phân phối, đều có những tác dụng chả kém thần dược. Chính vì thế, nhiều gia đình tin dùng và nghe lời người bán còn quá cả thần y phán. Một bác sỹ ở Bệnh viện Ung bướu Trung ương cho biết, ông có những bệnh nhân đáng lý phải mổ khối u (nghi là ung thư) song đã không nghe chỉ định. Thay vào đó, họ chạy ngược chạy xuôi tìm những loại thuốc khác, trong đó có thực phẩm chức năng. Kết quả, u vẫn phát triển và việc can thiệp sau đó khó khăn hơn rất nhiều do kích thước khối u đã lớn gấp vài lần.

Ông Huỳnh Ngọc T. ở Thanh Xuân (Hà Nội), đi khám bệnh và phát hiện mình có khối u (nghi là ung thư) ở bàng quang và được bệnh viện chỉ định là phải mổ ngay để tránh khối u này phát triển sẽ chèn mất đường đi tiểu. Lo vì tuổi già sức yếu khó lòng có thể chịu được ca mổ này nên cả nhà đã chạy ngược chạy xuôi tìm các loại thuốc cho ông T. uống mong giảm, không cho khối u phát triển. Qua bạn bè giới thiệu, gia đình đã gặp một người phụ nữ chuyên phân phối các loại thực phẩm chức năng.

Khách hàng tìm hiểu và mua các sản phẩm đông nam dược có nguồn gốc từ thảo dược của Công ty Dược phẩm Sài Gòn (Sapharco) tại Hội chợ.

Theo người phụ nữ này, Umi là loại thực phẩm chức năng đặc biệt và có thể điều trị được cả ung thư và tiểu đường. Chị ta đã kể rằng cách đây 8 tháng, mẹ chị bị ung thư và đã dứt bệnh nhờ 6 tháng sử dụng Umi. Chị cũng kể thêm, không chỉ có mẹ chị mà một người đàn ông ở gần nhà chị bị ung thư dạ dày, đã dùng rất nhiều thuốc kể cả chạy hóa chất thế nhưng bệnh ngày càng trầm trọng; người gầy và xanh như tàu lá và không đi được. Nhưng sau khi uống đều đặn thuốc Umi trong vòng 1 tháng, tình hình đã được cải thiện.

Ông T liền mua uống thử trong vòng 1 tháng. Hết thời gian này, ông đã đi lại được và ăn cơm ngon miệng… Nghe vậy, gia đình ông T. đã mua liền 6 hộp thuốc với giá 1,8 triệu đồng/hộp. Tuy nhiên, sau một thời gian uống thuốc, khối u vẫn phát triển làm cho ông T. bị viêm đường tiết niệu và chớm suy thận. Cả nhà đã phải cho ông T. nhập viện và mổ gấp để lấy khối u ra.

Câu chuyện của gia đình ông T. cũng giống như câu chuyện của chị Hà Thu. Do tin tưởng vào nội dung quảng cáo trên sản phẩm Herbalife aloe drink có công dụng cải thiện hệ thống tiêu hóa, đặc biệt là khắc phục chứng rối loạn tiêu hóa mãn tính. chị đã không tiếc tiền để mua, nhưng dùng hết cả mấy hộp mà bệnh con chị vẫn không đỡ. "Bỏ 60 USD để mua 500ml nước cất mà cứ nghĩ là có công dụng như thuốc tiên. Thật dại quá", chị Thu kết luận.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), hiện Việt Nam có hơn 17.000 sản phẩm TPCN với gần 1.000 công ty kinh doanh, sản xuất; 40 công ty tổ chức bán hàng đa cấp với 700 nhà phân phối. Các đợt kiểm tra gần đây cho thấy, còn nhiều vi phạm quy định về quảng cáo thổi phồng quá mức, không đúng với công bố, lừa dối người tiêu dùng; quảng cáo không phép. Chưa kể, với giá nhập khẩu mỗi viên chỉ vài trăm đồng, TPCN bị thổi giá lên đến cả trăm ngàn đồng.

Tăng kiểm soát chất lượng đồng bộ

Theo ông Tạ Anh Dũng, TPCN với chất lượng của thực phẩm nhưng bán như thuốc đó là một "lỗ hổng" lớn mà Bộ Y tế cần chấn chỉnh. Mới đây, Trung tâm Thực phẩm và thuốc Hoa Kỳ (FDA) đã có cảnh báo quan trọng về chất lượng của loại TPCN có ghi "Herbalife realy Aloe for digestive helth diettary Supplement" là sản phẩm được chiết xuất từ cây Lô hội của một công ty chuyên sản xuất TPCN tại thành phố Dallsas - Texas (Mỹ). Qua việc thanh, kiểm tra cho thấy đã vi phạm nhiều quy định về nguồn gốc nguyên liệu sạch, về quy trình kiểm nghiệm sản phẩm, quy trình sản xuất về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, tại Việt Nam, TPCN đang tuồn qua rất nhiều kênh bán hàng để chiếm lĩnh một thị phần lớn với hàng trăm ngàn loại thuộc các dòng sản phẩm khác nhau và được họ quảng cáo với đầy đủ các công dụng như thần dược khiến nhiều người tiêu dùng tin, mua sử dụng lâu dài.

Thực phẩm chức năng được sản xuất theo quy trình công nghệ của thực phẩm nhưng thực tế đang được định giá bán giá cao hơn cả thuốc đặc trị. Thực trạng này chỉ có người tiêu dùng là thiệt thòi. (Ông Tạ Anh Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Dược Việt Nam)


Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng, nếu như năm 2007 cả nước chỉ có vài chục sản phẩm ngoại nhập và chiếm tuyệt đối thị trường thì nay đã lên tới hàng chục ngàn sản phẩm và TPCN nội cũng chiếm thị phần gần 40%. Một số công ty dược khác cũng không bỏ phí “mảnh đất màu mỡ” của TPCN, đua nhau sản xuất, nhưng thành phần nguyên liệu chủ yếu vẫn là tinh chất của các cây, quả, mà nói đúng hơn là dạng bào chế y học cổ truyền.

Thực tế cho thấy, để thu hút khách hàng và bán với giá cao hơn, nhiều cơ sở y học cổ truyền đã bào chế ra sản phẩm và xin cấp số đăng ký là TPCN nhưng thực ra đây là một dạng sản phẩm đội lốt TPCN. Nghĩa là người ta đang lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng vào công dụng của TPCN để kiếm lợi.

Kiểm soát chất lượng, công dụng của TPCN đang là một vấn đề lớn của ngành y tế hiện nay. Về vấn đề này, ý kiến tương đối thống nhất là phải có ngay một hệ thống pháp luật đủ mạnh để kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh loại sản phẩm đặc biệt này.

Về kinh tế, thị trường TPCN là một trong những thị trường thực phẩm tăng trưởng nhanh, mạnh. Doanh thu toàn thế giới đạt 65 tỷ USD/năm. Ở Mỹ chiếm tới 1/3 thị trường thế giới (23 tỷ USD). Châu Âu đạt 19 tỷ USD, châu Á 6 tỷ USD. Nhật Bản đạt 10 tỷ USD. Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng doanh thu của TPCN cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước cần một hệ thống chính sách cụ thể quy định việc công bố tiêu chuẩn chất lượng TPCN trước khi lưu hành ra thị trường (cả thực phẩm chức năng sản xuất trong nước và nhập khẩu). Kèm theo đó là các tài liệu liên quan, đặc biệt các tài liệu khoa học có giá trị pháp lý chứng minh tác dụng của chất có hoạt tính sinh học trong sản phẩm đăng ký, những tài liệu của nước sở tại cho phép lưu hành tự do theo quy định.

Một giải pháp khác là thẩm định điều kiện cơ sở và chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để phối hợp quản lý sản phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Tăng cường năng lực kiểm nghiệm các chất có hoạt tính sinh học, nghiên cứu thử nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có thể thành lập hội đồng tư vấn chuyên môn, hội đồng thẩm định với sự tham gia của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Quản lý Dược, Vụ Y học cổ truyền theo đúng quy định để kết luận những vấn đề tranh cãi.

Ngoài ra, theo TS Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế, thì cần phải tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm phát hiện sớm những vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực quảng cáo, kiên quyết xử lý nghiêm để tăng cường hiệu lực quản lý đối với sản phẩm, tăng cường hợp tác quốc tế để có cơ sở xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quản lý sản phẩm, bảo đảm an toàn cho cộng đồng, phù hợp với quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật...

Lý Hà

 

Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam:
Chú ý sử dụng TPCN đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận chất lượng.

Nhiều người tiêu dùng vì muốn giảm béo nhanh, sử dụng TPCN không rõ nguồn gốc, xuất xứ; dùng tăng liều không theo hướng dẫn sử dụng dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng như rối loạn tâm thần, mất trí nhớ, ngơ ngơ ngác ngác, ảnh hưởng đến gan, thận và tử vong. “Hiện nay tất cả các loại TPCN, đặc biệt là trà giảm béo đều tập trung vào 4 cơ chế là: Tẩy (nhuận tràng); ngăn ngừa hấp thu (hạn chế hấp thu mỡ, thực phẩm); cảm giác no, không thèm ăn và tăng thoái hóa (huy động tăng tiêu thụ mỡ). Tuy nhiên, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác, không được dùng quá liều, không được dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nếu không tuân thủ nguyên tắc này sẽ dẫn đến mất nước, co giật, liệt và tử vong”. "Việt Nam hiện có rất nhiều loại TPCN không công bố tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt rất nhiều hàng xách tay, có loại quảng cáo giảm cân siêu tốc từ 6 đến 8kg trong một tháng. Người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác với những thông tin trên, nếu không sẽ nguy hiểm đến sức khỏe". Người tiêu dùng phải rất chú ý khi mua TPCN. Phải chọn những sản phẩm đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn có ghi trên nhãn sản phẩm. Tuyệt đối không sử dụng hàng chưa được công bố tiêu chuẩn, không ghi trên nhãn sản phẩm, đặc biệt là hàng xách tay, trôi nổi.

Chị Ngọc Anh (Hoàng Mai, Hà Nội):
Dễ sử dụng nhưng giá cao

Bản thân tôi đã sử dụng TPCN được bốn tháng. Thực phẩm tôi dùng là một loại bột thay cho bữa sáng. Từ khi uống loại bột này, tôi thấy cơ thể khỏe mạnh, và cũng không mất công chuẩn bị bữa sáng nữa. Cân nặng của tôi cũng giảm đáng kể. Trừ việc giá cả cao, với tôi, loại thực phẩm này sử dụng thật dễ chịu. Chồng tôi hiện cũng sử dụng TPCN cho bữa sáng như tôi.

Chị Nguyễn Minh Hằng
(Thanh Xuân, Hà Nội):
Ngại sử dụng vì bán theo mạng bán hàng đa cấp
Cách bán hàng TPCN khiến tôi thấy ngại mua. Họ cũng chính là một kiểu bán hàng đa cấp. Cứ nhìn giá một bộ sản phẩm chào bán trên mạng với mỗi cấp đại lý khác nhau lại một giá mà sợ bị “ăn quả lừa”. Nhiều khi, người bán hàng quá vồn vã, như kiểu ép mua khiến tôi lại càng ngại hơn. Thời gian gần đây, thấy có một vài vụ bắt được những kho hàng TPCN, nhập của Trung Quốc nhưng lại dán mác Mỹ, và Ôxtrâylia thì tôi càng quyết tâm “nói không với TPCN”.