02:14 04/02/2021

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc sử dụng sóng âm để tăng nước mưa

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết sóng âm thanh tần số thấp có thể kích thích tạo mưa tại một số khu vực hạn hán.

Chú thích ảnh
Thí nghiệm dùng âm thanh tăng lượng nước mưa đã được thực hiện ở Cao nguyên Tây Tạng. Ảnh: SCMP

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) ngày 4/2 đưa tin thí nghiệm đã được thực hiện tại Cao nguyên Tây Tạng năm 2020. Các nhà nghiên cứu Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh khẳng định rằng qua thí nghiệm, mực nước mưa đã tăng 17% nhờ việc hướng một loa phóng thanh cỡ đại lên bầu trời.

Đội ngũ nghiên cứu do giáo sư Wang Guangqian dẫn dắt. Ông chia sẻ: “Tổng lượng nước bốc hơi hàng năm tại Trung Quốc là khoảng 20 nghìn tỷ tấn. Nhưng chỉ có 20% hình thành mưa rơi xuống mặt đất”. Trong khi đó, năng lượng âm thanh có thể thay đổi cấu trúc của mây. Đây là đánh giá được nhóm nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa đăng tải trên tạp chí Scientia Sinica Technologica trong tháng 1.

Không giống như các công nghệ tạo mưa nhân tạo khác, âm thanh không gây ô nhiễm và cũng chẳng cần phương tiện hỗ trợ như máy bay hoặc tên lửa đẩy. Nhưng một số ý kiến chỉ trích rằng việc dùng phương pháp âm thanh có thể tạo ô nhiễm tiếng ồn gây ảnh hưởng đến người dân và sinh vật bản địa.

Loa giáo sư Wang Guangqian sử dụng để tạo mưa được trang bị động cơ diesel và có thể phóng âm thanh tần số 50 hertz lên các đám mây. Tuy nhiên, âm thanh này có độ ồn lên tới 160 decibel – tương đương mức tiếng động phát ra từ động cơ máy bay. Khi âm thanh vươn tới các đám mây ở vị trí cách mặt đất 1.000 m thì độ ồn sẽ giảm đi 30 decibel. Tín hiệu radar ghi nhận lượng hạt mưa được hình thành tăng thêm sau khi chịu tác động âm thanh.

Theo kết quả thí nghiệm, mực nước mưa tại khu vực bán kính 500m chịu tác động của thiết bị âm thanh sẽ nhiều hơn 11-17% so với những khu vực ở bên ngoài.

Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Hàn lâm Trung Quốc ở Bắc Kinh đánh giá thí nghiệm kéo dài trong 2 tiếng của giáo sư Wang sẽ cần có thêm nhiều lần thu thập dữ liệu và chưa có giả thiết ủng hộ ý tưởng âm thanh có thể tác động đến lượng nước mưa.

Hà Linh/Báo Tin tức