12:06 04/12/2014

Nhớ vườn cà quê của mẹ

Cà là một món ẩm thực đã đi vào nền văn hóa dân gian Việt Nam từ rất lâu đời, được nhắc đến nhiều trong thơ ca hay những câu ca dao tục ngữ.

Cà là một món ẩm thực đã đi vào nền văn hóa dân gian Việt Nam từ rất lâu đời, được nhắc đến nhiều trong thơ ca hay những câu ca dao tục ngữ.

Những bữa cơm nhà quê rất giản dị, chỉ cần bát canh rau “tập tàng”, rau lang, rau cải… hay bát nước rau muống luộc vắt tý chanh, ăn với mấy quả cà pháo là xong một bữa cơm vừa no mà lại cảm thấy rất ngon miệng, chỉ như thế thôi cũng đủ sức để gợi lên hương vị ẩm thực hết sức dân dã nhưng lại “đặc sắc” vô cùng của nhiều vùng miền trên đất nước. Trong đó cũng thể hiện được tấm lòng gửi trao cả tình người dân xứ Nghệ trong bữa ăn với bạn bè tri âm, tri kỷ đàng trong, đàng ngoài...

Cà là loài thực vật rất dễ trồng và nhanh phát triển, sau hai tháng gieo trồng, cà bắt đầu đơm hoa kết trái, lúc đầu chỉ thưa thớt một vài bông, sau một vài tuần từ nách đến ngọn cây thi nhau nở rộ một màu tím trông vô cùng dễ thương và đẹp mắt. Từ những cuống hoa đã rụng rốn quả bắt đầu ló ra những quả cà non ngộ nghĩnh bằng đầu chiếc đũa, khoảng một tuần lễ sau, những quả cà tròn vo đã lớn bằng ngón chân cái, da căng bóng lố nhố trong những cuống lá xanh. Trong vườn cà mẹ tôi trồng nhiều giống khác nhau. Mẹ bảo, mỗi loại khi ăn có một vị ngon riêng và chế biến được các món cũng khác nhau nên phải trồng nhiều loại nhằm thay đổi khẩu vị cho cả nhà. Để có nhiều loại cà mẹ phải đi xin cây giống của các bác trong làng. Bấy nhiêu giống cà đã làm cho vườn cà của mẹ tôi thật phong phú và hấp dẫn biết bao.

Ngoài cà pháo trái nhỏ màu trắng và màu tím dùng để muối, còn có loại cà dúm trái tí hon, ruột đặc có màu xanh sọc trắng luộc ăn rất ngọt và ngon, mẹ còn trồng thêm cà dừa tím, cà dừa xanh thân bẹt, những trái to bằng cái “bát” ăn cơm thường ngày, loại này chuyên để xào với lá lốt hoặc nấu canh cá, um lươn, um ếch… loại cà dái dê mẹ thường nướng trên bếp than hồng cho cháy vỏ dằm với mỡ hành, nước mắm tỏi ớt làm mồi nhậu cho bố cũng “tuyệt chiêu” vô cùng. Nói chung tất cả các món chế biến từ cà tuy đơn giản bình dị nhưng lại bắt cơm đáo để … Cứ mỗi sáng sớm mẹ lại ra vườn hái những quả cà đã đủ lớn làm thức ăn cho bữa ăn hàng ngày.

Như đã thành thông lệ, năm nào cũng thế cứ độ khoảng cuối tháng tư vườn cà “rộ” quả, những trái cà pháo trong khoảng thời gian này “thuận” theo thời vụ và tiết trời của địa phương, vừa giòn vừa ngọt lại già đều và không bị đắng như những tháng khác, nên muối ăn rất ngon. Thế là mẹ chuẩn bị “lon vại” bắt tay vào việc muối cà cất dành ăn quanh năm. Mẹ chọn những quả cà pháo tròn trịa không bị sâu đục lỗ, cắt bỏ núm, phơi qua một nắng cho quả cà hơi héo và săn da, sau đó cho vào vại cứ một lớp cà dày là một lớp muối mỏng vừa. Mẹ lấy chiếc vỉ đan bằng cật tre đặt trên cà, dùng mấy hòn đá cuội nặng đè lên để nén vại cà cho thật chặt. Mẹ bảo, phải nén như thế quả cà mới ngấm đều muối, trắng nõn và giòn. Hễ mỗi lần muối cà mẹ đều biểu mấy chị em tôi đứng cạnh đó mà học cách muối cà, vì theo mẹ, người phụ nữ nào khi đi lấy chồng cũng phải biết muối dưa, muối cà sao cho khéo cho ngon.

Qua bao mùa nắng mưa, vườn cà của mẹ vẫn cứ “trình tự” đơm hoa kết quả, dáng mẹ vẫn “gầy nhom” như ngày nào, suốt ngày miệt mài bên ruộng lúa vườn cà luống rau, sớm hôm tần tảo nuôi những đứa con trong độ tuổi học hành, nghĩ về vườn quê trong veo bỗng lòng tôi bồi hồi “trắc ẩn” thương mẹ hiền nhớ đàn em thơ dại mà không thể giúp gì được. Sống nơi phố thị ồn ào đông vui nhộn nhịp, không vườn tược chẳng có đất đai. Tôi bây giờ mở mắt ra chỉ toàn là những gánh nặng lo toan, cứ thế mà xoay như chong chóng, nào cơm áo nào gạo tiền…, không còn tâm trí để mà “miên man”, vườn cà của mẹ chỉ còn trong ký ức của tôi mỗi khi nhớ về vườn quê xưa.

Mỹ Nhân