04:13 29/04/2012

Nhớ về những bức tranh cổ động đoàn kết với Việt Nam tại Cuba

Gần 4 thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nhưng không ai có thể quên được những hình ảnh về phong trào ủng hộ Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

Gần 4 thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nhưng không ai có thể quên được những hình ảnh về phong trào ủng hộ Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

Tại đất nước Cuba anh em ở bên kia bán cầu, những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh mà Việt Nam phải trải qua là khoảng thời gian mà nhân dân Cuba cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực, góp tiếng nói cùng với cộng đồng thế giới, để bày tỏ sự đoàn kết với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Trong các cuộc mít tinh quần chúng được tổ chức thường xuyên ở Hòn đảo Tự do vào những năm tháng hào hùng đó luôn xuất hiện những tấm áp phích, tranh cổ động với những hình tượng vô cùng phong phú về cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam nhưng ít ai biết được về những nghệ sỹ đã phải thức trắng nhiều đêm để tìm kiếm ý tưởng, phác họa lên những hình ảnh sống động nhất, có ý nghĩa nhất để cổ vũ tinh thần chiến đấu kiên cường của “những người anh em cùng chung chiến hào”.

Việt Nam, chúng tôi luôn ở bên các bạn…

Để phản đối sự leo thang của Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, từ ngày 13 đến 19/3/1966, Tổ chức Đoàn kết giữa các dân tộc Á, Phi và Mỹ Latinh (OSPAAAL) đã tổ chức hội nghị đoàn kết với Việt Nam tại thủ đô La Habana, trong đó giữa những bức ảnh của những anh hùng các dân tộc châu Phi và Mỹ Latinh là hình ảnh của người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Trỗi, biểu tượng của tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, được treo trang trọng trên sân khấu chính của hội nghị. Bức ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi đang hô vang những khẩu hiệu yêu nước và giương cao ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do nghệ sỹ Jesus Forjans Boade thiết kế theo đề nghị của Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam (ảnh 1). Đây cũng là bức tranh ủng hộ Việt Nam đầu tiên được in tại Cuba với dòng chữ “Vietnam, estamos contigo…” (Việt Nam, chúng tôi luôn ở bên các bạn) bày tỏ tình cảm của nhân dân tại quốc đảo này đối với nhân dân Việt Nam.

Ngay sau đó, bức họa của nghệ sỹ Forjans Boade đã được đưa vào in hàng loạt để phục vụ cho các cuộc mít tinh quần chúng ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc của Việt Nam. Và cũng từ bức họa về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đó, bắt đầu xuất hiện một trào lưu vẽ tranh và áp phích chính trị có ảnh hưởng của nghệ thuật tạo hình, cũng như nguyên tắc đồ họa theo các trường phái Ba Lan, Nhật Bản và Mỹ.

Cần phải tạo ra hai, ba… và nhiều Việt Nam

Câu nói nổi tiếng trên của người du kích anh hùng Che Guevara cũng đã trở thành nguồn cảm hứng để họa sỹ Lazaro Abreu Padron sáng tác bức tranh cùng tên vào tháng 4/1967 và được phân phát cùng với bức thư của Che Guevara gửi tới Ủy ban đoàn kết ba châu lục. Bức tranh cổ động mang thông điệp kêu gọi noi gương Việt Nam này được vẽ theo phong cách ảnh chứng thực với sự tương phản rõ nét.

Gương mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sỹ giải phóng quân đang trong trận chiến được khắc họa bằng những biểu cảm mang tính trừu tượng về sự khát khao thống nhất đất nước, đem lại hòa bình cho Tổ quốc. Những nét vẽ trong bức họa cũng thể hiện được những yếu tố văn hóa đậm chất Việt Nam theo sự tưởng tượng của tác giả (ảnh 2+3).

Một minh chứng hùng hồn khác trong lĩnh vực hình họa thể hiện sự đoàn kết của nhân dân Cuba với Việt Nam trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ là áp phích do nghệ sỹ Alfredo Rostgaard thiết kế để quảng bá cho bộ phim tài liệu nổi tiếng “Hanoi, Martes 13” (Hà Nội, thứ ba ngày 13). Hình ảnh Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Lyndon B.Johnson và hai quả bom đang lao xuống đất theo chiều thẳng đứng được tác giả dùng để ám chỉ tới mệnh lệnh của ông chủ Nhà Trắng ném bom xuống Hà Nội vào ngày 13/12/1966. Mặc dù tấm áp phích chỉ rõ ngày tháng nhưng đồng thời cũng muốn truyền tải cho dư luận về một sự thật xảy ra hàng ngày tại Việt Nam lúc bấy giờ, kể cả ở miền Bắc lẫn miền Nam. Thông qua OSPAAAL, những bức họa sống động mang nhiều thông điệp này không chỉ được phân phát tại Cuba mà còn được gửi tới nhiều thành phố khác trên thế giới như Praha, Vácxava, Béclin, Pari hay Rôma, và được dán khắp các đường phố.

Sau đó, vào thời điểm mà Mỹ đang ngày càng sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam những năm cuối thập kỷ 1960, nghệ sỹ Rene Mederos Pazos đã có ý tưởng vẽ một bức tranh với chữ SAIGON được lặp lại bốn lần nhưng có sự thay đổi theo chu kỳ để tạo hiệu ứng thị giác bắt đầu bằng quốc kỳ nước Mỹ và dần dần bị thay đổi màu sắc và kết thúc bằng lá cờ của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (ảnh 4).

Đây cũng được coi là một lời “tiên tri” về thất bại không thể đảo ngược của quân đội Mỹ tại chiến trường Việt Nam.

Việt Nam, tháng Tư năm 1975

Phong trào đoàn kết với Việt Nam ở Cuba đã tận dụng mọi sự kiện để khắc họa thông qua những bức tranh cổ động và áp phích về những âm mưu tàn bạo mà chính quyền Nixon đã thực hiện tại Việt Nam.

Sau khi xảy ra sự kiện Mỹ dùng máy bay B52 đánh phá miền Bắc năm 1972, ngay lập tức họa sỹ Olivio Martínez Viera đã cho ra đời bức hình Tổng thống Nixon cưỡi trên những chiếc B52 và bên dưới là bản đồ của đất nước hình chữ S (ảnh 5) hay hình ảnh một quả bom đang được ném xuống hai lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng lại bị ngăn chặn bởi một tấm lưới, qua đó thể hiện hình tượng về sự kiên cường và hiệu quả của nhân dân Việt Nam yêu nước trong chiến dịch bảo vệ bầu trời của thủ đô thân yêu (ảnh 6).

Vào thời điểm lá cờ chiến thắng của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập, thành trì cuối cùng của chính quyền bù nhìn miền Nam, nghệ sỹ Alfredo Rostgaard đã nhanh chóng sáng tác một tấm áp phích với nét vẽ màu trắng trên nên xanh da trời về một cô du kích Việt Nam được bao quanh bởi một đàn chim bồ câu, biểu tượng của hòa bình và thắng lợi cùng với dòng chữ nổi bật: “Viet Nam, Abril de 1975” (Việt Nam, tháng Tư năm 1975).

Và bức họa cuối cùng này đã được nhân dân Cuba giương cao ngập tràn các đường phố ở Cuba trong ngày lễ ăn mừng chiến thắng hoàn toàn của quân và dân Việt Nam (ảnh 7).

Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)