WHO cảnh báo độ nguy hiểm của dịch bệnh MERS

Số nạn nhân nhiễm virus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) không ngừng gia tăng ở Saudi Arabia đang trở thành một thực trạng rất nguy hiểm. Theo thống kê, ít nhất 139 người đã thiệt mạng trong tổng số gần 500 người nhiễm bệnh kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này hồi tháng 9/2012. Trong khi đó, số người nhiễm mới đang tiếp tục tăng lên.

Nhân viên y tế và người nước ngoài đeo khẩu trang phòng chống MERS tại bệnh viện ở Jeddah. Ảnh: AFP/TTXVN


Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ) dẫn thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định chính những lỗ hổng trong hướng dẫn cách phòng tránh lây nhiễm và áp dụng các biện pháp kiểm soát, mà tổ chức này từng chỉ ra, đang góp phần làm gia tăng sự lây nhiễm của MERS tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia.

Tuy nhiên, WHO cho rằng sự gia tăng số ca nhiễm mới không có nghĩa là cách thức lây lan của chủng virus này đã thay đổi. Trước tình trạng 1/4 số ca lây nhiễm từ người sang người xảy ra với các nhân viên y tế, WHO khuyên cáo đội ngũ y tế cần nâng cao nhận thức về dịch MERS. Tổ chức này cũng nhắc lại rằng không cần thiết phải ban bố lệnh cấm nhập cảnh đối với Saudi Arabia.

MERS xuất hiện lần đầu tại Saudi Arabia hồi tháng 9/2012 và theo thống kê của Bộ Y tế nước này, tính đến nay đã có tổng cộng gần 500 người dân bị lây nhiễm. Ngoài Saudi Arabia, MERS cũng xuất hiện tại hơn 12 quốc gia khác, chủ yếu ở khu vực Trung Đông. Trước những lo sợ của người dân về sự lây lan nhanh chóng của chủng virus này, mới đây, quyền Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia Adel Fakieh đã quyết định sa thải Giám đốc Bệnh viện Vua Fahd tại Jeddah, nơi xảy ra nhiều trường hợp lây nhiễm trong các nhân viên y tế.

MERS được coi là nguy hiểm hơn virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng lây lan khắp châu Á năm 2003 khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh và 9% trong số đó tử vong. Theo các chuyên gia y tế, dù ít lây lan hơn SARS nhưng MERS lại nguy hiểm hơn vì chưa có vắc-xin hay phác đồ điều trị đặc hiệu, tỉ lệ tử vong lên tới gần 30%.


Một số nhà khoa học cho rằng căn bệnh này có nguồn gốc từ lạc đà, loài vật nuôi khá phổ biến ở Saudi Arabia và các quốc gia vùng Trung Đông nói chung. Những người nhiễm MERS thường có biểu hiện sốt cao, khó thở, viêm phổi và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.


TTXVN/Tin tức
Phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm MERS-CoV ở Mỹ
Phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm MERS-CoV ở Mỹ

Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ (CDC) ngày 2/5 cho biết đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm vi-rút gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS-CoV).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN